Quốc tế

Sương mù độc hại lại 'bao vây' Nam Á

Hà Anh 30/10/2024 08:06

Sương mù độc hại dày đặc đã một lần nữa bao trùm miền bắc Ấn Độ và miền đông Pakistan chỉ vài ngày trước khi bắt đầu lễ hội Diwali - một lễ hội của người Hindu thường được tổ chức với pháo hoa, khiến chất lượng không khí giảm mạnh mỗi năm.

anh-bai-chinh-29-10.jpg
Một chiếc xe phun nước để làm lắng các hạt bụi trong bối cảnh ô nhiễm vào tại New Delhi (Ấn Độ). Nguồn: Getty Images.

Chỉ số không khí vượt ngưỡng

Theo IQAir – công ty theo dõi chất lượng không khí toàn cầu của Thụy Sĩ, chỉ số chất lượng không khí tại thủ đô Delhi của Ấn Độ là khoảng 250 vào sáng ngày 28/10, sau nhiều ngày ở mức "rất không lành mạnh" trên 200. Trong khi đó, tại thành phố Lahore của Pakistan - cách biên giới Ấn Độ khoảng 25km, chất lượng không khí đã vượt qua mức "nguy hiểm" là 500 trong cùng ngày, gấp gần 65 lần so với hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về không khí trong lành, khiến nơi đây trở thành thành phố ô nhiễm nhất thế giới tại thời điểm xếp hạng.

Theo hướng dẫn của WHO, mức PM2.5 trung bình hàng năm không được vượt quá 5 microgam/m3. Tuy nhiên, mức PM2.5 của Bangladesh là 79,9 microgam/m3, cao hơn gần 16 lần so với khuyến nghị của WHO. Pakistan đạt 73,7 microgam/m3 trong khi không khí của Ấn Độ có 54,4 microgam/m3 trung bình trong năm ngoái.

IQAir cho biết, chất lượng không khí trên toàn khu vực sẽ trở nên tồi tệ hơn khi mùa sương mù mùa đông đến gần, khi một lớp sương mù màu vàng đáng ngại bao phủ bầu trời xuất phát từ việc nông dân đốt chất thải nông nghiệp, hoạt động của nhà máy điện chạy bằng than, giao thông và những ngày đông không có gió.

Theo IQAir, chất lượng không khí kém ở Nam Á thường là do hoạt động của lò gạch và các khí thải công nghiệp khác. Miền Bắc Ấn Độ và Thủ đô Delhi có chất lượng không khí đặc biệt kém do đốt sinh khối – thói quen đốt gỗ hoặc chất thải cây trồng để làm nhiên liệu, đốt than và khí thải xe cộ. Ở Bangladesh, ước tính có khoảng 8.000 lò gạch, trong đó một số hoạt động bất hợp pháp. Hoạt động đốt cây trồng hàng năm – khi nông dân ở Ấn Độ và Pakistan đốt rơm rạ sau khi thu hoạch lúa để chuẩn bị ruộng cho việc trồng lúa mì – cũng là một tác nhân gây ô nhiễm không khí. Khói từ Ấn Độ, Nepal và Pakistan từ hoạt động này cũng có thể bay qua Bangladesh.

Lễ hội Diwali sẽ bắt đầu vào ngày 1/11, là dịp mọi người họp mặt cùng gia đình, tiệc tùng và đốt pháo hoa, đôi khi bất chấp lệnh cấm của địa phương, khiến tình trạng ô nhiễm không khí càng trầm trọng hơn.

Địa lý của Nam Á cũng đóng vai trò trong việc tích tụ ô nhiễm không khí. Các chất ô nhiễm phát ra từ khắp Đồng bằng Ấn - Hằng, bao gồm Bangladesh, một phần lớn miền Đông Pakistan, hầu hết miền Bắc và miền Đông Ấn Độ, và miền Nam Nepal - trộn lẫn với các chất ô nhiễm được đưa vào khu vực này bởi gió thổi từ bờ biển. Sau đó, chúng bị mắc kẹt bởi dãy Himalaya giáp ranh phía Bắc.

Những cảnh tượng đường chân trời với khói mù màu cam và các tòa nhà phủ đầy sương mù xuất hiện hàng năm trong mùa khói bụi khiến các bác sĩ phải đưa ra cảnh báo về nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp và tác động đến tuổi thọ. Ô nhiễm không khí ở Ấn Độ đã được phát hiện là rất tệ, đến nỗi có thể cướp đi sinh mạng của hàng trăm triệu người, theo cảnh báo từ các chuyên gia.

Giải pháp kiềm chế

Người dân và các chuyên gia từ lâu đã đặt câu hỏi tại sao Ấn Độ không hạn chế được ô nhiễm không khí, trong khi Delhi và các tiểu bang lân cận vẫn đang tranh cãi về việc ai thực sự phải chịu trách nhiệm.

Delhi đã cấm sử dụng và bán pháo trước lễ hội Diwali, nhưng chính sách này rất khó thực hiện. Tuần trước, Tòa án Tối cao Ấn Độ đã lên án chính quyền các tiểu bang Punjab và Haryana vì không trấn áp được tình trạng đốt rơm rạ trái phép. Tuy nhiên, các quan chức địa phương tuyên bố, họ đã giảm đáng kể tình trạng này trong những năm gần đây.

Chính phủ Ấn Độ cũng đã triển khai Chương trình Không khí sạch trên toàn quốc vào năm 2019, đưa ra các chiến lược trên 24 tiểu bang và vùng lãnh thổ liên bang nhằm giảm nồng độ hạt vật chất - một thuật ngữ chỉ chất gây ô nhiễm không khí xuống 40% vào năm 2026. Các biện pháp bao gồm trấn áp các nhà máy điện chạy bằng than, thiết lập hệ thống giám sát không khí và cấm đốt sinh khối.

Các quan chức cũng đã bắt đầu phun nước trên đường và thậm chí tạo mưa nhân tạo để chống ô nhiễm không khí ở thủ đô Ấn Độ, mặc dù các chuyên gia cho rằng, đây chỉ là các giải pháp tạm thời không giải quyết được các vấn đề cơ bản.

Theo dữ liệu của chính phủ, một số thành phố của Ấn Độ đã chứng kiến sự cải thiện về chất lượng không khí, nhưng tiến độ vẫn chậm. Theo IQAir, từ năm 2018 đến năm 2022, nồng độ PM2.5 (một đợn vị đo chất gây ô nhiễm trong không khí) trung bình của New Delhi trong tháng 11 - thời điểm bắt đầu mùa ô nhiễm ít nhiều vẫn giữ nguyên.

Để đối phó với tình trạng trên, Báo cáo chất lượng không khí thế giới năm 2023 của IQAir khuyến nghị, các chính phủ nên đầu tư vào các sáng kiến năng lượng tái tạo, đưa ra các ưu đãi cho phương tiện sạch hơn, cải thiện cơ sở hạ tầng để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người đi bộ và cấm các hoạt động đốt nông sản. Báo cáo này đặc biệt nhấn mạnh đến tình trạng thiếu các trạm giám sát chất lượng không khí do chính phủ điều hành ở Nam Á. Hiện tại, khoảng 96% các trạm báo cáo dữ liệu chất lượng không khí ở Lahore và Peshawar ở Pakistan, cũng như Dhaka ở Bangladesh không liên kết với chính phủ các nước này.

Theo Chỉ số chất lượng không khí cuộc sống (AQLI) do Viện chính sách năng lượng tại Đại học Chicago (EPIC), tuổi thọ trung bình của người Ấn Độ giảm 5,3 năm do ô nhiễm PM2.5. Ở New Delhi, tuổi thọ giảm 10 năm. Trong khi đó tại Pakistan, trung bình người dân có thể sống thêm 3,9 năm nếu chất lượng không khí đáp ứng được các hướng dẫn của WHO.

Hà Anh