Giáo dục

Cân bằng giữa học tập, giải trí và làm thêm

Thu Hương 29/10/2024 10:05

Một khảo sát vừa được công bố cho thấy có tới gần 70% sinh viên đang dành thời gian rảnh rỗi mỗi ngày từ 2 - 4 giờ để nghỉ ngơi, thư giãn và giải trí bằng cách xem phim, nghe nhạc, dùng mạng xã hội. Câu hỏi đặt ra là làm sao để mỗi khoảng thời gian trôi qua đều trở nên ý nghĩa với sự phát triển của mỗi sinh viên là điều không dễ trả lời.

bai chinh
Sinh viên tham gia ngày hội tuyển dụng việc làm. Nguồn: NTTU.

Nhóm nghiên cứu tại Trường Đại học (ĐH) Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM) vừa công bố khảo sát ý kiến của hơn 21.600 sinh viên ở các trường ĐH thành viên ĐH Quốc gia TPHCM, bao gồm Bách khoa, Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội và Nhân văn. Kết quả, 66,71% sinh viên nói có 2-4 giờ rảnh rỗi mỗi ngày, số còn lại có ít hơn (dưới 2 giờ). Trong khoảng thời gian này, các em chủ yếu nghỉ ngơi, thư giãn và giải trí bằng cách xem phim, nghe nhạc, dùng mạng xã hội, với điểm đánh giá trung bình là 3,9/5.

Sinh viên cũng quan tâm đến phát triển bản thân, tuy nhiên, mức độ quan tâm này khá khiêm tốn so với các hoạt động khác. Việc mở rộng mạng lưới xã hội không được sinh viên chú trọng nhiều.

Từ kết quả khảo sát, nhóm nghiên cứu đưa ra những đề xuất, kiến nghị với người học. Cụ thể, nghiên cứu đề xuất sinh viên chủ động thực hiện một số các nội dung, như tham gia các khóa học quản lý thời gian và kỹ năng mềm, có lộ trình học tập và hoạt động ngoại khóa với những chỉ tiêu cụ thể.

Nhóm cũng đề xuất các trường khuyến khích sinh viên học theo nhóm, với hỗ trợ của anh chị khóa trên; tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, chuyên đề về quản lý thời gian, rèn luyện tư duy cho sinh viên.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, PGS.TS Vũ Hoàng Ngân - Trưởng khoa Kinh tế và Quản lý nguồn nhân lực (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) cho hay, từ thực tế quan sát xung quanh, bà nhận thấy bên cạnh việc học tập, sinh viên hiện nay tham gia rất là nhiều nhóm câu lạc bộ, làm thêm bên ngoài… Điều đó giúp các em rèn luyện, trau dồi không chỉ về mặt kiến thức, kỹ năng, thái độ làm việc cũng được cải thiện rất nhiều.

Chẳng hạn, có những chương trình, sự kiện của Khoa Kinh tế và Quản lý nguồn nhân lực do sinh viên tự lên kịch bản, xin tài trợ, chuẩn bị tổ chức… rất chi tiết và chỉn chu. Thông qua đó, các em sẽ trưởng thành hơn và cũng là một cách mang bài học áp dụng vào cuộc sống, điều mà mỗi giảng viên khi truyền dạy đều nhấn mạnh.

Đối với công việc làm thêm, PGS.TS Vũ Hoàng Ngân cho rằng, đối với sinh viên ở một số quốc gia khác có quy định về thời gian làm thêm không quá bao nhiêu giờ trong một tuần. Tuy nhiên, đó là quản lý một cách chính thống đối với các công việc làm thêm có đóng thuế để kiểm soát trong khi tại Việt Nam, nhiều công việc bán thời gian không được đăng ký cụ thể với bên thuế nên để quản lý một cách chính xác là điều không dễ.

PGS.TS Vũ Hoàng Ngân cho rằng: Với những học sinh thực sự cần chi phí để chia sẻ gánh nặng học đại học với gia đình, việc đi làm là cần thiết. Còn có những sinh viên đi làm thêm để trải nghiệm, học hỏi. Dù với lý do gì thì nếu không sắp xếp hợp lý, cân bằng giữa việc làm thêm và học tập thì chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến kết quả học tập. Tuy nhiên, thực tế cũng ghi nhận nhiều sinh viên trong quá trình làm thêm đã tích lũy được nhiều kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm và sau đó đạt được thành công. Nên quan trọng là các em phải xác định được mình cần gì, mình muốn gì và cân bằng giữa việc học tập, làm thêm và giải trí.

Theo TS Đỗ Xuân Trường - giảng viên Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội), việc sinh viên tham gia làm thêm là hoàn toàn hợp lý, thậm chí cần phải được ưu tiên trong chuỗi thời gian ngoài giờ lên lớp. Thay vì dành quá nhiều thời gian để lướt mạng xã hội hoặc vui chơi, giải trí, các em sinh viên có thể tìm kiếm công việc làm thêm, kể cả khi không có áp lực tài chính để giúp trau dồi những kỹ năng, kinh nghiệm… Đó là những bài học cuộc sống mà không một trường lớp, bài giảng nào có thể bao quát được hết.

Trước thực tế không phải sinh viên nào cũng có thể tìm kiếm được công việc làm thêm gắn với chuyên môn mình đang học, PGS.TS Vũ Hoàng Ngân cho rằng có thể cân nhắc chọn nhiều công việc khác nhau, kể cả làm shipper, thu ngân, phục vụ trong quán cà phê… trong một khoảng thời gian nhất định để cọ xát, học hỏi. “Mọi trải nghiệm đều quý giá. Quan trọng là mỗi người phải xác định được mục tiêu chính của mình khi làm công việc đó là gì, mình học hỏi được điều gì từ đó, đặc biệt là cân bằng giữa việc học và làm thêm để không làm ảnh hưởng đến việc học” – bà Ngân nêu quan điểm.

Thu Hương