Gốm sứ Việt Nam hướng đến xuất khẩu bền vững
Với nhiều trung tâm sản xuất gốm sứ lâu đời cũng như một số thương hiệu gốm sứ mạnh, gốm sứ là một trong những mặt hàng thủ công mỹ nghệ (TCMN) có giá trị xuất khẩu cao của Việt Nam. Nửa đầu năm nay, ngành gốm sứ đã đem lại hơn 317 triệu USD từ xuất khẩu.
Gốm sứ là ngành công nghiệp truyền thống của dân tộc Việt Nam với lịch sử phát triển lâu đời. Đặc biệt, sau khi Bộ Công thương ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Gốm sứ - Thủy tinh công nghiệp Việt Nam vào năm 2014 đến nay, ngành gốm sứ Việt Nam đã có sự tăng trưởng nhanh chóng về sản lượng, công nghệ sản xuất, giúp Việt Nam nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm gốm, trong đó, nhiều doanh nghiệp đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường quốc tế.
Năm 2023, ngành gốm sứ gặp không ít khó khăn, nhất là bối cảnh thế giới phức tạp, nhưng nửa đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu gốm sứ của Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ trở lại. Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sản phẩm gốm sứ của Việt Nam đến các thị trường đạt 317,04 triệu USD, tăng 9,51% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của đồ gốm sứ Việt Nam với kim ngạch đạt 81 triệu USD, tăng 55,70% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 25,5% thị phần. Riêng trong tháng 6, thị trường Mỹ nhập khẩu 12,94 triệu USD sản phẩm gốm sứ từ Việt Nam, tăng 38,54% so với tháng 5/2024.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, trong dài hạn, ngành gốm sứ Việt Nam được dự báo sẽ còn nhiều cơ hội để tăng trưởng, nhờ vào sự phát triển không ngừng của công nghệ, nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế, cũng như sự đổi mới trong thiết kế và sản phẩm… Trong đó, nhu cầu về sản phẩm gốm sứ, đặc biệt là các sản phẩm gốm sứ cao cấp và nghệ thuật, đang gia tăng trên toàn cầu. Các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và các nước ASEAN đều có nhu cầu cao về sản phẩm gốm sứ chất lượng.
Đặc biệt, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do với các đối tác quốc tế, như: Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA)… giúp giảm thuế xuất khẩu và mở rộng cơ hội thị trường. Ngoài ra, Chính phủ thường xuyên cung cấp các chính sách hỗ trợ xuất khẩu, bao gồm ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính và đào tạo, đặc biệt, các chương trình xúc tiến thương mại do chính phủ tổ chức giúp doanh nghiệp gốm sứ Việt Nam tiếp cận thị trường quốc tế, tham gia triển lãm quốc tế và xây dựng mối quan hệ với các đối tác quốc tế.
Trong thời gian tới, để đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm gốm sứ, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng vào nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến công nghệ sản xuất, đảm bảo chất lượng và độ bền của sản phẩm, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn và môi trường; đa dạng hóa sản phẩm, tạo ra nhiều mẫu mã và kiểu dáng phong phú để đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của các thị trường khác nhau. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, làng nghề cũng rất cần sự hỗ trợ của ngành Công thương trong công tác xúc tiến thương mại.
Theo ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, trong những năm qua, Hà Nội luôn chú trọng thường xuyên tổ chức các hội chợ trong và ngoài nước, thu hút hàng chục nghìn lượt khách thăm quan, giao dịch, qua đó tạo cơ hội để doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, nắm bắt được xu thế thị trường từ đó định hướng được sản xuất đúng và trúng. Đặc biệt, các hội chợ quốc tế quà tặng thủ công mỹ nghệ (Hanoi Giftshow) hàng năm chính là cầu nối giúp cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ của Hà Nội gặp gỡ, giao dịch, kết nối kinh doanh, đàm phán ký kết hợp đồng với các nhà nhập khẩu, khách thương mại để đẩy mạnh tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm thủ công mỹ nghệ, trong đó đặc biệt là ngành hàng gốm sứ.