Đề xuất quy định một số hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy vì mục đích quốc phòng, an ninh
Bộ Công an đang dự thảo Thông tư quy định về một số hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy vì mục đích quốc phòng, an ninh.
Bộ Công an đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư Quy định một số hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy vì mục đích quốc phòng, an ninh nhằm tạo sự đồng bộ, thống nhất, thuận lợi cho triển khai thực hiện quy định của pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả, đáp ứng kịp thời yêu cầu công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma tuý.
Theo Bộ Công an, ngày 30/3/2021, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIV đã thông qua Luật Phòng, chống ma tuý (Luật số 73/2021/QH14) thay thế Luật phòng, chống ma tuý năm 2000.
Đến ngày 4/12/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 105/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống ma túy.
Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và Nghị định 105/2021/NĐ-CP đã quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung liên quan đến kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy vì mục đích quốc phòng, an ninh.
Tuy nhiên, một số quy định về thẩm quyền cấp phép, đơn vị tiến hành, thủ tục, hồ sơ tiến hành các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy vì mục đích quốc phòng, an ninh; quy định về kho lưu mẫu quốc gia, kho lưu mẫu trung gian; việc lập dự trù nhu cầu mẫu ma túy và điều kiện đảm bảo khác cho các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy vì mục đích quốc phòng, an ninh cần phải được quy định chi tiết, cụ thể hơn nữa, nhằm tạo thuận lợi cho quá trình triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, thực tiễn triển khai các quy định của pháp luật về phòng, chống và kiểm soát ma túy vì mục đích quốc phòng, an ninh vẫn còn gặp những khó khăn, vướng mắc như: hệ thống mẫu chuẩn chất ma tuý để phục vụ công tác giám định còn thiếu về chủng loại, đặc biệt là các mẫu chuẩn chất ma tuý mới.
Việc lấy mẫu chất ma tuý phục vụ công tác huấn luyện nghiệp vụ cho lực lượng phòng, chống ma tuý còn gặp khó khăn do không có nguồn mẫu và chưa có quy định về việc lấy mẫu chất ma tuý là vật chứng từ các vụ án về ma tuý.
Ngoài ra, việc bảo quản, quản lý mẫu chất ma tuý tại nhiều đơn vị còn tự phát, chưa có quy trình thống nhất, ảnh hưởng đến chất lượng mẫu chất ma tuý trong quản lý, sử dụng, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, thất thoát trong quá trình quản lý.
Vì vậy, Bộ Công an cho rằng, việc xây dựng và ban hành Thông tư quy định một số hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy vì mục đích quốc phòng, an ninh là cần thiết, tạo sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và thuận lợi cho các lực lượng trong quá trình tiến hành các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, góp phần nâng cao hiệu quả, đáp ứng kịp thời yêu cầu công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy.
Dự thảo Thông tư gồm 3 chương, 14 điều và 11 biểu mẫu, quy định về các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy vì mục đích quốc phòng, an ninh gồm: Nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển chất ma túy, tiền chất; nhập khẩu, lấy mẫu, bảo quản, phân phối, sử dụng, xử lý mẫu chất ma túy; thẩm quyền cấp phép, đơn vị tiến hành các hoạt động các hoạt động này; hồ sơ, sổ sách quản lý và các biểu mẫu sử dụng trong các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy vì mục đích quốc phòng, an ninh.
Đáng chú ý trong dự thảo Thông tư là quy định về nghiên cứu chất ma túy, tiền chất vì mục đích quốc phòng, an ninh.
Theo dự thảo, nghiên cứu chất ma tuý, tiền chất vì mục đích quốc phòng, an ninh là hoạt động tìm hiểu, quan sát, thí nghiệm… dựa trên tài liệu, dữ liệu thu thập được để chứng minh, phát hiện ra bản chất, quy luật chung hoặc những mô hình mới có ý nghĩa thực tiễn liên quan đến chất ma tuý, tiền chất của các đơn vị, cá nhân có thẩm quyền vì mục đích quốc phòng, an ninh.
Tại dự thảo, Bộ Công an đề xuất hồ sơ đề nghị và trình tự, thủ tục cấp giấy phép nghiên cứu chất ma tuý, tiền chất thực hiện theo Luật Khoa học và Công nghệ; Thông tư 20/2022/TT-BCA ngày 29/4/2022 của Bộ Công an quy định quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong Công an nhân dân.
Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an chủ trì, phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý và các đơn vị liên quan của Bộ Công an chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, giám sát hoạt động nghiên cứu chất ma tuý, tiền chất vì mục đích quốc phòng, an ninh.
Các đơn vị được cấp giấy phép tiến hành hoạt động nghiên cứu chất ma tuý, tiền chất vì mục đích quốc phòng, an ninh có trách nhiệm gửi hồ sơ nghiên cứu chất ma tuý, tiền chất về Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý và chịu sự kiểm tra, giám sát theo quy định trên và quy định tại Điều 15 Nghị định 105/2021/NĐ-CP ngày 4/12/2021 của Chính phủ.
Dự thảo Thông tư cũng nêu rõ, cơ quan cấp phép và đơn vị được tiến hành hoạt động nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển chất ma túy, tiền chất vì mục đích quốc phòng, an ninh gồm: Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý, Bộ Công an (cơ quan cấp phép của Bộ Công an); Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an (đơn vị được phép nhập khẩu và sản xuất mẫu chất ma túy).
Đơn vị được quản lý, sử dụng mẫu chất ma túy gồm các đơn vị thuộc lực lượng Công an nhân dân (đơn vị chức năng thuộc Viện Khoa học hình sự; Phòng Kỹ thuật hình sự Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc lực lượng Công an nhân dân; Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động; Phòng Cảnh sát cơ động thuộc Công an cấp tỉnh; các cơ sở đào tạo người làm công tác phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Bộ Công an).
Các đơn vị thuộc lực lượng Quân đội nhân dân (cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc lực lượng Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển Việt Nam; Các cơ sở đào tạo người làm công tác phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Bộ Quốc phòng); Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính (cơ sở đào tạo người làm công tác phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Tổng cục Hải quan; Các đơn vị huấn luyện động vật nghiệp vụ để phát hiện ma túy thuộc Tổng cục Hải quan).
Dự thảo Thông tư quy định một số hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy vì mục đích quốc phòng, an ninh đang được Bộ Công an lấy ý kiến đến hết ngày 28/12/2024.