Phải có người chịu trách nhiệm
Phát biểu khi thảo luận tổ tại Quốc hội, chiều 26/10, Tổng Bí thư Tô Lâm một lần nữa nhấn mạnh đến việc chống lãng phí. Tổng Bí thư chỉ rõ, “có những dự án nhìn thấy được, nhưng dân hỏi không trả lời được, như đất vàng để hàng chục năm trời cho cỏ mọc, phải có ai chịu trách nhiệm chứ, nếu không làm được thì thu hồi”.
Lâu nay, lãng phí được coi như bệnh mãn tính, nhiều người thờ ơ với nó, thiếu trách nhiệm với nó. Đáng buồn hơn là không thấy mình có chút trách nhiệm nào. Nếu có lần tự vấn lương tâm thì lại cho rằng đó là việc của người khác, nào phải của mình. “Cha chung không ai khóc”, vô cảm khi tài sản của dân, của nước bị lãng phí - điều đó là không thể chấp nhận, cần phải được xử lý trách nhiệm cụ thể, rõ ràng và nghiêm khắc.
Trong nhiều trường hợp, lãng phí kéo dài gây hậu quả nghiêm trọng không thua gì vấn nạn tham nhũng. Nó làm mất cơ hội phát triển, tàn phá nguồn lực quốc gia, gây bức xúc, suy giảm niềm tin của người dân. Tài sản của nhà nước, tiềm lực của nhà nước và cũng là tiền của của nhân dân. Đất nước còn nghèo, nhiều công trình lớn cần phải được đầu tư để phát triển, nhưng nếu tình trạng lãng phí vẫn diễn ra thì mọi chắt chiu, nỗ lực cũng sẽ bị giảm ý nghĩa, có khi còn bị hủy hoại.
Tổng Bí thư Tô Lâm không ít lần nhấn mạnh, lãng phí khiến người dân bức xúc. Cùng đó, Tổng Bí thư dẫn chứng những dự án rất cụ thể, điển hình của lãng phí, trong đó có dự án chống ngập ở TPHCM đầu tư rất lớn qua 2 nhiệm kỳ mà dân vẫn chịu ngập lụt. Hoặc trường hợp 2 bệnh viện cơ sở 2 tại Hà Nam được nhà nước đầu tư chục năm vẫn chưa đưa vào sử dụng, trong khi nếu của tư nhân thì họ thu hồi vốn xong rồi.
Trong nhiều trường hợp, kể cả khi lãng phí được chỉ ra, nhưng cơ quan lẽ ra phải chịu trách nhiệm thì lại tìm cách giải thích lòng vòng, viện dẫn hết lí do này đến lí do khác. Về bản chất, đó cũng chỉ là sự ngụy biện để trốn tránh trách nhiệm, khi không đưa ra được biện pháp tháo gỡ, và còn tệ hơn là không nhận trách nhiệm, không chỉ ra sai phạm ở khâu nào dẫn đến lãng phí. Phải chăng là của công nên không cá nhân nào phải chịu trách nhiệm? Nhìn trước ngó sau, đùn đẩy, “đá quả bóng trách nhiệm”, cách hành xử ấy cần phải chấm dứt.
Không chỉ để công sản xuống cấp, đất đai cấp cho các dự án hoang hóa trong khi người dân thiếu đất canh tác, mà cả trong lĩnh vực đầu tư công cũng lãng phí khi ngân sách rất lớn đã cấp nhưng không giải ngân nổi. Không có tiền đã đành, nhưng có tiền mà không tiêu được chính là một nghịch lý. Đầu tư công được xác định là một trong 3 trụ cột tăng trưởng kinh tế (cùng với xuất khẩu và tiêu dùng nội địa), nhưng mấy năm nay, năm nào cũng chậm chạp, “hò như hò đò” cũng không chuyển. Tới nay, tính trên phạm vi cả nước mới giải ngân vốn đầu tư công chưa được 50%. Hết tháng 9, vẫn có tới 7 địa phương giải ngân dưới 20%; cá biệt có tỉnh mới chỉ giải ngân được 10%.
Vốn đầu tư công bị “chôn” là sự lãng phí rất lớn. Tổng Bí thư nhấn mạnh, về việc này không thể đổ lỗi cho nhau, hay chờ nhau được, mà phải phối hợp giải quyết và phải có trách nhiệm trả lời cho dân.
Lâu nay việc vì sao để xảy ra lãng phí, ai phải chịu trách nhiệm, người dân không nhận được câu trả lời rõ ràng. Tăng cường vai trò giám sát của người dân nhưng nếu dân không nhận được câu trả lời thì hiệu quả sẽ rất thấp. Một lần nữa xin được nhắc lại, lãng phí cùng với tham nhũng cũng đều là “giặc nội xâm”, đều phải kiên quyết chống.