Chính trị

Thanh Hóa: 70 năm trọn nghĩa, vẹn tình

Nguyễn Chung 28/10/2024 11:09

70 năm đã trôi qua, nghĩa tình của Nhân dân miền Bắc, trong đó có Nhân dân tỉnh Thanh Hóa dành cho đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết, thêm lần nữa khẳng định chân lý “Bắc - Nam một nhà”, “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”...

Kỹ niệm 1
Quang cảnh buổi lễ kỷ niệm. Ảnh: Nguyễn Chung.

Tối ngày 27/10, tại TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm "70 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc" và khánh thành Khu lưu niệm.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; bà Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch nước cùng 2.700 đại biểu là cán bộ, chiến sĩ, đồng bào, học sinh miền Nam... đã về tham dự.

Trong diễn văn khai mạc, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Nguyễn Doãn Anh khẳng định: Đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử quan trọng, không chỉ là dịp để chúng ta gặp nhau, ôn lại những kỷ niệm xúc động, nghĩa tình trên đất Bắc, mà còn là dịp để tự hào về một giai đoạn hào hùng trong lịch sử dân tộc, nhắc nhớ về tinh thần đại đoàn kết dân tộc, tình cảm “Bắc - Nam một nhà”, không thể nào chia cắt.

kỷ niệm 2
Ông Nguyễn Doãn Anh, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa đọc diễn văn khai mạc tại buổi lễ. Ảnh: Nguyễn Chung.

Cách đây 70 năm, vào thời điểm lịch sử ấy, Thanh Hóa vinh dự là nơi đầu tiên của miền Bắc, được Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ tin tưởng giao nhiệm vụ đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết.

Kỷ niệm 7
Nhân dân Thanh Hóa nồng nhiệt chào đón đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc tại Cảng Hới, năm 1954. Ảnh: Tư liệu

Ngày 25/9/1954, tại cửa Lạch Hới - Sầm Sơn, người dân Thanh Hóa đã hân hoan chào đón những người con thân yêu của miền Nam ruột thịt đầu tiên tập kết ra Bắc. Chỉ trong 9 tháng (từ tháng 9 năm 1954 đến tháng 5 năm 1955), tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức đón tiếp 47.346 cán bộ, bộ đội; 1.869 thương, bệnh binh; 5.922 học sinh và 1.443 gia đình cán bộ miền Nam.

Kỷ niệm 8
Các đại biểu tham dự buổi lễ kỷ niệm. Ảnh: Nguyễn Chung.

Trong thời gian ấy, trên khắp mọi miền xứ Thanh, phong trào quyên góp ủng hộ đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam diễn ra sôi nổi; chuẩn bị nhiều tấn lương thực, thực phẩm; cung cấp hàng chục ngàn bộ quần áo, chăn màn và các điều kiện cần thiết khác; các huyện miền núi ngày đêm vận chuyển hàng vạn cây luồng, nứa, gỗ,… để xây dựng nhà cửa, lán trại, giúp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Kỷ niệm 9
Bất chấp trời mưa, rét, hàng nghìn người dân đã đến tham dự buổi lễ. Ảnh: Nguyễn Chung.

Đáp lại nghĩa tình sâu nặng của Nhân dân Thanh Hóa và Nhân dân miền Bắc, nhiều người sau khi dưỡng bệnh, học tập, rèn luyện, đã lên đường nhập ngũ, xông pha trên khắp các chiến trường, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhiều học sinh miền Nam nỗ lực học tập, rèn luyện, phấn đấu, trở thành những cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước…

Kỷ niệm 6
Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc trong hình con tàu tại phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn. Ảnh: Nguyễn Chung.

Để lưu giữ những hình ảnh, hiện vật về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, tỉnh Thanh Hóa đã quyết định đầu tư dự án Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc tại phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn. Sau gần 2 năm khởi công xây dựng, các hạng mục công trình khu A đã hoàn thành, nổi bật là Cụm tượng đài Con tàu tập kết và bức phù điêu hình cánh cung.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã ân cần gửi lời thăm hỏi thân tình đến gia đình và thân nhân của hàng triệu đồng bào, chiến sĩ hai miền Nam - Bắc, những người đã đóng góp xương máu, sức người, sức của trong lịch sử cách mạng Việt Nam.

Kỷ niệm 4
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Nguyễn Chung.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định: Sự kiện đón tiếp cán bộ, chiến sĩ, đồng bào, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc đã trở thành dấu ấn sâu đậm trong lịch sử dân tộc, trong trái tim của biết bao thế hệ đồng bào và chiến sĩ hai miền Nam - Bắc; là bài học vô giá về “ý Đảng, lòng dân”; biểu tượng sáng ngời của tinh thần đại đoàn kết và khẳng định chân lý “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa cũng đề nghị: Tỉnh Thanh Hóa cũng như các địa phương cần tiếp tục làm tốt công tác chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho các gia đình chính sách, thân nhân cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc; những gia đình có công lao đóng góp lớn trong nuôi dưỡng đồng bào, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết.

Kỷ niệm 3
Các địa biểu là lãnh đạo Trung ương, địa phương cùng thực hiện nghi thức khánh thành Khu lưu niệm. Ảnh: Nguyễn Chung.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị: Tỉnh Thanh Hóa cũng như các địa phương cần tiếp tục làm tốt công tác chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho các gia đình chính sách, thân nhân cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc; những gia đình có công lao đóng góp lớn trong nuôi dưỡng đồng bào, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết...

Nguyễn Chung