Indonesia chặn bán iPhone 16 vì thiếu đầu tư
Việc tiếp thị và bán mẫu điện thoại iPhone 16 bị cấm tại Indonesia vì Apple không đáp ứng được quy định 40% linh kiện điện thoại phải được sản xuất trong nước.
Ngày 29/10, The Guardian dẫn nguồn tin từ Bộ Công nghiệp Indonesia cho biết, nước này đã cấm tiếp thị và bán mẫu iPhone 16 vì Apple không đáp ứng được các quy định về đầu tư tại địa phương.
Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á có dân số trẻ, am hiểu công nghệ với hơn 100 triệu người dưới 30 tuổi, nhưng Apple vẫn chưa có cửa hàng chính thức tại quốc gia này, buộc những người muốn mua sản phẩm của hãng phải mua từ các nền tảng bán lại.
Người phát ngôn của Bộ Công nghiệp Indonesia cho biết, phiên bản iPhone 16 - ra mắt vào tháng 9 - không được bán trong nước vì đơn vị địa phương của Apple chưa đáp ứng được yêu cầu 40% linh kiện điện thoại phải được sản xuất từ các bộ phận trong nước.
"Các thiết bị iPhone 16 do các nhà nhập khẩu đã đăng ký nhập khẩu vẫn chưa thể được bán trong nước. Apple Indonesia vẫn chưa thực hiện cam kết đầu tư để có được chứng nhận" - người phát ngôn của Bộ Công nghiệp, Febri Hendri Antoni Arif, cho biết.
Theo các báo cáo của phương tiện truyền thông địa phương, để đạt được tỷ lệ trên, Apple phải đầu tư vào Indonesia và tìm nguồn vật liệu Indonesia để sử dụng cho các thành phần của iPhone.
Bộ Công nghiệp Indonesia cho biết, điện thoại Apple mới có thể được đưa vào Indonesia miễn là chúng không được giao dịch thương mại.
Theo ước tính, chỉ có 9.000 chiếc điện thoại mới được đưa vào quốc gia có dân số khoảng 280 triệu người này. Ông Arif cho biết thêm rằng, mặc dù những chiếc điện thoại này được đưa vào một cách hợp pháp, nhưng việc bán chúng ở Indonesia sẽ là bất hợp pháp.
Indonesia đã từng áp dụng lệnh cấm tương tự để khuyến khích sản xuất trong nước trong quá khứ. Trước đây, Apple đã cảnh báo rằng lệnh cấm nhập khẩu 4.000 mặt hàng như máy tính xách tay và nguyên liệu thô có hiệu lực vào tháng 3 sẽ dẫn đến tình trạng thiếu máy tính xách tay tại quốc gia này. Một số công ty đã thu hẹp hoạt động do lệnh cấm này. Tuy nhiên, lệnh hạn chế nhập khẩu quặng khoáng sản kéo dài nhiều năm của quốc gia này đã thúc đẩy ngành pin của Indonesia phát triển nhanh hơn.
Theo Counterpoint Research, thị phần điện thoại thông minh của Indonesia trong quý 2 năm nay do Xiaomi, Oppo và Vivo của Trung Quốc cũng như Samsung của Hàn Quốc thống trị.
Việc thiếu sự hiện diện tại Indonesia là một cơ hội bị bỏ lỡ đối với công ty đang đạt được thành công đáng kể ở các khu vực khác của Châu Á. Bloomberg đưa tin cho biết, có 350 triệu điện thoại di động đang hoạt động tại Indonesia - thậm chí còn nhiều hơn dân số hiện tại của quốc gia này.