Giao thông

Dự kiến cho phép sử dụng rộng rãi cát biển làm đường cao tốc

Lê Khánh 28/10/2024 11:11

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, việc khai thác cát biển giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Bộ GTVT đang mở rộng thí điểm ở các cao tốc phía Bắc và miền Trung.

Cát sông không đủ cung ứng cho các dự án hạ tầng lớn

Trong báo cáo Quốc hội về tình hình cung ứng nguồn vật liệu cho các dự án cao tốc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Bộ GTVT cho biết, Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng có tổng nhu cầu cát khoảng 29 triệu m3. Hiện nay, các địa phương xác định nguồn cung 23 triệu m3, còn lại khoảng 6 triệu m3 chưa xác định được nguồn.

Dự án đường bộ cao tốc Cao Lãnh-An Hữu có tổng nhu cầu cát khoảng 3,2 triệu m3. Hiện nay, tỉnh Đồng Tháp cam kết cung ứng và đã xác định nguồn khoảng 2,8 triệu m3, đang hoàn thiện các thủ tục để khai thác; còn thiếu 0,4 triệu m3.

Dự án đường bộ cao tốc Mỹ An-Cao Lãnh có tổng nhu cầu cát khoảng 3,1 triệu m3. Hiện nay, tỉnh Đồng Tháp đã có kế hoạch cung ứng, tuy nhiên chưa xác định được nguồn cụ thể.

z5974354183882_c88089f9eb9d6540a37bc38a32e60648.jpg
Cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, dự án thành phần 1, đoạn qua tỉnh Đồng Tháp.

Còn đối với Dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh có tổng nhu cầu cát khoảng 9,3 triệu m3. UBND Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An đã phối hợp rà soát, điều phối nguồn vật liệu để thực hiện. Tuy nhiên, hiện tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang triển khai nhiều dự án đường bộ cao tốc và cần khối lượng lớn cát để gia cố nền đường.

Trước tình trạng nguồn cát sông ở các tỉnh phía Nam không đủ cung ứng cho các dự án hạ tầng lớn, Bộ GTVT đã tính toán đến thí điểm sử dụng cát biển và tìm kiếm nguồn cát nhập khẩu từ Campuchia.

Về nguồn cát thương mại nhập khẩu, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết Thủ tướng Chính phủ đã giao các bộ, ngành nghiên cứu phương án nhập khẩu cát làm vật liệu xây dựng cho các công trình hạ tầng.

Theo báo cáo của Hiệp hội bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh, phía Campuchia có thiện chí xuất khẩu cát sang Việt Nam với trữ lượng khoảng 100 triệu m3, thời gian khai thác trong một năm. Hiệp hội cũng đã đề nghị UBND Thành phố Hồ Chí Minh là đầu mối làm việc với phía bạn để thực hiện các thủ tục đồng thời giao cho một đơn vị doanh nghiệp quân đội phía Nam làm đầu mối ký hợp đồng để phân phối.

Mở rộng thí điểm cát biển

Liên quan đến vật liệu san lấp tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết: "Theo trữ lượng và nhu cầu thực tiễn, chúng ta không thiếu cát để đẩy mạnh kết cấu hạ tầng Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, khi cùng lúc phải thực hiện nhiều dự án, nhu cầu cát tăng lên đột biến, sẽ dẫn đến thiếu cục bộ".

Do đó, việc các địa phương làm thủ tục theo đúng quy trình rất mất thời gian, buộc Quốc hội phải ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề để thúc đẩy, cắt giảm thủ tục.

z5974354167679_4e972473d8da68e806f14d37ab2492e6.jpg
Cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, dự án thành phần 1, đoạn qua tỉnh Đồng Tháp dự kiến hoàn thành gia tải nền đường cuối năm 2024.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, vừa qua, với sự quyết liệt của Chính phủ, Quốc hội, đến nay tháo gỡ căn bản trên 72,3 triệu m3 cát sông và đã cấp phép khai thác khoảng 40 triệu m3, còn 32,3 triệu m3 đang làm thủ tục.

Song song với đó, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành nghiên cứu cát biển để phục vụ làm vật liệu san lấp. Sau khi phối hợp với các bộ, ngành để nghiên cứu, Bộ GTVT nhận thấy cát biển có chất lượng tốt không gây vấn đề về ngập mặn, độ kết dính.

Đến nay, Sóc Trăng cấp phép cho khoảng 5,5 triệu m3 cát biển phục vụ tuyến cao tốc đoạn Cần Thơ - Cà Mau.

Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển. Chỉ riêng 1 vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Đây là nguồn vật liệu dồi dào và Bộ GTVT đang mở rộng thí điểm ở các cao tốc phía Bắc và miền Trung. Dự kiến cuối năm nay sẽ công bố cho phép sử dụng rộng rãi cát biển cho toàn bộ các tuyến cao tốc. Song, cần khai thác ở tốc độ vừa phải để bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Lê Khánh