Quốc tế

Đông Nam Á trước những trận bão cuối năm

Thế Tuấn 28/10/2024 10:36

Các cơ quan dự báo thời tiết châu Á cho biết, các nước Đông Nam Á sẽ có thể phải hứng chịu những trận mưa lớn trong tháng 11 tới, khi mà ít nhất có 3 cơn bão hình thành trên biển.

16 a1
Người dân ngoại ô Manila (Phillippines) trong bão Tramy.

Tới ngày 27/10, bão Tramy vẫn “tung hoành” trên Biển Đông, sau khi tràn qua khu vực tây bắc Philippines. Lượng mưa trút xuống trong 24 giờ tại đây bằng lượng mưa của 2 tháng dồn lại; làm ảnh hưởng đến hơn 2,6 triệu người, buộc 320 nghìn người phải sơ tán. 82 người thiệt mạng do lũ lụt và sạt lở đất.

Cũng thật đáng lo ngại là sau khi bão Tramy tan trên biển (dự kiến vào ngày 29/10), nó lại hình thành vùng áp thấp mới và có khả năng mạnh lên thành bão. Dự báo tình thế bão chồng bão ngày một lớn hơn.

Như vậy, có thể thấy, các quốc gia Đông Nam Á - nhất là các quốc gia ven biển, trong đó có Philippines, Singapore và Việt Nam có thể còn phải hứng chịu những cơn bão mới trong tháng 11.

Theo Trung tâm Khí tượng chuyên ngành của ASEAN, cuối tháng 10 và nửa đầu tháng 11/2024, các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Philippines sẽ trải qua tình trạng thời tiết ẩm ướt, phần lớn đến từ hiện tượng La Nina. La Nina đưa nước ấm về phía Tây Thái Bình Dương và mang lại nhiều mưa hơn trút xuống khu vực Đông Nam Á.

Vẫn theo Trung tâm Khí tượng chuyên ngành của ASEAN, La Nina có thể sẽ còn kéo dài tới tháng 2/2025, dẫn đến khả năng lượng mưa cao hơn bình thường trên các quốc gia trong khu vực. Nước biển ấm mà La Nina đẩy sang phía châu Á góp phần làm tăng bão ở khu vực này. Trước đó, ngày 14/10, Singapore đã phải ban hành cảnh báo lũ lụt bởi thời kỳ giao mùa có rất nhiều sấm sét và mưa rào. Trong khi đó, cơ quan thời tiết Philippines dự báo quốc gia này có thể phải đón nhận lượng mưa cao hơn mức trung bình cho đến cuối năm 2024 và cao hơn 160% so với mức trung bình vào tháng 1/2025.

Lượng mưa lớn hơn đã cản trở các nỗ lực phục hồi sau khi bão Yagi tấn công vào cuối tháng 9. Bất thường và cực đoan là nhận định của các nhà khí tượng về mùa mưa bão cuối năm nay trên toàn thế giới. Trong đó, Đông Nam Á được coi là “trọng điểm”.

Tiến sĩ Daniel Giford, chuyên gia khí hậu thuộc Hệ thống Quan sát khí hậu toàn cầu (GCOS) cho rằng sự gia tăng nhanh chóng cường độ bão đang trở nên phổ biến trong một thế giới đang nóng lên. Nước trên bề mặt đại dương nóng hơn có nghĩa là có nhiều "nhiên liệu" hơn cho những cơn bão; hay nói cách khác nước ấm sẽ "tăng động lực" cho các cơn bão bằng cách bơm nhiều hơi nước hơn vào không khí, từ đó khiến bão có được lượng mưa lớn hơn. Đổ bộ vào đất liền, khi bão bị chặn lại bởi những dãy núi sẽ trút xuống lượng nước cực lớn, làm đất nhão ra, giảm liên kết, gây sạt lở trên diện rộng.

Những nghiên cứu của Liên hợp quốc cũng cho rằng, Đông Nam Á là khu vực chịu ảnh hưởng rất nặng nề về biến đổi khí hậu. Đặc biệt là việc nước biển dâng cao, cũng như thủy triều dữ dội tạo ra những đợt sóng lớn đẩy nước vào bờ, đe dọa đến cơ sở hạ tầng cũng như cuộc sống của người dân trong khu vực. Viện Nghiên cứu Deltares (Hà Lan) cho rằng, nếu như mực nước biển tăng lên 1 mét sẽ khiến cho một số vùng đồng bằng đông dân cư chìm sâu trong nước, 28 triệu người tại Indonesia, 23 triệu người tại Thái Lan và 38 triệu người Việt Nam có thể phải đối mặt với nguy cơ đó.

Tiến sĩ Aljosja Hooijer (Viện Nghiên cứu Deltares) còn cho rằng, trong bối cảnh đó, việc đô thị hóa ven biển tăng nhanh khiến dân số trong vùng tăng đột biến, càng dẫn tới nguy cơ thiệt hại cao hơn khi bão tấn công.

Trong khi đó, theo Tiến sĩ Winston Chow (Đại học Quản lý Singapore), các nước Đông Nam Á không chỉ chịu tác động từ lũ lụt, hạn hán do biến đổi khí hậu, mà còn đang chịu sự mất đa dạng sinh học. Một giải pháp quan trọng để ứng phó được các nhà khoa học môi trường đưa ra là các nước Đông Nam Á cần gấp rút phục hồi hệ thống rừng ngập mặn để ngăn bước tiến thuỷ triều tràn vào sâu bên trong, cũng như giảm bớt sức gió của những cơn bão ngoài khơi khi đổ bộ vào đất liền.

“Các nước ven biển thuộc Đông Nam Á cần nhận thức rõ ràng hơn về tai họa đến từ biến đổi khí hậu. Trước mắt là trong tháng 11/2024 cần theo dõi chặt chẽ những cơn bão hình thành trên biển vì đường đi của chúng là rất bất ngờ và luôn mang theo lượng mưa lớn. Về lâu dài, đầu tư cho những giải pháp thích ứng của các đô thị và vùng cư dân ven biển là không tránh khỏi” - tiến sĩ Daniel Giford khuyến cáo.

Báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho rằng, lũ lụt và lở đất do bão Yagi gây ra đã ảnh hưởng đến gần 6 triệu trẻ em một số quốc gia Đông Nam Á. Ông June Kunugi - Giám đốc khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của UNICEF nhấn mạnh, nhiều đứa trẻ dễ bị tổn thương vẫn đang phải đối mặt với hậu quả tàn khốc nhất do sự tàn phá do bão Yagi để lại. “Sự gia tăng các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt ở Đông Nam Á ngày càng trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu, đồng thời là lời nhắc nhở đáng buồn rằng trẻ em dễ bị tổn thương thường phải trả giá đắt nhất khi thảm họa xảy ra" - ông Kunugi nói.

Thế Tuấn