Ngăn chặn từ sớm những vụ cháy chùa
Vụ ngôi chùa di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia có niên đại 800 năm ở Phú Thọ bị cháy (ngày 23/10) tiếp tục nhận được sự quan tâm của dư luận. Tuy nhiên, đây không phải là trường hợp hi hữu. Làm gì để ngăn chặn những vụ cháy chùa?
Những ngôi cổ tự bị lửa “hỏi thăm”
Chùa Phổ Quang (xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) được xây dựng vào khoảng đầu thời Trần, đã trải qua nhiều lần tu sửa. Chùa được tu sửa lớn nhất vào năm 1626 và lần gần đây nhất vào tháng 4/2021. Ngôi chùa có niên đại hơn 800 năm và còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật có giá trị. Quần thể chùa Phổ Quang gồm các công trình kiến trúc cơ bản: Tam quan - gác chuông, nhà văn chỉ, nhà bia, nhà Tổ. Tam quan - gác chuông tại chùa vẫn bảo lưu được kiến trúc cổ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, với hệ mái chồng diêm 2 tầng 8 mái, đao cong thanh thoát, bờ nóc đắp hình Long cuốn thủy. Năm 1980, chùa Phổ Quang được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Các cơ quan chức năng đã phong tỏa hiện trường, thống kê thiệt hại, đồng thời điều tra xác minh nguyên nhân vụ hỏa hoạn.
Điều rất đáng lo ngại là những năm gần đây đã xảy ra nhiều vụ cháy chùa tại các địa phương trên cả nước, và thường các vụ cháy này đều gây thiệt hại hoàn toàn cơ sở vật chất. Trước vụ cháy chùa Phổ Quang, chiều 22/9, xảy ra vụ cháy chùa Vạn Phật (tại TP Pleiku, tỉnh Gia Lai). Sau khi lực lượng chữa cháy khống chế được ngọn lửa, rất nhiều đồ đạc, vật dụng tại chùa đã bị thiêu rụi. Vụ cháy làm hư hại nghiêm trọng khu điện chính và các gian nhà lân cận. Các cấu trúc gỗ như tượng, cột kèo, trụ và những thành phần dễ cháy như vải, nhựa hầu như đã bị cháy hoàn toàn. Phần mái lợp tôn và khung sắt cũng bị ngọn lửa làm hư hại, thay đổi kết cấu. Theo lãnh đạo UBND TP Pleiku, thiệt hại tài sản, vật dụng từ vụ cháy chùa Vạn Phật là khá lớn.
Trước đó, vào lúc 22 giờ đêm 23/6, chùa Thuyền Lâm (TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) cũng bất ngờ bốc cháy dữ dội. Sau khi nhận tin báo, Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã điều động nhiều phương tiện cùng cán bộ, chiến sĩ nhanh chóng có mặt tại hiện trường phối hợp cùng lực lượng chức năng dập lửa. Tuy vụ cháy không gây thiệt hại về người, nhưng làm hư hại nhiều đồ đạc. Nhiều đồ bằng gỗ của chánh điện cháy rụi.
Cần quan tâm đúng mức công tác phòng cháy chữa cháy
Trở lại với vụ cháy chùa Phổ Quang, Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) đã có văn bản gửi Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ đề nghị Sở chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền địa phương khẩn trương kiểm tra thực tế tại di tích, có ngay biện pháp bảo vệ bảo vật quốc gia bàn thờ Phật bằng đá.
Bảo vật quốc gia của chùa Phổ Quang - bệ đá hoa sen, là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, mang đậm phong cách nghệ thuật thời Lý - Trần, được tạo tác vào năm 1388, triều vua Trần Phế Đế. Cục Di sản văn hóa cũng đề nghị Sở VHTTDL Phú Thọ đánh giá mức độ thiệt hại và đề xuất phương án xử lý, báo cáo UBND tỉnh Phú Thọ và Bộ VHTTDL.
Trong khi đó, Viện Khoa học hình sự (C09, Bộ Công an) đang phối hợp với Công an tỉnh Phú Thọ khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ cháy ngôi chùa này. Nguyên nhân chùa Phổ Quang với niên đại 800 năm bị cháy rồi đây sẽ được cơ quan chức năng làm rõ. Tuy nhiên, trước việc một số ngôi chùa bị hỏa hoạn thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng công tác phòng cháy chữa cháy ở những cơ sở này chưa được quan tâm đúng mức. Việc thắp hương quá nhiều ngay trong chính điện cũng như các ban thờ, kể cả việc hóa vàng mã khối lượng lớn dẫn tới nguy cơ cháy rất cao. Vật liệu xây dựng chính ở hầu hết các ngôi cổ tự đều là gỗ, dễ bốc cháy và bị thiêu rụi khi bị bén lửa.
Trong trường hợp đó, việc khôi phục là rất khó khăn, không chỉ đối với các công trình xây dựng trong khuôn viên chùa mà còn cả hệ thống tượng, cùng những di vật, cổ vật quý báu được nâng niu gìn giữ theo thời gian.