Xã hội

Về quê lập nghiệp hay bám trụ Thủ đô?

Kim Oanh 28/10/2024 08:05

Trở về quê làm việc với mức sống trung bình hay cố “bám trụ” lại Hà Nội với áp lực gấp nhiều lần, đó là niềm băn khoăn của không ít người trẻ những năm gần đây. Tuy nhiên, sự phát triển vượt bậc của nhiều tỉnh thành đang mở ra những cơ hội mới cho người lao động.

Nỗi lo “cơm áo gạo tiền”

Trong căn phòng với diện tích vỏn vẹn 20m2, chị Lê Anh Phương (24 tuổi, cử nhân chuyên ngành kiểm toán, tốt nghiệp được 2 năm) đang thu dọn những đồ dùng còn lại, chuẩn bị rời Hà Nội để về quê sinh sống và làm việc. Trả lời câu hỏi về lý do cho ý định trên, chị Phương ngậm ngùi: “Do chi phí sinh hoạt ở Hà Nội quá đắt đỏ, vượt mức lương công việc văn phòng bình thường, tìm được công việc lương tốt cũng rất khó khăn, tôi không cân bằng được nên quyết định về quê sống cùng bố mẹ và làm việc tại đó, ít nhất là để có chỗ dựa tinh thần”.

499-202410281559081.jpg
Thị trường lao động cạnh tranh khốc liệt là một phần nguyên nhân khiến chị Phương bỏ cuộc.

Thực tế, quan điểm trên không chỉ là của riêng chị Phương mà cũng là nỗi đau đáu của nhiều người trẻ hiện nay. Giả sử ta có được công việc văn phòng với mức lương 10 triệu đồng 1 tháng, tuy nhiên tiền trọ, nếu là chung cư hay căn phòng cấp thấp hiện nay đã có giá thuê khoảng 4 triệu đồng, tức là gần bằng một nửa số tiền lương, chưa kể các chi phí sinh hoạt bao gồm tiền ăn, điện nước, đi lại, nhu yếu phẩm đã tiêu hao hết số tiền kiếm được. Như vậy, khoản tiền tiết kiệm gần như là không có hoặc rất ít để người trẻ có thể có cuộc sống thoải mái, hay trong tương lai xa hơn nữa sở hữu chút tài sản như nhà, xe tại thủ đô.

Sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường lao động cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người trẻ bỏ cuộc trên đường đua sự nghiệp tại Hà Nội.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Tp. Hà Nội, lực lượng lao động đang làm việc tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước nhưng thị trường lao động việc làm vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức chủ yếu do các doanh nghiệp thiếu đơn hàng sản xuất; tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động tăng so với quý trước nhưng giảm so với cùng kỳ năm trước; tình trạng lao động buộc nghỉ giãn việc, thôi việc, mất việc ở các doanh nghiệp vẫn tiếp diễn ở quý II năm 2023, có xu hướng chuyển dịch sang khu vực phi chính thức, cho thấy thị trường lao động việc làm phục hồi nhưng chưa thực sự bền vững.

Suy thoái kinh tế khiến nhiều doanh nghiệp, tổ chức buộc phải cắt giảm nhân sự, trong khi ưu tiên tuyển dụng nhân sự có trình độ cao, “đa-zi-năng” để tiết kiệm tối đa chi phí. Đặc biệt ở vị trí intern/fresher, tỷ lệ chọi có thể lên tới 1/200, thậm chí một bộ phận người lao động cấp cao cũng ứng tuyển các vị trí cấp thấp. Do đó, cơ hội việc làm cho người lao động trẻ và sinh viên mới ra trường, thiếu kinh nghiệm ngày càng khan hiếm, chẳng khác nào việc “mò kim đáy bể”.

Theo báo cáo của One Housing, quý 1/2024 ghi nhận trung bình giá chung cư sơ cấp tại Hà Nội đã lên tới khoảng 58.5 triệu/m2, trong khi giá chung cư thứ cấp cũng tăng đáng kể, đạt 55 triệu/m2, tiệm cận giá sơ cấp. Giá thứ cấp ghi nhận tăng tại hầu hết tất cả các dự án tại khu Đông và khu Tây. Hơn nữa, số lượng người có nhu cầu mua nhà để ở hay tích lũy, đầu tư cũng ngày càng nhiều. Với mức giá tăng chóng mặt cùng sự khan hiếm nguồn cung bất động sản Hà Nội, người lao động trẻ nhận thấy việc sở hữu một căn nhà của riêng mình giờ chỉ còn là giấc mơ xa vời, họ trở nên mất phương hướng, mất động lực sinh sống và làm việc tiếp tại Hà Nội.

Tương lai rộng mở khi trở về quê hương?

Có cùng ý định với chị Phương vào thời điểm 10 năm trước, anh Thanh Bình (31 tuổi) - cử nhân ngành luật hiện tại đã có cơ ngơi ổn định và đang làm việc tại Viện kiểm sát nhân dân quận Kiến An, thành phố Hải Phòng. Theo anh Bình, ở Hà Nội có rất nhiều cơ hội đối với các công việc tạm thời như Cộng tác viên văn phòng luật, tuy nhiên nhóm ngành này nếu muốn ổn định và ít cạnh tranh hơn thì về quê là lựa chọn phù hợp. Anh Bình cho biết, hàng năm, các cơ quan trực thuộc nhà nước đều có đợt thi tuyển công chức, sinh viên mới ra trường đều có thể tham gia. Bên cạnh đó, tỷ lệ chọi cũng khá thấp – khoảng ở mức 3 chọi 1 đối với riêng các vị trí thuộc Viện kiểm sát nhân dân quận Kiến An. Các cơ quan trong nội thành thành phố sẽ có mức chọi cao hơn, tuy nhiên không đáng kể khi so sánh với độ cạnh tranh tại thủ đô.

“Quyết định về quê làm việc luôn nằm trong kế hoạch của mình từ những năm đại học, bởi không chỉ Hải Phòng mà bất kỳ tỉnh thành nào cũng có nhu cầu tuyển dụng tại các khối ngành thuộc nhà nước. Tuy nhiên, lí do lớn nhất khiến mình muốn làm việc ở quê chính là yếu tố tinh thần, là cuộc sống bình yên bên gia đình, được chăm lo cho bố mẹ khi ốm đau, bệnh tật.”, anh Bình chia sẻ.

Cũng tại Hải Phòng, không chỉ có khối ngành nhà nước mà các công việc liên quan đến lĩnh vực truyền thông cũng đang phát triển. Chị Nguyễn Hồng Nhung (27 tuổi), Cộng tác viên tại Đài Truyền hình Thành phố Hải Phòng là một trong những người “liều mình” rời bỏ Hà Nội để về quê sinh sống và làm việc. Tuy phải trở về quê vì lý do bất đắc dĩ, chị Nhung nhận thấy thị trường lao động tại Hải Phòng đang rất rộng mở, đặc biệt là đối với người trẻ. Theo chị, Hải Phòng đang trên đà phát triển lớn mạnh về kinh tế và xã hội, nên nhu cầu tìm đến các dịch vụ truyền thông - sự kiện của các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp tư nhân tại đâu cũng đang ngày một tăng lên. Trải nghiệm cá nhân của chị Nhung khi thực tập tại Đài Truyền hình cho thấy, dù yêu cầu tuyển dụng vẫn khắt khe và bài bản, nhưng hiện nay cơ quan đã có rất nhiều vị trí phù hợp dành cho các bạn trẻ.

Chia sẻ về cơ hội việc làm tại các tỉnh thành, chị Nguyễn Thái Hà - CEO Công ty cổ phần JOHN HUNT, người có thâm niên kinh nghiệm trong lĩnh vực tuyển dụng, nhân sự nhận định: “Hiện nay các tỉnh thành khác có sự phát triển của một mảng kinh tế mũi nhọn đều đang gia tăng nhu cầu tuyển dụng, ví dụ các tỉnh có khu công nghiệp như Bắc Ninh, Bình Dương hoặc trung tâm du lịch như Quảng Ninh, Đà Nẵng. “Sân chơi” tại các tỉnh này thành là hấp dẫn và rộng lớn.”

Tự tìm kiếm con đường cho mình

Để đưa ra quyết định phù hợp với hoàn cảnh và mong muốn của bản thân trong việc “nên đi hay ở”, ta cần xem xét và so sánh kỹ lưỡng sự khác biệt giữa Hà Nội và các tỉnh thành về các yếu tố ảnh hưởng đến công việc.

499-202410281559082.jpg
Chị Nguyễn Thái Hà - CEO Công ty cổ phần JOHN HUNT.

Theo chị Thái Hà, sự khác biệt của Hà Nội so với các tỉnh thành khác trước hết là về yêu cầu tuyển dụng. Là trung tâm kinh tế và chính trị lớn, các công ty ở Hà Nội thường yêu cầu cao hơn về trình độ chuyên môn, kỹ năng ngoại ngữ, và khả năng sử dụng công nghệ. Trong khi tại các tỉnh thành khác thường tuyển dụng tập trung vào lao động có tay nghề kỹ thuật, sản xuất, hoặc các vị trí vận hành trong nhà máy và khu công nghiệp.

Về mức lương, do chi phí sinh hoạt cao và nhu cầu thu hút lao động có trình độ cao, mức lương tại Hà Nội thường cao hơn so với các tỉnh thành khác. Chẳng hạn, mức lương trung bình của một nhân viên IT tại Hà Nội dao động từ 15-30 triệu đồng/tháng, trong khi mức lương tại các tỉnh có thể thấp hơn từ 10-20% cho các vị trí tương đương. ​Tuy nhiên, sự khác biệt không quá lớn trong các ngành đòi hỏi lao động có tay nghề cao, đặc biệt trong các ngành như chế biến, chế tạo. Ở các ngành công nghiệp, mức lương thường rơi vào khoảng 10-15 triệu đồng/tháng​.

Về phúc lợi, các công ty tại Hà Nội thường cung cấp các gói phúc lợi toàn diện hơn, bao gồm bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, phụ cấp đi lại, ăn trưa, và các chương trình đào tạo, phát triển nhân sự. Nhiều công ty quốc tế có văn phòng tại Hà Nội cũng cung cấp thêm các phúc lợi về chăm sóc sức khỏe, gói hưu trí và nghỉ phép mở rộng​. Trong khi phúc lợi tại các tỉnh thường đơn giản hơn, tập trung vào các quyền lợi cơ bản như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và phụ cấp ăn trưa. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp nước ngoài hoặc khu công nghiệp lớn tại các tỉnh cũng có chính sách phúc lợi cạnh tranh, như hỗ trợ nhà ở cho công nhân hoặc xe đưa đón​.

“Các ngành có thể sẽ có nhiều cơ hội hơn tại Hà Nội là những ngành yêu cầu sự biến đổi nhanh, cập nhật nhiều như công nghệ thông tin, marketing truyền thông, quản lý kinh doanh và dịch vụ chuyên nghiệp… Các ngành có thể cống hiến khi về quê (hoặc sang các tỉnh thành khác) là: sản xuất, chế biến, nông nghiệp, du lịch, khách sạn…”, chị Thái Hà chia sẻ.

Tóm lại, cơ hội ở Hà Nội hay ở các tỉnh thành đều luôn rộng mở tùy theo từng nhóm ngành. Quyết định về quê lập nghiệp hay ở lại thành phố là một lựa chọn cá nhân, phụ thuộc vào hoàn cảnh và mục tiêu của mỗi người. Đối với một số người, hạnh phúc là được đứng trên đỉnh cao danh vọng, nhưng với những người khác, hạnh phúc đôi khi chỉ đơn giản là ngày ngày được về ăn bữa cơm ấm áp bên gia đình, mẹ cha. Có thể thấy dù ở đâu, làm công việc gì, yếu tố tinh thần vẫn luôn là liều thuốc mạnh mẽ nhất, là bệ đỡ vững chãi để một người có thể đứng vững trên con đường sự nghiệp.

Kim Oanh