Liên thông trong giáo dục - đào tạo: Tạo điều kiện nhưng cần đảm bảo chất lượng
Hệ thống giáo dục liên thông hiện nay được tổ chức, triển khai rất đa dạng để khuyến khích, đáp ứng nhu cầu học tập, phát triển bản thân của người học.
Xu hướng đào tạo liên thông
Theo báo cáo kết quả đào tạo liên thông giữa trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng với trình độ đại học (ĐH) giai đoạn 2017-2023, tổng số cơ sở giáo dục ĐH của Việt Nam là 243 trường (không tính các trường thuộc khối quốc phòng, an ninh). Trong đó, số cơ sở giáo dục ĐH có đào tạo liên thông là 134 trường, chiếm 49% số cơ sở đào tạo. Điều này cho thấy nhu cầu dạy và học liên thông là tương đối lớn. Với hai hình thức đào tạo là chính quy và vừa làm vừa học, đào tạo liên thông đang là xu hướng thu hút người học bởi sự phù hợp trong việc bố trí thời gian, tiết kiệm chi phí, sức lực, vừa nâng cao trình độ kiến thức… của người học. Bởi đối tượng người học liên thông đa phần là những người đã đi làm, học liên thông lên ĐH để phục vụ nhu cầu trong công việc.
Điều này cũng phù hợp với xu hướng của nhiều quốc gia hiện nay trên thế giới. Đó là, ủng hộ việc mở rộng đào tạo liên thông, ban hành các chính sách và cơ chế thông thoáng để người học có thể dễ dàng lựa chọn các chương trình đào tạo ở bậc giáo dục ĐH sau khi đã kết thúc một chương trình đào tạo ở bậc giáo dục nghề nghiệp, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển bản thân, phát triển sự nghiệp của người học. Tuy vậy, dù được tạo điều kiện thuận lợi nhưng để đạt chất lượng đào tạo đáp ứng với sự thay đổi của thị trường lao động thì hoạt động này cũng cần được quy định cụ thể, chi tiết về điều kiện đầu vào, điều kiện đầu ra, khối lượng, thời lượng chương trình phải được gắn vào cụ thể.
Từ năm 2001, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã chủ trương thay thế hình thức “đào tạo chuyên tu” sang hình thức “đào tạo liên thông”. Ngày 5/12/2002, Bộ GDĐT ban hành Quyết định số 49/2002 ban hành Quy định tạm thời về đào tạo liên thông về đào tạo dạy nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng chuyên nghiệp lên trình độ ĐH. Từ năm 2003, Bộ GDĐT đã cho thí điểm liên thông giữa các trường cao đẳng, ĐH trên cả nước theo quy định tạm thời nêu trên. Đến giữa năm 2007 đã có 61 trường được phép đào tạo liên thông. Luật Giáo dục 2019 giao Chính phủ quy định chi tiết về liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Gỡ khó cho người học và các trường
Theo TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GDĐT), để thúc đẩy công tác đào tạo liên thông giữa các trình độ trong giáo dục theo tinh thần của Nghị quyết 29-NQ/TW cần bảo đảm tính mở và linh hoạt cho phép liên thông giữa các ngành, cơ sở giáo dục tiếp cận các bậc trình độ khác nhau. Chẳng hạn, có thể tham khảo mô hình của nhiều nước đã và đang áp dụng, cho phép người học không bị bó buộc vào một lộ trình nghề nghiệp duy nhất và có thể dễ dàng thay đổi ngành nghề khi năng lực, kiến thức và kỹ năng hiện có của họ được công nhận chính thức trong ngành hoặc lĩnh vực mới.
TS Hoàng Ngọc Vinh nhắc lại thực tế trước đây quy chế đào tạo liên thông thí điểm của Bộ GDĐT yêu cầu sinh viên tốt nghiệp trung bình (chiếm đa số) thì phải ra trường đi làm đúng ngành nghề ít nhất 2 năm mới được học liên thông lên ĐH, còn sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi thì được học liên thông ngay gây khó khăn cho người học có nguyện vọng học liên thông. Sau đó, quy định này được bãi bỏ và có thời điểm, tình trạng đào tạo liên thông phát triển quá mạnh, khó kiểm soát khiến nhiều người lo lắng về chất lượng tuyển sinh đầu vào, chất lượng đào tạo, chuẩn đầu ra… Vì vậy, thời điểm hiện nay cần cân nhắc kỹ về các điều kiện, ngành nghề được phép liên thông tránh xảy ra tình trạng tương tự.
Ông Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng ĐH FPT cho rằng, việc xây dựng Nghị định quy định chi tiết về liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân là rất cần thiết, nhằm hệ thống hóa, đưa ra khái niệm chính xác hơn, thống nhất cách hiểu, có các quy định để hoạt động liên thông được tổ chức thực hiện chặt chẽ hơn và bảo đảm chất lượng GDĐT.
Ông Tùng kiến nghị liên thông cần tập trung giải quyết 2 vấn đề là tuyển sinh và chương trình đào tạo. Về chương trình đào tạo, đã liên thông thì phải có chuyển đổi tín chỉ, dù nhiều dù ít, nhưng tối đa là 50% để người học có bản sắc của nơi đào tạo. Cái khó trong chuyển đổi tín chỉ là các trường khác nhau, chất lượng đào tạo cùng một ngành có thể khác nhau, thậm chí chương trình đào tạo cũng khác nhau, không hoàn toàn giống nhau, rất khó quy định khung chuyển đổi chung.
“Nên chăng quy định tối đa tín chỉ được chuyển đổi, việc chuyển đổi cụ thể như thế nào sẽ do các trường đào tạo liên thông tự quyết định” - ông Tùng kiến nghị.