Không tạo thêm áp lực cho học sinh
Sau khi Báo Đại Đoàn Kết đăng loạt bài 5 kỳ “Tuyển sinh lớp 10: Đảm bảo đầu vào và nâng chất đầu ra” (từ số 295 đến số 299) đã có nhiều ý kiến phản hồi, góp ý về kỳ thi vào lớp 10 với những thay đổi phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.
Theo đó, để kỳ thi thực sự là cuộc sàng lọc chất lượng nhưng không tạo áp lực, thì cần các giải pháp đồng bộ từ xây dựng chính sách, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới đề thi, phương án tuyển sinh.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương):
Tuyên truyền để tạo đồng thuận với chủ trương mới
Tôi ủng hộ chủ trương thi 3 môn vào lớp 10 THPT, trong đó có 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn, 1 môn do địa phương lựa chọn. Chúng ta đang thực hiện Chương trình GDPT 2018 với nhiều điểm mới. Một trong những đổi mới đó là đổi mới cách dạy học, cách thi cử, cách đánh giá. Môn thi thứ 3 được công bố trước ngày 31/3 và không cố định mà do các Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) lựa chọn là phù hợp, sẽ tránh được việc học lệch, học tủ do tâm lý nếu công bố sớm, học sinh, thậm chí nhà trường, giáo viên cũng tập trung vào môn thi mà lơ là các môn học khác.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là để học sinh học toàn diện các môn, sẵn sàng thi bất cứ môn học nào, ngành giáo dục vẫn cần giảm tải chương trình. Giảm tải ở đây không phải là cắt bớt môn học, môn thi mà là dựa trên kết cấu chương trình, yêu cầu chuẩn kiến thức của học sinh trong sự tương đồng với các nước trong khu vực và trên thế giới. Tiếp theo là giảm tải đến từ phía giáo viên. Không giao quá nhiều bài tập về nhà, đặc biệt là những bài tập có dạng thức giống nhau khiến học sinh chán nản, không muốn làm.
Bên cạnh đó, để ổn định tâm lý cho học sinh và phụ huynh, cần sớm có định hướng rõ ràng về đề thi tuyển vào lớp 10, đảm bảo trong khung chương trình và mức độ phân hóa để phân loại được học sinh nhưng cũng không đồng thời cổ vũ cho việc phải đi học thêm mới có thể làm tốt bài thi.
Nhiều phụ huynh lo lắng nếu không công bố sớm môn thi, ôn thi trước thì con sẽ không đạt kết quả cao. Tôi cho rằng vấn đề ở đây là phải chú trọng làm công tác tuyên truyền bởi sẽ không chỉ có một học sinh hay một nhóm học sinh hay, học sinh của một trường không được ôn trước mà đây là tất cả các học sinh đều như thế. Chỉ khi môn thi được công bố thì mới biết chính xác đó là môn nào. Điều này rất công bằng giữa các môn học, giáo viên nào cũng phải có trách nhiệm với môn học của mình thay vì tư tưởng môn mình chắc không thi đâu. Tôi biết có những trường giáo viên còn cho giờ nhau, giáo viên môn không thi nhường cho các giáo viên có môn thi để có thêm thời gian học, ôn tập cho học sinh.
Từ phương án thi truyền thống thay đổi sang cách thức thi mới, chắn chắn sẽ có những băn khoăn, chưa thấu hiểu. Cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng, làm tốt công tác tuyên truyền để cho phụ huynh và học sinh hiểu được lợi ích của việc không công bố sớm môn thi thứ 3 từ đầu năm, không cố định môn thi thứ 3.
Bà Nguyễn Thị Vân Hồng - Hiệu trưởng Trường THCS Chương Dương (Hà Nội):
Không phải thấy khó là bỏ qua
Phương án thi 3 môn như dự thảo công bố, trên thực tế đã giảm bớt rất nhiều áp lực cho học sinh Hà Nội. Chúng ta còn nhớ trước khi dịch Covid-19 diễn ra, học sinh Hà Nội thi 4 môn, trong đó có 3 môn thi bắt buộc và 1 môn thi bốc thăm ngẫu nhiên. Vì vậy, môn thi thứ 3 hiện nay được lựa chọn và công bố trước ngày 31/3 là hợp lý. Bởi thời điểm này, các trường đã dạy xong chương trình và tập trung vào giúp học sinh ôn thi. Nếu công bố sớm từ đầu năm hay cố định năm nào cũng thi môn 1 môn thì sẽ khó tránh khỏi việc học sinh học lệch, học tủ. Khi học sinh chỉ học để thi thì mục tiêu trang bị kiến thức cơ bản, phổ quát nhất về mọi mặt cuộc sống ở bậc THCS mà Chương trình GDPT 2018 đặt ra khó mà đảm bảo.
Nếu để học sinh tự chọn môn thi như kỳ thi tốt nghiệp THPT, tôi cho rằng đây là một phương án hay nhưng điều này dễ dẫn tới tình trạng cồng kềnh khi tổ chức kỳ thi và không phải địa phương nào cũng có thể tổ chức được. Đồng thời, nếu để thí sinh chọn môn thi có thể tạo một lý do để học sinh chỉ học những môn mình thích, môn dễ học hơn.
Từ kết quả thi tốt nghiệp THPT những năm gần đây cho thấy, đã manh nha xuất hiện việc học sinh chọn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân mà “trốn” các môn Khoa học tự nhiên. Điều này có khả năng dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nhân lực các ngành khoa học công nghệ, gây ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Vì vậy, cần đào tạo, khuyến khích học sinh học vì sở thích, đam mê của chính mình chứ không phải thấy khó là bỏ qua.
TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GDĐT):
Giảm áp lực không chỉ từ phương án thi
Việc Sở GDĐT lựa chọn thi môn thứ 3 là phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Bởi vì, mỗi vùng miền đều có những đặc thù phát triển kinh tế - xã hội khác nhau, nên việc quyết định chọn môn thi nào vẫn cần cân nhắc cẩn trọng. Bộ GDĐT chỉ nên đưa ra những hướng dẫn cơ bản về mặt chính sách, còn lại để các địa phương tự quyết.
Có một số phương án khác là kết hợp xét tuyển học bạ và thi tuyển, tôi cho rằng cũng có ưu điểm ở việc sẽ đánh giá được năng lực học tập trong cả quá trình ở bậc THCS, đòi hỏi các em cần phải nỗ lực ngay từ những năm đầu bước vào cấp 2. Tuy nhiên, mặt trái đó là dễ làm nảy sinh tình trạng làm đẹp học bạ, đánh giá không thực chất và thậm chí là khiến tình trạng dạy thêm, học thêm càng trầm trọng hơn vì lo lắng có sự thiên vị giữa học sinh không đi học thêm và học sinh có tham gia học. Vì vậy, phương án này nếu được thực hiện cần đi kèm các giải pháp đồng bộ để hạn chế tiêu cực xảy ra.
Bên cạnh đó, về lâu dài, tôi cho rằng vẫn cần đặc biệt quan tâm và có giải pháp để mở rộng, tăng thêm các trường THPT công lập nhằm giảm bớt áp lực cạnh tranh thi vào lớp 10 hiện nay, đặc biệt ở các thành phố lớn khi nhu cầu học tiếp THPT của các em cao. Người học muốn học, đó là hạnh phúc cho đất nước, cần tạo điều kiện để các em được thỏa mong ước.
Bà Văn Thùy Dương - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội):
Đột phá để thúc đẩy giáo dục tư thục Hà Nội phát triển
Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, có 40% học sinh tốt nghiệp lớp 9 vào các trường THPT tư thục. Tôi cho là một bước tiến đúng đắn và cần thiết về chính sách, bởi lẽ số lượng học sinh tốt nghiệp THCS tại Hà Nội vẫn tiếp tục tăng theo đà tăng dân số cơ học, trong khi các trường THPT công lập đã và đang quá tải, nhu cầu cho con em tiếp tục học lên bậc THPT là hoàn toàn chính đáng.
Đạt được mục tiêu này không chỉ góp phần giảm tải cho các trường THPT công lập, giảm gánh nặng cho Nhà nước về ngân sách và bộ máy biên chế giáo viên, mà còn góp phần quan trọng thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, nâng cao chất lượng giảng dạy giữa các trường, qua đó thúc đẩy giáo dục Thủ đô phát triển mạnh và bền vững.
Đây cũng là một giải pháp về mặt chính sách giải quyết vấn đề quá tải trường công tại Hà Nội đã tồn tại nhiều năm và sẽ ngày càng trở nên bức bách hơn bao giờ hết. Để đạt được mục tiêu này, theo tôi việc “tạo điều kiện” là chưa đủ và đó vẫn là tư duy bao cấp. Phải xác định đây là bước cần phải đột phá của giáo dục Thủ đô để đưa ra các chủ trương, chính sách cụ thể thúc đẩy giáo dục tư thục Hà Nội phát triển mạnh, đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của thực tiễn. Thí dụ như tháo gỡ các nút thắt về tuyển sinh, chuyển trường, quy hoạch...
Việc tuyển sinh vào các trường THPT công lập hiện nay vẫn còn tình trạng học sinh trúng tuyển vào các trường cách nhà rất xa khiến việc học có những khó khăn. Tôi cho rằng đây là một thực tế không thể tránh khỏi, chỉ có thể giảm tối đa tình trạng này thông qua việc công khai minh bạch các thông tin tuyển sinh và đào tạo của các trường, đồng thời phụ huynh và học sinh cần tìm hiểu kỹ lưỡng các trường định theo học trước khi cân nhắc và quyết định.
Tuy nhiên, quyết định nào cũng khó tránh khỏi một tỷ lệ nhất định về việc không phù hợp giữa nhu cầu và thực tiễn của người học với cơ sở giáo dục theo học. Để tháo gỡ khó khăn này và đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của cả người học lẫn cơ sở giáo dục, cơ chế xin chuyển trường cần được thực hiện thông thoáng và linh hoạt...
Có cần thiết đổi môn thi thứ 3 hàng năm?
Theo dự thảo quy chế tuyển sinh THCS và THPT mới nhất do Bộ GDĐT công bố, thi lớp 10 bằng Toán, Ngữ văn và môn thứ 3 do địa phương chọn. Tuy nhiên, môn này sẽ thay đổi hàng năm để tránh tình trạng học lệch, học tủ. Ông Nguyễn Xuân Khang - Chủ tịch Hội đồng trường Marie Curie (Hà Nội) cho rằng, tất cả học sinh đã được công nhận tốt nghiệp THCS tức đều đã đảm bảo yêu cầu về phẩm chất và năng lực. Do đó, không cần thiết qua kỳ thi này để “đánh giá toàn diện trong giai đoạn giáo dục cơ bản” nữa. kỳ thi vào lớp 10 phải hướng đến tương lai, tức hướng tới cấp THPT. Như vậy, các trường chuyên sẽ tuyển theo kiểu trường chuyên, trường thường tùy theo áp lực số lượng học sinh đăng ký nhiều hay ít để quyết định hình thức tuyển. Trong trường hợp tổ chức thi tuyển, ông Khang đề xuất việc cố định môn thi thứ 3 nên được thống nhất toàn quốc và ổn định lâu dài. Phương án tốt nhất là tổ chức thi 3 môn cố định gồm Toán, Ngữ văn và ngoại ngữ (chủ yếu là tiếng Anh). Lý do là ở cấp THPT, tiếng Anh là một trong 8 môn bắt buộc cho tất cả học sinh. Mặt khác, Kết luận số 91 của Bộ Chính trị yêu cầu từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học.