Xã hội

Thừa Thiên - Huế: Xuất khẩu lao động, góp phần giảm nghèo bền vững

Nguyễn Quốc 28/10/2024 16:02

Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên - Huế rất quan tâm, đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động đi làm việc tại nước ngoài. Hoạt động này vừa giải quyết công ăn việc làm, vừa tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân, góp phần vào công tác giảm nghèo bền vững của phương địa.

z5934430088049_c2a083d24d89e8928bca58d98f53534f.jpg
Thị xã Hương Thuỷ là một trong những địa phương làm tốt công tác xuất khẩu lao động, góp phần giảm nghèo bền vững. Ảnh: N.Q.

Trong Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, dự án 4 về “Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững” là một dự án riêng, trong đó công tác xuất khẩu lao động được nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế quan tâm và đẩy mạnh.

Đối tượng hỗ trợ thuộc Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững gồm người học nghề, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người lao động có thu nhập thấp; Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo; các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức và cá nhân có liên quan; các bộ, ngành, địa phương được giao nhiệm vụ thực hiện các hoạt động của Tiểu dự án.

Tại thị xã Hương Thuỷ (tỉnh Thừa Thiên - Huế), thời gian qua, thực hiện Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững, công tác giảm nghèo bền vững luôn được cấp ủy, chính quyền triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả. Địa phương này rất quan tâm chú trọng đến công tác đào tạo nghề, hỗ trợ, tìm kiếm việc làm, đặc biệt là đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động đi nước ngoài làm việc. Tính riêng trong 8 tháng đầu năm 2024, thị xã Hương Thuỷ đã hỗ trợ đưa 220 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

z5934430088001_32183eb77904e4c7d984a497738706f8.jpg
Hiện nay, nhiều thanh niên trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có xu hướng đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Ảnh: N.Q.

Chị Võ Thị Thanh Thủy (trú tại xã Thủy Phù, thị xã Hương Thuỷ) cho biết, gia đình chị có cô con gái là Ngô Vũ Diệu Anh, sau khi thi đỗ vào một trường đại học đã quyết định bảo lưu kết quả sau 1 năm theo học, để chọn đi du học và làm việc tại Nhật Bản. Quyết định của cô sinh viên này đã được gia đình đồng tình, ủng hộ. Đến nay, sau hơn 1 năm học tập, Diệu Anh được nhận vào làm điều dưỡng tại một bệnh viện ở Nhật Bản, với mức lương hơn 35 triệu đồng mỗi tháng.

Tương tự, gia đình ông Liên Bang (trú tại phường Phú Bài, thị xã Hương Thuỷ) có 2 người con hiện đang làm việc tại Nhật Bản theo hình thức du học và xuất khẩu lao động. Ông Bang cho biết, không chỉ phụ giúp gia đình trang trải kinh tế, nhờ đi xuất khẩu lao động, cả 2 người con của ông đều có được công việc ổn định, với nguồn thu nhập cao.

Ông Lê Văn Cường, Chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy cho biết, cùng với việc tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người lao động nắm bắt các chế độ, chính sách và tổ chức các hội nghị, tư vấn về xuất khẩu lao động, địa phương cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Từ đó, để kịp thời hỗ trợ cũng như giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện công tác xuất khẩu lao động.

Theo UBND thị xã Hương Thuỷ, việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã góp phần tích cực trong thực hiện Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững, đồng thời, từng bước làm thay đổi tư duy, nhận thức của người dân về hiệu quả thiết thực từ xuất khẩu lao động.

Tại huyện Phú Lộc, việc hỗ trợ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài luôn được địa phương quan tâm, chú trọng. Huyện Phú Lộc cũng thực hiện chính sách vay vốn ưu đãi cho đối tượng là hộ nghèo đi lao động ở nước ngoài. Trong năm 2023, huyện Phú Lộc đã đưa 389 lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt tỷ lệ 129,7% kế hoạch. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, địa phương đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức đưa 194 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động.

Bà Lê Thị Tuyết (trú tại thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc) cho biết, gia đình bà đã vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phú Lộc với số tiền 80 triệu đồng, để hỗ trợ chi phí cho con trai là anh Nguyễn Văn Việt đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại Nhật Bản.

“Sau 6 tháng làm việc kể từ ngày xuất cảnh, con trai tôi đã gửi tiền về để gia đình trả nợ cho ngân hàng và tích cóp làm vốn kinh doanh sau khi về nước”, bà Tuyết vui mừng cho biết.

z5823569640619_b37e95fd977f8ff77f30acaca5cb2f3c.jpg
Tính đến nay, Sở LĐTB&XH tỉnh Thừa Thiên - Huế đã hỗ trợ, đưa 1.567 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Ảnh: C.A.

Theo Ban chỉ đạo Giảm nghèo bền vững huyện Phú Lộc, thời gian qua, công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Trong năm 2023, toàn huyện Phú Lộc có thêm 447 hộ thoát nghèo, đưa tỉ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 1,66%.

Thời gian tới, huyện Phú Lộc chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng phương án và hỗ trợ thoát nghèo cụ thể như xây dựng và sửa chữa nhà ở, hỗ trợ thiếu hụt thông tin, xây dựng nhà vệ sinh, thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế, đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại chỗ, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo từng hộ nghèo và cận nghèo có nhu cầu.

Ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, tính đến tháng 7/2024, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã giải quyết việc làm cho 11.556 người lao động, đạt 67,98% so với chỉ tiêu kế hoạch năm 2024; trong đó, 618 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 1.567 người, đạt 76,43% so với kế hoạch năm 2024, trong đó có 55 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.

Từ đầu năm đến nay, Sở LĐTB&XH tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tiếp nhận và giải quyết chính sách hỗ trợ cho khoảng 234 người lao động đi làm việc ở nước ngoài, với số tiền 555,640 triệu đồng, (có 8 trường hợp thuộc hộ cận nghèo và 3 trường hợp thuộc xã bãi ngang ven biển với tổng số tiền 76,45 triệu đồng).

Theo Sở LĐTB&XH tỉnh Thừa Thiên - Huế, thời gian tới, để khắc phục những khó khăn, tồn tại trong công tác giải quyết việc làm, hỗ trợ sinh kế bền vững cho cho hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, cần có các giải pháp đồng bộ, thống nhất.

Trong đó, tạo điều kiện để người lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và đồng bào DTTS miền núi được tiếp cận với các chương trình đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ một số chương trình ký kết của Chính phủ Việt Nam với các Chính phủ nước ngoài (Chương trình EPS, EPA…) nhằm hạn chế rủi ro, giảm bớt chi phí cho người lao động.

Ngoài ra, cần kết nối với các dự án, các chương trình hỗ trợ phi lợi nhuận đối với người lao động có hoàn cảnh khó khăn đi làm việc ở nước ngoài, từ đó góp phần tạo việc làm cho lao động có hoàn cảnh khó khăn của địa phương vùng biên giới, đồng thời thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững.

Nguyễn Quốc