Tăng tuổi thọ cho luật
Theo thống kê, kể từ khi thực hiện Nghị quyết số 48 của Bộ Chính trị về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, tuổi thọ trung bình của một đạo luật thường trên 10 năm. Cứ sau 5 năm, có thể sửa đổi, bổ sung một số điều, và sau 10 năm thì sửa đổi, bổ sung tổng thể.
Tuy nhiên, cũng có một số luật tuổi thọ dưới 5 năm đã sửa như Luật Đầu tư công, Luật Tố tụng hành chính. Điều này được lý giải là để cập nhật những vấn đề mới phát sinh cho phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội mà khi xây dựng luật chưa tính hết được.
Tại diễn đàn Quốc hội cách đây mấy năm, Phó Thủ tướng Lê Thành Long, lúc ấy còn đương nhiệm Bộ trưởng Tư pháp, khi trả lời chất vấn đã cho biết, thực trạng về tuổi thọ trung bình của một số đạo luật trong bối cảnh đất nước đang phát triển và rất nhiều yêu cầu đột xuất phát sinh, tôi nghĩ tình trạng này có thể chấp nhận được. Nhưng, ông Long khi ấy cũng bày tỏ “một hệ thống pháp luật ổn định, ít phải sửa và thành nếp trong quá trình thực hiện vẫn là mong muốn của chúng ta. Trong thời gian tới chúng tôi đã và đang thực hiện”.
4 năm sau, tại Hội nghị liên tịch Đảng đoàn Quốc hội và Ban Cán sự Đảng Chính phủ ngay trước khai mạc kỳ họp 8, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, việc xây dựng pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, không cầu toàn, không nóng vội. Tất cả vì sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước, đảm bảo đời sống của nhân dân.
Cũng tại hội nghị kể trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính khi nói về việc xây dựng luật đã cho rằng, tùy từng tính chất của các dự án luật để có thể đưa ra những quy định chi tiết, nhưng với những vấn đề còn đang biến động, có nhiều tác động thì nên khái quát. Công tác lập pháp phải được thực hiện trên tinh thần cái gì đã rõ, đã chín, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả và đa số đồng tình thì luật hóa. Còn những vấn đề chưa chín, chưa rõ, thực tiễn còn biến động, còn diễn biến tạp, khó lường thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần.
Nói như vậy có nghĩa, cả Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội đều có quan điểm xây dựng Luật phải làm sao cho sát, đúng với thực tiễn và phải làm sao để Luật thực sự đi vào cuộc sống, góp phần tháo gỡ những nút thắt có thể cản trở sự phát triển của kinh tế - xã hội một cách hiệu quả nhất.
Đánh giá về quá trình xây dựng luật ở ta, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm đã thẳng thắn nhìn nhận: Chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi; các quy định chưa thực sự đồng bộ, còn chồng chéo, nhiều quy định còn khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực; chưa tạo môi trường thực sự thuận lợi để thu hút nguồn lực của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, khơi thông nguồn lực trong dân.
Vậy làm thế nào để tuổi thọ của luật được nâng cao; luật đi vào thực tiễn, đóng góp vào tiến trình vươn mình của đất nước. Muốn vậy, chúng ta phải thực sự đổi mới công tác lập pháp và phải chuyển đổi tư duy xây dựng luật theo hướng vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích tư duy sáng tạo nhằm khơi thông nguồn lực phát triển.
Muốn thế, các quy định của luật phải mang tính ổn định, có giá trị lâu dài; luật chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc; những vấn đề thực tiễn biến động thường xuyên thì giao Chính phủ, địa phương quy định để bảo đảm linh hoạt trong điều hành. Đổi mới quy trình xây dựng, tổ chức thực hiện pháp luật. Bám sát thực tiễn, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”; cải cách triệt để thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp. Tập trung kiểm soát quyền lực trong xây dựng pháp luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu, kiên quyết chống tiêu cực, “lợi ích nhóm”.