Pháp luật

Phúc thẩm vụ án liên quan nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Yên Bái: Nhiều bị cáo khai Đinh Tiến Hùng không làm gì liên quan vụ khai thác quặng

Nhóm phóng viên 29/10/2024 21:33

Phiên xử phúc thẩm hôm nay (29/10) của TAND cấp cao tại Hà Nội (mở tại Yên Bái) kéo dài phần xét hỏi tới 18h30. Chứng cứ quan trọng nhất của vụ án là lời khai ở quán cà phê Đồng Tâm được 3 bị cáo liên quan khẳng định Đinh Tiến Hùng không lo cơ chế, quan hệ, không chi tiền bạc, không thúc đẩy ai, và không làm gì liên quan việc khai thác quặng mỏ Núi Ngàng.

Chứng cứ quan trọng nhất của vụ án bất nhất

Vụ án Lăng Đức Hân xảy ra tại Yên Bái cuối năm 2020 (vận chuyển, sử dụng thuốc nổ trái phép; khai thác quặng chì kẽm trái phép) đã được tiến hành tố tụng gần 4 năm nhưng chưa thể ra một bản án có hiệu lực pháp luật.

Theo bản án sơ thẩm xét xử tháng 11/2023, Cty TNHH Ngọc Tâm (Giám đốc Lăng Đức Hân, sinh 1972) và Cty TNHH Tuyên Huy (Giám đốc Nguyễn Văn Hậu, sinh 1982) đã lợi dụng việc nổ mìn lấy đá thi công con đường dẫn đến mỏ Núi Ngàng (xã Cảm Nhân, Yên Bình, Yên Bái) đồng thời bóc tách quặng với mục đích vụ lợi. Tổng lượng thuốc nổ trái phép được xác định hơn 2.700kg và lượng đá (xác định có quặng) là hơn 1.000 tấn (định giá hơn 2 tỷ đồng).

Bản Kết luận điều tra và Cáo trạng truy tố cho rằng Đinh Tiến Hùng (sinh 1984), nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Yên Bái, đã bàn bạc với các đối tượng Nguyễn Văn Hậu và Nguyễn Trọng Tuấn (Giám đốc và Phó giám đốc Cty Tuyên Huy) tại quán cà phê Đông Tâm (Tp Yên Bái, ngày 18/10/2020) về việc khai thác quặng trái phép.

Theo đó, Nguyễn Văn Hậu có lời khai tại CQĐT rằng “Đinh Tiến Hùng đã nói: các ông có mỏ, tôi có quan hệ, bây giờ tiện việc làm đường thì cứ tiến hành khai thác quặng luôn. Tôi sẽ đứng ra lo quan hệ, cơ chế. Sau khi trừ mọi chi phí tôi sẽ lấy 1/3 lợi nhuận, các ông lấy 2/3”.

Chi tiết trên đây được CQĐT Công an tỉnh Yên Bái và VKSND tỉnh Yên Bái coi là mấu chốt, chứng cứ quan trọng nhất của vụ án để xác định sự liên quan của Đinh Tiến Hùng.

Tại phiên toà Phúc Thẩm, bị cáo Nguyễn Trọng Tuấn (Phó giám đốc Công ty Tuyên Huy – người thứ 3 cùng có mặt tại cuộc nói chuyện ở quán cà phê Đồng Tâm – PV), khẳng định “lúc đó tôi nghe điện thoại, không biết nội dung cuộc trò chuyện giữa Nguyễn Văn Hậu và Đinh Tiến Hùng. Nội dung trên là nghe Hậu truyền đạt lại”.

Bị cáo Tuấn cũng khai rằng: Sau cuộc gặp gỡ ở quán Cà phê Đồng Tâm, Tuấn không liên lạc lại với Đinh Tiến Hùng. Đồng thời, Hùng không đầu tư, không lo cơ chế, quan hệ, không chi tiền bạc, không thúc đẩy ai, và không làm gì liên quan việc khai thác quặng mỏ Núi Ngàng.

Tương tự, trình bày tại tòa phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Văn Hậu cũng đề nghị toà sử dụng lời khai phiên sơ thẩm, một lần nữa khẳng định không có bất kỳ liên hệ gì với Đinh Tiến Hùng sau cuộc gặp gỡ ở quán cà phê Đồng Tâm, Đinh Tiến Hùng không đầu tư, tác động gì sau vụ gặp gỡ, không thúc đẩy, làm gì liên quan đến công việc trên mỏ.

Bản án phúc thẩm còn cho biết Hậu và Tuấn nhiều lần thay đổi lời khai về Đinh Tiến Hùng và có nhiều mâu thuẫn. Việc chứng cứ trực tiếp quan trọng nhất của vụ án là lời khai của 3 bị cáo, nhưng cơ quan điều tra tỉnh Yên Bái không thu thập được dữ liệu âm thanh, hình ảnh cuộc nói chuyện, không có người làm chứng, và không có chứng cứ nào khác để xác định nội dung cuộc nói chuyện tại quán cà phê Đồng Tâm. Hiện tại chứng cứ quan trọng nhất của vụ án chỉ dựa vào lời khai duy nhất của Nguyễn Văn Hậu.

Trước đó, HĐXX tòa cấp sơ thẩm kết luận không có gì để chứng minh Đinh Tiến Hùng đã tham gia chỉ đạo, thúc đẩy việc khai thác quặng trái phép. Không có chứng cứ chứng minh Đinh Tiến Hùng có hành vi sắp xếp, bố trí người, phương tiện, vật tư khai thác quặng.

Càng không có chứng cứ chứng minh Đinh Tiến Hùng có hành vi lợi dụng ảnh hưởng, quan hệ cá nhân để tác động, bao che việc khai thác. Và cũng không có chứng cứ chứng minh Đinh Tiến Hùng đã được nhận lợi ích gì từ vụ khai thác này.

Quá trình điều tra và tranh tụng tại tòa sơ thẩm đã không chứng minh được bị cáo Đinh Tiến Hùng đã thực hiện hành vi cụ thể nào là tội phạm (tội danh “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên). Hồ sơ vụ án đã nhiều lần được các cơ quan tố tụng tỉnh Yên Bái chuyển trả cho nhau đề nghị làm rõ nhiều nội dung.

Đặc biệt, trước khi mở phiên sơ thẩm, TAND tỉnh Yên Bái đã 2 lần trả hồ sơ cho VKSND tỉnh Yên Bái để bổ sung chứng cứ chứng minh cho việc truy tố Đinh Tiến Hùng, nhưng phía Viện kiểm sát đã không bổ sung được thêm chứng cứ gì mới. Căn cứ Điều 13 Bộ luật TTHS quy định về nguyên tắc suy đoán vô tội, tòa án sơ thẩm đã tuyên bố Đinh Tiến Hùng không phạm tội.

anh toa 3
Phiên toà phúc thẩm thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân.

“Trở thành bị cáo của vụ án này đã khiến tôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, gia đình, công việc, sức khỏe. Tôi cực lực phản đối những quan điểm cột tội của VKSND tỉnh Yên Bái nhưng tuyệt đối tin tưởng vào sự nghiêm minh của pháp luật. Tôi hy vọng công lý được làm sáng tỏ, tiếp tục được tòa phúc thẩm tuyên vô tội, trả lại công bằng cho người bị oan, vừa bù đắp lại những ảnh hưởng, thiệt hại của bản thân và gia đình tôi, giữ được niềm tin của tôi và nhiều người dân vào hệ thống các cơ quan cầm cân pháp luật”.

Bị cáo Đinh Tiến Hùng nói.

Nhiều bị cáo nói Đinh Tiến Hùng không liên quan

Nêu ý kiến tại phiên xử, các bị cáo Nguyễn Văn Hậu (Giám đốc công ty Tuyên Huy), Nguyễn Trọng Tuấn (Phó giám đốc công ty Tuyên Huy), Bùi Mạnh Hùng (Phó giám đốc công ty Tuyên Huy), Lăng Đức Hân (Giám đốc công ty Ngọc Tâm), Lưu Bằng Đoàn (người liên quan đến việc khai thác quặng trên núi),… đều cho rằng Đinh Tiến Hùng không lo cơ chế, quan hệ, không chi tiền bạc, không thúc đẩy ai, và không làm gì liên quan việc khai thác quặng mỏ Núi Ngàng.

Đồng thời, các bị cáo đề nghị toà sử dụng lời khai phiên sơ thẩm, xem xét lại khâu lấy mẫu quặng giám định và xác định khối lượng. Hầu hết các bị cáo mong được giảm nhẹ mức án, và một số bị cáo yêu cầu cơ quan tố tụng xem xét lại phương pháp lấy mẫu quặng và kết quả giám định - liên quan điều khoản và mức án, vì cho rằng chưa hợp lý.

Nhiều bị cáo khai rằng cơ quan chức năng dùng máy xúc để vun đống quặng, dùng sào để đo khối lượng quặng.

Theo nhiều luật sư có mặt tại tòa, thông qua xét hỏi bị cáo, đã cho thấy bất hợp lý hàm lượng và trữ lượng quặng đã được khai thác. Đồng thời, khẳng định phương pháp lấy mẫu ở vụ án này có thể khiến kết quả giám định không khách quan, và điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến mức, khoản truy tố. Cần có một cuộc giám định lại tại một cơ quan giám định độc lập, khách quan và chính xác.

Bị cáo Lăng Đức Hân và một số bị cáo khác hiện vẫn cho rằng khối vật liệu khai thác được là đá làm đường chứ không nhận thức đó là đá chứa quặng.

"Nhiều câu hỏi của đại diện VKS thể hiện sự áp đặt", luật sư Đỗ Như Thành nói. Và nhiều câu hỏi đã không cho bị cáo có thời gian trả lời.

Bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng (Hùng lùn) liên tục trả lời "không nhớ vì hai năm nhiễm Covid". Các bị cáo khác cũng nói không nhớ (đặc biệt về mặt thời gian) đã làm gì liên quan vụ án vì sự việc xảy ra đã quá lâu.

Bị cáo Đinh Tiến Hùng cho rằng phần tranh tụng và trình bày lời khai của các bị cáo ở phiên sơ thẩm đã nói lên tính khách quan, sự thật vụ án, nên đề nghị HĐXX Tòa án cấp cao bác kháng nghị của VKSND tỉnh Yên Bái giữ nguyên việc tuyên án vô tội do cấp sơ thẩm đã phán quyết.

HĐXX Tòa án cấp cao đã cho phép cuộc xét hỏi tại tòa kéo dài tới 18h30, sáng mai (30/10) sẽ chuyển sang phần tranh tụng. Phòng xử án sức chứa gần 100 người đã không còn một chỗ trống. Vụ án kéo dài đã gần 4 năm và gây xôn xao dư luận nhiều năm qua. Ở phiên phúc thẩm, nhiều cơ quan báo chí từ Trung ương đã cử phóng viên theo dõi, đưa tin.

Tại phiên tòa sơ thẩm, TAND tỉnh Yên Bái tuyên án vô tội đối với bị cáo này theo điều 13 bộ luật Tố tụng hình sự. Toà tuyên án Lăng Đức Hân 19 năm tù, Nguyễn Văn Hậu 18 năm tù, Nguyễn Trọng Tuấn 14 năm tù, kèm các hình phạt bổ sung. Các bị cáo khác cũng có mức án cao. Một số bị cáo đã kháng cáo, và VKSND tỉnh Yên Bái cũng kháng nghị bản án. Tháng 9/2024 Tòa án cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên phúc thẩm nhưng thông báo hoãn xử vì một số bị cáo vắng mặt.

Nhóm phóng viên