Góc nhìn Đại Đoàn Kết

Loại bỏ tư duy 'không quản được thì cấm'

Nam Việt 29/10/2024 10:02

Phát biểu trước Quốc hội, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển.

Việc “không quản được thì cấm” diễn ra lâu nay ở nhiều lĩnh vực, gây khó cho người dân và doanh nghiệp. Đây là vấn đề gây bức xúc suốt nhiều năm qua. Vậy, “đầu mối” của cách hành xử này ở đâu? Tất nhiên là ở các cơ quan soạn thảo, xây dựng luật, ban hành những văn bản hướng dẫn thực hiện dưới luật. Không quản được thì cấm sẽ dễ cho cơ quan quản lý, nhưng lại làm mất cơ hội khi người dân, doanh nghiệp bị làm khó.

Dư luận đã không ít lần sửng sốt trước những “ý tưởng trên trời rơi xuống”, trong đó có thể kể đến những điều kiện áp đặt rất kỳ lạ đối với người tham gia giao thông. Ví dụ không giải quyết được nạn ùn tắc giao thông đô thị, nhà quản lý đã đưa ra quy định biển số xe chẵn - lẻ phải đi vào ngày khác nhau. Hay là đối với người đi xe máy phải là xe chính chủ và nhất thiết không được đội mũ bảo hiểm “rởm”... Những tưởng “sáng kiến” hóa ra lại là “tối kiến”.

Pháp luật sinh ra là để điều chỉnh hành vi cũng như bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công dân. Vì thế việc cấm một hành vi nào đó theo kiểu “không quản được thì cấm” cần phải được loại bỏ. Trước khi đưa ra quy định cấm nào đó cần phải nghiên cứu rất kỹ lưỡng, phải “nâng lên đặt xuống” xem nó có thực tế hay không, có khả thi hay không, nhất là có làm khó dân, làm khó doanh nghiệp, có tạo ra những sợi dây trói buộc xã hội hay không.

Tình trạng “không quản được thì cấm” tương đối phổ biến ở các địa phương, thậm chí các bộ, ngành còn đưa vào quy định ở các dự luật. Việc này gây tác hại cho xã hội, khi dự định cấm cái không tốt nhưng đưa vào dự luật cấm chung đã làm ảnh hưởng tới cả cái tốt.

Giành thuận lợi về mình bằng cách đẩy cái khó sang người khác là rất không nên. Ở mức độ nào đó, có thể coi đó là việc làm tùy tiện, cửa quyền, thiếu trách nhiệm. Cũng chính vì thế đã dẫn tới việc nhiều chính sách không thống nhất, rất khó thực hiện, vướng mắc trong thực thi. Có những văn bản pháp luật vừa ban hành xong phải sửa đổi, thậm chí thu hồi vì không thể thực hiện do xa vời thực tế. Kể cả văn bản về quy hoạch, đấu thầu, xây dựng, đất đai... là những lĩnh vực rất quan trọng, thiết thân với người dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng lại gây khó.

Một điều rất đáng nói là các văn bản “cấm” khi khó quản vẫn ra đời có nguyên nhân từ chỗ không lắng nghe đầy đủ ý kiến, phản ánh của người dân, doanh nghiệp và giới chuyên gia. Phải chăng cơ quan soạn thảo “tự phụ” quá mức, luôn cho mình là đúng nên không cần đến ý kiến đóng góp? Bên cạnh đó, việc kiểm tra, giám sát trước khi ban hành văn bản cũng lỏng lẻo nên đã không phát hiện ra những điều vô lý.

Những văn bản loại này gây bức xúc, làm tốn thời gian, tiền bạc của xã hội. Đó cũng là lãng phí.

Loại bỏ tư duy “không quản được thì cấm”, nhiều ý kiến cho rằng để tránh tái diễn rất cần có chế tài xử lý những cơ quan, cá nhân, nhóm cá nhân soạn thảo ra những văn bản đó. Cần phải chỉ rõ tên tuổi và quy trách nhiệm rõ ràng, công khai, minh bạch. Dư luận cần được biết những đối tượng “sản xuất” ra loại văn bản ấy đã được xử lý ra sao, mức độ xử lý có xứng với những gì họ đã gây ra hay không.

Đó có thể coi là một biện pháp nhằm loại bỏ tận gốc cách hành xử “không quản được thì cấm” một cách vô lý, tùy tiện. Đó là điều rất cần thiết để dòng chảy xã hội thông thoáng, những cơ hội phát triển không bị trôi qua.

Nam Việt