Bốn giáo sư thuộc Đoàn ĐBQH Hà Nội “hiến kế” phát triển kinh tế xã hội đất nước
Trong phiên họp Quốc hội diễn ra sáng ngày 26/10, cả 4 GS.TS là ĐBQH TP Hà Nội, vốn là những chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành của đất nước đã đề xuất các giải pháp để phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới.
Ngày 26/10, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận ở tổ về: tình hình kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước; tình hình thi hành Hiến pháp; thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB); dự án Luật Điện lực (sửa đổi).
Phát biểu tại tổ, GS.TS Nguyễn Anh Trí (ĐBQH Đoàn TP Hà Nội) cho biết, trong năm 2024, dù tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, nhưng kết quả đạt được của đất nước rất là to lớn. Trong đó, theo ông Trí có sự đóng góp rất lớn của ngành nông nghiệp vốn là “bệ đỡ” lớn của nền kinh tế. Bên cạnh đó, công tác đối ngoại cũng đạt được nhiều thành tựu to lớn trong ký kết, làm việc và hợp tác, tham gia các diễn đàn lớn với tư thế vững vàng.
Tuy nhiên, theo ông Trí vẫn còn nhiều việc “dang dở”. Cụ thể, giáo dục còn chật vật trong đổi mới toàn diện. Khó có thể yên tâm về việc đổi mới sách giáo khoa, thi cử, thiếu giáo viên, trường lớp, nhất là tại vùng khó khan. Ngành y tế thiếu thuốc trầm trọng chứ không phải là cục bộ. Tình trạng đấu thầu đất, giá đất “nhảy múa” chưa từng thấy.
Từ đó, ông Trí đề nghị, đã đến lúc Chính phủ cần tập trung các nhà khoa học về kinh tế, người quản lý đất đai giỏi để nghĩ cách ngăn chặn giá đất “nhảy múa”, gây ra những ảnh hưởng tiêu cực vì giá đất ảnh hưởng lớn tới toàn bộ hoạt động sản xuất, các dự án.
Đối với chỉ tiêu của năm 2025, ông Trí kiến nghị, nên thay đổi chỉ tiêu số giường bệnh/1 vạn dân vì chỉ tiêu này chỉ phù hợp trong bối cảnh 10 năm về trước. Còn 2-3 năm gần đây chỉ tiêu này đều đã vượt. Đặc biệt, cần chú trọng, nâng chất lượng khám chữa bệnh/giường hơn là tăng số lượng giường bệnh.
Ông Trí cho biết, trên thế giới hiện nay chỉ quan tâm làm sao chữa được bệnh cho nhân dân, chứ không quan tâm có bao nhiêu giường bệnh. Do đó cần quan tâm hơn đến chất lượng công tác khám, chữa bệnh. “Cần quan tâm đến chỉ tiêu chuyển đổi số trong y tế. Chuyển đổi số tốt sẽ thay đổi rất lớn kể cả về tổ chức, sử dụng, vận hành, hiệu quả trên các lĩnh vực: y, dược, y tế dự phòng, và khám chữa bệnh. Ngành Y tế cần đưa ra chỉ số để đánh giá và đảm bảo rằng hàng năm chỉ tiêu này phải tăng lên để đưa nước ta trở thành nước tiên triến trên thế giới về chuyển đổi số trong y tế”-ông Trí khuyến nghị.
GS.TS Hoàng Văn Cường, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, ĐBQH Đoàn TP Hà Nội cho hay, thành quả tăng trưởng của chúng ta trong thời gian qua chủ yếu dựa vào công nghiệp với 8,34%. Trong đó, chủ yếu là công nghiệp chế tạo, chế biến hướng vào xuất khẩu. Điều đó chứng tỏ nền kinh tế đang phụ thuộc khá lớn vào tình hình kinh tế thế giới.
Trong xuất khẩu, theo ông Cường chúng ta đang phụ thuộc chủ yếu vào nhóm của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài FDI. Bình quân thặng dư xuất khẩu của chúng ta là khoảng 20,7 tỷ USD, riêng nhóm FDI đóng góp 38 tỷ USD, trong khi đó nhóm các doanh nghiệp trong nước âm 17 tỷ. Nghĩa là xuất khẩu đang trông chờ vào FDI.
Ông Cường bày tỏ lo ngại về việc số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động có tăng, nhưng số doanh nghiệp rút khỏi thị trường còn tăng cao hơn. Điều đó chứng tỏ phục hồi của nền kinh tế trong nước còn đang “có vấn đề”. Nếu so sánh với năm 2023 có thể thấy rằng, số doanh nghiệp đăng ký mới và quay trở lại hoạt động đang bị thấp hơn, trong khi đó số doanh nghiệp rời khỏi thị trường lại lớn hơn năm 2023.
Ông Cường cho rằng, nền kinh tế đang bị lệ thuộc lớn khá lớn. Tính tự chủ, tiềm lực của các doanh nghiệp trong nước còn rất yếu. Do đó để phục hồi bền vững cần có giải pháp tăng cường năng lực kinh tế trong nước. Khó có thể tăng cho cả hệ thống 94% số doanh nghiệp, cho nên phải tập trung cho các doanh nghiệp trụ cột, đầu mối trong nước để tạo ra trụ đỡ.
GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, ĐBQH Đoàn TP Hà Nội nêu vấn đề, hiện nay khoa học công nghệ đang có nhiều điểm nghẽn cần Chính phủ và các bộ ngành khơi thông để tháo gỡ. Theo đó cần thương mại hóa các sản phẩm khoa học công nghệ, sản phẩm nghiên cứu. “Thực hiện nhiều kết quả nghiên cứu nhưng làm thế nào để kết quả này có thể chuyển giao vào thực tiễn để các doanh nghiệp, cơ sở có thể tiếp nhận các kết quả nghiên cứu này, hay các thành quả nghiên cứu của các viện, trường đại học”-bà Lan kiến nghị.
Bà Lan cũng đề nghị, khơi thông điểm nghẽn về nguồn nhân lực và chất lượng nguồn nhân lực. “Cử tri đề nghị Chính phủ, các bộ ngành quan tâm đến nguồn nhân lực chất lượng cao. Do đó, cần có chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, hỗ trợ học phí cho các em có học lực giỏi tại các vùng nông thôn, có chính sách để sau này các em có thể trở về quê hương để công tác và cống hiến”-bà Lan bày tỏ.
Liên quan đến vấn đề đầu tư công, GS.TS Lê Quân, Giám đốc Đại học quốc gia Hà Nội, ĐBQH Đoàn TP Hà Nội kiến nghị, Quốc hội sớm tính toán, nghiên cứu sửa đổi các quy định liên quan đến quản lý vốn ODA đối với các đơn vị sự nghiệp công lập.
Dẫn chứng, Đại học quốc gia Hà Nội phải mất 3 năm để giải ngân vốn ODA vì luật “vô lý” khi quy định tỷ lệ vay lại 40%. “Với một đơn vị đại học không ai vay cả. Không ai làm giáo dục để có khả năng trả nợ. Do đó phải mất thời gian dài để giải ngân. Các bộ ngành biết nhưng thiếu cơ chế để xử lý nhanh nên cần xem xét sửa đổi Luật Đầu tư công, tháo gỡ các quy định về ODA. ODA chi phối rất nhiều, nhất là trong kế hoạch phát triển của quốc gia trong 10 năm tới cho nên vẫn phải dùng ODA”-ông Quân nói.