Xã hội

Yên Sơn: Biến Chương trình Mục tiêu quốc gia thành động lực mạnh mẽ phát triển KTXH

Xuân Trường 31/10/2024 09:36

Với quyết tâm không để ai bị bỏ lại phía sau, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) đã chú trọng triển khai, biến Chương trình mục tiêu quốc gia thành động lực mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy phát triển KTXH, từng bước nâng cao đời sống của người dân.

Nhằm triển khai thực hiện hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021-2025, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Yên Sơn đã lãnh, chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến các xã.

858047b4-6b2f-4d48-bd98-129b414967d6.jpg
Yên Sơn coi phát triển kinh tế rừng là mũi nhọn trọng tâm trong mục tiêu phát triển KTXH bền vững. Ảnh: Xuân Trường.

UBND huyện đã cùng Phòng Dân tộc rà soát kỹ nhiều nội dung để từ đó xây dựng, ban hành các kế hoạch thực hiện từng chương trình cụ thể cho cả giai đoạn. Nghiên cứu kỹ các văn bản hướng dẫn của Trung ương, UBND tỉnh để ban hành kịp thời các cơ chế, chính sách cho phù hợp với từng xã, từng đối tượng thụ hưởng. Vì vậy, việc tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia đã thu được nhiều hiệu quả tích cực, góp phần tạo bước đệm cho nhiều hộ gia đình thoát nghèo, sớm vươn lên có cuộc sống no đủ, hạnh phúc.

UBND huyện Yên Sơn sớm chỉ đạo các cơ quan đơn vị, Phòng Dân tộc chủ động phối hợp với các sở, ban ngành, UBND các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) tổng hợp nhu cầu và đề xuất kế hoạch phân bổ vốn giai đoạn, năm; tổng hợp những khó khăn, vướng mắc tại cơ sở, tham mưu đề xuất UBND huyện chỉ đạo tháo gỡ; đề xuất, kiến nghị kịp thời, tiếp tục phát huy tốt hơn nữa những ưu điểm đã đạt được, đảm bảo chính sách hỗ trợ đạt được mục tiêu, kế hoạch đề ra.

cd45f4ad-1dad-4f73-a23e-3da98be1163c.jpg
Nhà văn hóa thôn Ngòi Nghìn, xã Đạo Viện nơi có 100% đồng bào là người Mông sinh sống, được nhà nước đầu tư xây mới với đầy đủ nội thất, tạo thuận lợi cho người dân sinh hoạt, hội họp, thể dục thể thao hàng ngày. Ảnh: Xuân Trường.

Căn cứ vào nội dung của từng dự án, tiểu dự án, UBND huyện đã giao cho các cơ quan, đơn vị có liên quan và UBND các xã theo chức năng nhiệm vụ chủ trì, phối hợp triển khai thực hiện Chương trình nhằm nâng cao tính chủ động, linh hoạt trong quản lý, tổ chức thực hiện các nội dung, các dự án, các tiểu dự án thuộc Chương trình. Phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư tham gia vào quá trình lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện chương trình; người dân phấn khởi đồng tình ủng hộ, tham gia tích cực.

5954cebd-7eff-4f8f-86da-db205853e675.jpg
Ông Lê Bình Trọng – Trưởng thôn 4 (xã Đạo Viện, Yên Sơn) đã mấy chục năm hoạt động công tác xã hội, tích cực vận động người dân chăm lo sản xuất phát triển kinh tế, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, là người uy tín của thôn bản. Ảnh: Xuân Trường.

Tham gia công tác thôn bản từ năm 1995, ông Lê Bình Trọng – Trưởng thôn 4 (xã Đạo Viện, Yên Sơn) bộc bạch cho biết: “Thôn có 147 hộ với gần 400 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số: Tày, Nùng, Dao, Mông, Sinh Mun,…năm 2023 có 89 hộ nghèo, đến nay chỉ còn 29 hộ nghèo. Người dân được hỗ trợ nhiều, đời sống kinh tế đã bớt khó khăn, tuy nhiên nhận thức xã hội của nhiều người còn hạn chế lên phát triển kinh tế hộ gia đình còn chậm”.

Được sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Huyện ủy, UBND huyện Yên Sơn, nhiều năm qua, Phòng Dân tộc huyện Yên Sơn đã luôn bám sát các nội dung Chương trình MTQG, bám sát địa bàn từng thôn, từng xã để triển khai có hiệu quả toàn bộ các dự án, tiểu dự án như yêu cầu Chương trình đã đề ra. Hiệu quả từ Chương trình đạt được đã góp phần không nhỏ cho phát triển KTXH, làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Đến nay huyện Yên Sơn có 16/27 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới (chiếm 59,3%). UBND tỉnh đã có quyết định công nhận 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Hàng nghìn hộ dân được hưởng lợi chính sách đã thoát nghèo và đang dần ổn định cuộc sống no đủ.

e99c9b5a-bfdf-4980-98c5-fc56e094bb9f.jpg
Ông Hoàng Văn Hạ - Cán bộ văn phòng UBND xã Đạo viện đến thăm hỏi, động viên, chúc mừng gia đình Cựu chiến binh chống Mỹ, ông Bùi Thế Phiên (bên trái) được hỗ trợ tiền để xây nhà mới kiên cố. Ảnh: Xuân Trường.

Chia sẻ với Báo Đại Đoàn Kết về hiệu quả thực hiện các Chương trình MTQG, bà Trần Thị Bình Phước – Trưởng phòng Dân tộc huyện Yên Sơn cho biết: “Với quyết tâm cao của các cấp chính quyền nhằm thu hẹp khoảng cách đời sống KTXH của đồng bào DTTS so với vùng kinh tế phát triển. Huyện đã có nhiều chính sách hỗ trợ triển khai đồng bộ, từng bước đáp ứng được về cơ sở vật chất, hạ tầng như: điện, đường, trường, trạm; đời sống người dân được cải thiện đáng kể; nhận thức cũng đang thay đổi theo hướng tích cực và có động lực phấn đấu vươn lên. Nguồn vốn từ các Chương trình MTQG đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, đặc biệt về cách nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế và đời sống của đồng bào DTTS; hàng nghìn hộ dân đã thoát nghèo nhờ chính sách thiết thực của Chương trình”.

Cựu chiến binh chống Mỹ, ông Bùi Thế Phiên (73 tuổi, xã Đạo Viện, Yên Sơn) xúc động chia sẻ: “Gia đình thuộc diện khó khăn nhiều năm, được nhà nước hỗ trợ tiền xây nhà kiên cố, cấp cho bồn nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh; gia đình rất cảm động, phấn khởi và biết ơn Đảng, nhà nước đã quan tâm giúp đồng bào DTTS vượt qua nghèo khó, tạo niềm tin và động lực vươn lên”.

Theo báo cáo thống kê, đến nay huyện Yên Sơn đã triển khai 44/45 dự án phát triển sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN năm 2023-2024; Tỷ lệ giải ngân 5.081/51.556 triệu đồng, đạt 9,86%. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2024 đã giải ngân 17.203,9/35.604,6 triệu đồng, đạt 48,3%...

1162a74f-be50-4c95-868a-14e5c202d791.jpg
Được nhà nước hỗ trợ tiền, ngôi nhà mới của gia đình anh Lù Seo Câu (xã Đạo Viện, Yên Sơn) được xây kiên cố, cả nhà không phải sống trong căn nhà cũ nát, gia đình thoát cảnh khó khăn, yên tâm tăng gia sản xuất ổn định cuộc sống. Ảnh: Xuân Trường.

Riêng Dự án nước sạch phân tán, từ năm 2022 Phòng Dân tộc huyện đã phối hợp với UBND 24 xã trong huyện, cấp phát đến tay người dân thuộc đồng bào dân tộc tiểu số có hoàn cảnh khó khăn là 1.780 bồn inox, cụ thể: Năm 2022 (198 bồn), Năm 2023 (1.112 bồn) và Năm 2024 (470 bồn). Với người dân đây là món quà vô cùng ý nghĩa, giúp cuộc sống sinh hoạt của gia đình thuận lợi và an toàn hơn; củng cố thêm niềm tin đối với Đảng và chính quyền.

Ông Hoàng Văn Hạ – Chánh văn phòng UBND xã Đạo Viện (huyện Yên Sơn) chia sẻ: “Nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia đã giúp hộ nghèo, cận nghèo thuộc đồng bào là người DTTS trên địa bàn xã được hưởng lợi trực tiếp; hơn 90% đường liên thôn đã được bê tông hóa, 100% các hộ gia đình đã có điện, nước sạch sinh hoạt;…hạ tầng cơ sở vật chất được cải thiện tốt đã làm thay đổi nhanh chóng nhận thức và động lực vươn lên của đại đa số người dân; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào là người DTTS trên địa bàn xã được nâng lên rõ rệt, không còn hộ thiếu đói, người dân phấn khởi, dần bớt trông chờ vào hỗ trợ của nhà nước”.

Để tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các Chương trình MTQG, huyện Yên Sơn xác định tập trung nguồn lực, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp xã; phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ các chương trình MTQG năm 2024 và giai đoạn 2021 - 2025.

Tăng cường đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền trên các nền tảng xã hội: Truyền hình, truyền thanh, báo điện tử, facebook,… tiếp thu theo hướng đổi mới, sáng tạo, hiệu quả, thiết thực, đi vào chiều sâu. Tập trung chỉ đạo quyết liệt, đẩy mạnh tiến độ giải ngân các nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đảm bảo kịp thời, hiệu quả.

Nâng cao chất lượng công tác xây dựng kế hoạch thực hiện các chương trình MTQG năm 2024. Triển khai hiệu quả các nội dung, tiểu dự án, dự án thành phần của từng chương trình MTQG theo hướng ưu tiên các nguồn lực cho các xã, thôn phấn đấu thoát diện đặc biệt khó khăn. Tổ chức phát động và đẩy mạnh phong trào thi đua thực hiện các chương trình MTQG nhằm phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, năng động, sáng tạo của người dân; khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của các địa phương; gắn phát triển du lịch bền vững từ những bản sắc văn hóa đặc sắc riêng có của đồng bào DTTS đang lưu giữ.

Là huyện có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế từ trồng cây lâm nghiệp, chăn nuôi, trồng cây ăn trái. Yên Sơn đã và đang tiếp tục khơi dậy tinh thần đoàn kết, truyền cảm hứng tạo động lực cho mọi cán bộ, đảng viên, nhân dân cùng chung sức, đồng lòng quyết tâm cao thực hiện hoàn thành tốt các mục tiêu mà Đại hội đảng bộ huyện Yên Sơn lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra. Phấn đấu sớm đưa Yên Sơn trở thành huyện phát triển toàn diện về mọi mặt theo hướng bền vững.

Xuân Trường