Bất động sản

Ngăn chặn thao túng bất động sản

H.Vũ 29/10/2024 09:57

Ngày 28/10, Quốc hội thảo luận về Báo cáo Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023. Các ĐBQH chỉ rõ nhiều biến động thời gian qua tác động xấu tới thị trường bất động sản, khi giá đất, giá nhà, căn hộ chung cư bị đẩy lên rất cao; trong khi đó nguồn cung nhà ở xã hội lại hạn chế.

anh to
Luật mới liên quan đến thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ đưa thị trường phát triển đúng quy luật. Ảnh: Quang Vinh.

Tại phiên họp, báo cáo về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản (BĐS) và phát triển nhà ở xã hội (NOXH) từ năm 2015 đến hết năm 2023, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Phó trưởng Đoàn giám sát cho biết, thị trường BĐS và NOXH còn nhiều tồn tại, bất cập, phát triển chưa bền vững, mất cân đối cung - cầu. Giá BĐS cao so với thu nhập của đa số người dân. Nhiều khu đô thị bỏ hoang, quản lý chung cư mini còn nhiều bất cập. Chưa có phương án xử lý, giải quyết hiệu quả các khu chung cư cũ không bảo đảm điều kiện sống cho người dân. Nhiều dự án gặp vướng mắc, chậm được triển khai.

Nhiều bất cập

Kết quả giám sát cho thấy, việc thực hiện Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NOXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp (giai đoạn 2021-2030) chưa đạt yêu cầu, đa số địa phương chưa hoàn thành chỉ tiêu phát triển NOXH. Nguồn vốn ngân sách nhà nước chưa được quan tâm bố trí thỏa đáng, nên đa số các địa phương chỉ phát triển hình thức NOXH xây dựng bằng nguồn vốn ngoài nhà nước.

“Tình trạng chậm định giá đất diễn ra ở nhiều địa phương, là vướng mắc chính dẫn đến nhiều dự án BĐS bị đình trệ. Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất còn vướng mắc, đặc biệt đối với sản phẩm BĐS mới” - ông Thanh chỉ rõ.

Đoàn giám sát cũng nhận thấy, cơ cấu sản phẩm BĐS chưa hợp lý, mất cân đối cung - cầu, chủ yếu hướng tới phân khúc cao cấp và cho mục tiêu đầu tư tài chính, thiếu sản phẩm phù hợp với khả năng chi trả của đại bộ phận người dân trong khi nhu cầu của người dân lớn. Nguồn cung chủ yếu từ các dự án triển khai trong giai đoạn trước đó, rất ít dự án mới. BĐS condotel, officetel gần như “đóng băng”.

Theo ông Thanh, tại Hà Nội và TPHCM không còn phân khúc căn hộ chung cư có giá phù hợp với thu nhập của đa số người dân. Số lượng căn hộ NOXH cung cấp cho thị trường thiếu hụt xa so với nhu cầu. Hầu hết các địa phương không đạt chỉ tiêu phát triển NOXH đặt ra.

Chỉ ra nguyên nhân, ông Thanh cho biết, do công tác tổ chức thực hiện pháp luật vẫn là khâu yếu, hiệu quả chưa cao. Chưa quan tâm phát triển NOXH, nhà ở cho công nhân, người lao động khu công nghiệp. Chưa quan tâm đến việc quy hoạch bố trí quỹ đất làm dự án NOXH độc lập. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật, kiểm tra, giám sát thi hành pháp luật ở một số nơi còn chưa kịp thời, sát sao; việc xử lý vi phạm pháp luật còn chậm, chưa kiên quyết...

“Cần có biện pháp căn cơ, bền vững để đưa giá BĐS về đúng giá trị nội tại, ngăn chặn việc thao túng, sử dụng các phiên đấu giá quyền sử dụng đất nhằm mục đích tạo “sốt” giá” - Đoàn giám sát của Quốc hội yêu cầu.

Giá nhà ngày càng “vượt xa tầm với” của người dân

Theo ĐBQH Nguyễn Văn An (Đoàn Thái Bình), hiện nay giá nhà ở Hà Nội, TPHCM và các thành phố lớn đang lên rất cao, ngày càng “vượt xa tầm với” của người dân, tình trạng này cũng có phần do các chiêu trò thổi giá của giới đầu tư. Tuy nhiên, rất khó xử lý khi đó là những giao dịch dân sự và thuận mua vừa bán, đóng thuế và phí chuyển nhượng theo quy định của pháp luật.

Để giải quyết tình trạng này, theo ông An, có thể dùng nguồn cung nhà đủ lớn và tháo gỡ vướng mắc cho các dự án tồn đọng, phát triển NOXH. Đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo khẩn trương nghiên cứu việc đánh thuế BĐS, BĐS thứ hai trở lên cùng với các giải pháp đồng bộ để nhằm khắc phục, bình ổn giá nhà.

Cho rằng, thời điểm này đang sốt giá đất, nhưng nhu cầu ở không nhiều, chủ yếu mua để đầu cơ, cho thuê, có người mới vừa mua thì đã sang tay chốt lời, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) nhận xét: Thị trường BĐS bất ổn, hư hư thực thực, khó định giá. “Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS đã có hiệu lực thi hành là hành lang pháp lý căn cơ nhất cho người dân và nhà đầu tư, hy vọng thị trường BĐS sẽ trở về giá thực theo giá thị trường, không còn cơn sốt ảo như thời gian qua. NOXH được quan tâm nhiều, các chính sách ưu đãi của nhà nước sẽ được quan tâm và thực hiện có hiệu quả, thủ tục đơn giản hơn” - ông Hòa nói.

Chỉ rõ giá bán NOXH vẫn còn khá cao so với thu nhập của những đối tượng được tiếp cận NOXH, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) đề nghị, trong thời gian tới các địa phương đặc biệt chú ý phát triển loại hình NOXH cho thuê để người dân có thể tiếp cận được dễ dàng hơn.

ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) cho rằng, giá nhà đất tại các thành phố lớn đang ở mức phi thực tế. Không chỉ ở các khu vực trung tâm mà sức nóng đang lan dần sang các thị trường quận, huyện vùng ven đô. Nhiều người Hà Nội chia sẻ rằng sau một thời gian rất dài mua nhà thì nay đã phải tạm gác ý định này vì giá BĐS tăng đột biến, nhất là chung cư. Thậm chí, nhiều chung cư đã sử dụng nhiều năm nhưng vẫn được giao dịch với giá tăng gấp 2, gấp 3.

Nhận định đầu cơ thổi giá, đẩy giá là nguyên nhân chính dẫn đến giá nhà đất tăng cao như thời gian qua, bà Thuỷ đề nghị, Chính phủ tiếp tục có những chính sách ưu đãi, đủ sức hấp dẫn để khuyến khích các doanh nghiệp phát triển phân khúc nhà ở thương mại để phù hợp với túi tiền của phần đông người lao động. Nếu như tháo gỡ được vướng mắc của các căn hộ hiện nay có thể đưa vào thị trường hàng nghìn căn hộ nữa sẽ giảm giá BĐS hiện nay.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng:

Phát triển nhà ở xã hội phụ thuộc vào nguồn lực tài chính Nhà nước

Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng NN VN

Thị trường BĐS đang tồn tại sự mất cân đối và đặc biệt là phân khúc NOXH vẫn còn hạn chế. Trên thực tế, Chính phủ đang rất quyết liệt chỉ đạo các cơ quan, bộ, ngành tập trung các giải pháp để mà phát triển NOXH và kể cả việc kêu gọi xã hội hóa để xóa nhà tạm, dột nát. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu phát triển NOXH còn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn lực tài chính của Nhà nước. Hiện gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay NOXH đã tăng quy mô lên 145 nghìn tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy:

Công khai các trường hợp trúng giá cao nhưng bỏ cọc

Đỗ Đức Duy, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường

Hiện tại một số địa phương, tình trạng chênh lệch rất lớn giữa giá khởi điểm và giá trúng đấu giá, có dấu hiệu đầu cơ, thổi giá. Nguyên nhân do quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa được công khai, minh bạch. Do đó, Bộ đã đề xuất các giải pháp như: công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; điều chỉnh hợp lý giá đất trong bảng giá đất; rút ngắn thời gian nộp tiền thanh toán trúng đấu giá; công khai các trường hợp trúng giá cao nhưng bỏ cọc; tăng cường biện pháp bảo đảm nguồn cung BĐS nhà, đất ở có giá cả hợp lý.

Ngày họp thứ 7, Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XV

Ngày 28/10, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 7 của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV tại Nhà Quốc hội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, tiến hành các nội dung sau:

Nội dung 1 (Từ 8 giờ 00 đến 15 giờ 30): Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023... Sau đó, Quốc hội thảo luận Báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề nêu trên. Kết thúc thảo luận, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Nội dung 2 (Từ 15 giờ 30): Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.

H.Vũ