Giải pháp bền vững chống biến đổi khí hậu
Những năm gần đây, tre, gỗ biến tính, các loại vật liệu tương tự gỗ tự nhiên đã trở nên phổ biến như một vật liệu kiến trúc cao cấp với tính bền vững và tính thẩm mỹ cao; được các kiến trúc sư cũng như nhà thiết kế trên khắp thế giới ưa chuộng. Quan trọng hơn, đây là giải pháp xây dựng bền vững, chống biến đổi khí hậu...
Vật liệu tương lai
Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, ngành xây dựng chiếm tới 38% lượng khí thải CO2 toàn cầu. Điều này đã thúc đẩy các kiến trúc sư, nhà thầu và chủ đầu tư tìm kiếm các giải pháp vật liệu mang tính bền vững hơn. Trong những lựa chọn tối ưu thì vật liệu từ tre, gỗ luôn được quan tâm hàng đầu.
Cây tre đã được sử dụng cho công trình trong nhiều thế kỷ và quen thuộc ở các nước châu Á. Theo nghiên cứu thì tre hấp thụ lượng CO2 gấp 4 lần các cây khác. Tre sinh trưởng rất nhanh nên có thể giữ lại lượng CO2 cực lớn, được ví như một “bể chứa carbon” khổng lồ, một giải pháp tự nhiên có ý nghĩa quan trọng trong việc hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu. Và ở nhiều nơi, tre, gỗ được sử dụng như một giải pháp thay thế khả thi cho các vật liệu xây dựng truyền thống như thép và bê tông.
Một số nước ở châu Âu, châu Mỹ xây dựng những ngôi nhà chọc trời hoàn toàn bằng gỗ, chỉ kèm một chút kết cấu bê tông bên trong và ứng dụng khoa học công nghệ vào thi công, hướng tới không dùng vật liệu hóa thạch, giảm thiểu tác hại đến môi trường.
Đánh giá về độ bền sản phẩm làm từ tre, ông Đặng Đình Trạm - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vật liệu xanh Ali Việt Nam, người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực vật liệu từ tre khẳng định, độ bền của các sản phẩm từ tre không thua kém các sản phẩm từ gỗ. Có thể thấy nếu chúng ta thu hoạch 1 cây tre mà đủ độ tuổi già thì kết cấu của vật liệu tre sẽ rất bền vững. Với phương pháp xử lý công nghiệp như hiện nay thì chúng ta tạo ra được những vật liệu có đặc tính kỹ thuật tương tự gỗ tự nhiên (nhóm 2, nhóm 3). Vật liệu từ tre này cứng hơn gỗ sồi đến 25% và có độ bền tương tự gỗ tự nhiên.
Ông Trạm cho biết thêm, trồng tre sẽ có thêm lợi ích đến môi trường là cây tre còn giữ đất khỏi bị xói mòn, hấp thu lượng khí CO2 nhiều gấp 4 lần so với một khu rừng mới, sản sinh lượng khí ôxy nhiều hơn 35%.
Gỗ biến tính (hay còn gọi là gỗ gia nhiệt, gỗ thermo) là sản phẩm của gỗ công nghiệp sử dụng gỗ nguyên khối tự nhiên thông sự biến đổi nhiệt dưới áp lực và hơi nước cao, nhằm cải thiện các đặc tính tiêu cực vốn có. Khi duy trì nhiệt độ cao như trên, các tính chất vật lý cơ bản của gỗ sẽ dần bị biến đổi theo chiều hướng tốt hơn. Ngày nay gỗ là vật liệu gần như không thể thay thế trong rất nhiều lĩnh vực, tuy có nhiều ưu điểm nhưng hạn chế bởi tính chịu nước không cao, dễ cong vênh, ẩm mốc, phồng rộp khi tiếp xúc với môi trường ẩm cao. Chính vì thế gỗ biến tính ra đời để giải quyết những nhược điểm tồn đọng này để tạo nên một loại vật liệu hoàn thiện hơn.
Cần sự chung tay của cộng đồng
Tại Việt Nam, gỗ biến tính còn khá mới mẻ và có rất ít người biết đến. Do đó cũng không nhiều đơn vị cung cấp sản phẩm này. Các nhà máy xử lý biến tính gỗ hiện tại còn có quy mô nhỏ và chưa thực sự tiên tiến, hiện đại, dẫn đến việc không đáp ứng đủ yêu cầu kỹ thuật cho các dự án và công trình lớn. Trong khi đó, với thị trường nước ngoài thì gỗ biến tính được sử dụng khá rộng rãi, chủ yếu để giúp các loại gỗ chất lượng như gỗ cao cấp hoặc dùng ngoài trời. Hiện Việt Nam là một trong những nước thuận lợi để phát triển ngành tre công nghiệp với hơn 1,5 triệu ha rừng tre nguyên liệu, chủ yếu tập trung ở khu vực miền núi phía bắc Thanh Hóa, Nghệ An, Hòa Bình, Sơn La...
Ông Đỗ Quốc Thái - Chủ tịch Công ty Bamboo King Vina tại Thanh Hóa cho hay, xu hướng vật liệu tự nhiên sẽ lên ngôi trong tương lai. Mong muốn đưa ra thị trường vật liệu thân thiện môi trường, có khả năng cách nhiệt tốt, dẻo dai chống gió bão… biến sản phẩm giá trị thấp thành giá trị cao, phục vụ thị trường trong nước và đưa ra quốc tế. Tuy nhiên, đầu tư sản xuất vật liệu truyền thống gặp rất nhiều khó khăn về thủ tục hành chính pháp lý; chưa có chính sách xuyên suốt của Chính phủ để phát triển một ngành nghề mang lại giá trị kinh tế lớn, tạo thu nhập cho người dân; không có công nhân lành nghề; không có viện nghiên cứu để giúp đỡ doanh nghiệp như những nước khác…
Theo ông Thái, muốn phát triển vật liệu xây dựng tự nhiên cần ý thức của cả cộng đồng. Vì Việt Nam cam kết sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính để đạt mức phát thải ròng bằng 0, Net Zero vào năm 2050. Do đó, rất cần có chính sách nhà nước để định hình, thông tin giúp người dân hiểu được giá trị sản phẩm với bảo vệ môi trường, tốt cho sức khoẻ cũng như có tính bền vững cao.