Công nghệ

Gỡ 'điểm nghẽn' chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin

Lê Bảo 01/11/2024 16:04

Ông Tô Hồng Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cho rằng, yếu tố then chốt trong chuyển đổi số là nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) có chất lượng cao. Chính vì vậy, Bộ GDĐT đã xây dựng đề án phát triển nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghệ số, dự kiến trình Thủ tướng trong quý IV năm nay.

Ngày 1/11, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo "Giải mã nghịch lý ngành công nghệ: Đại bàng gõ cửa nhưng nhân lực khép lại" do Hệ thống Đào tạo lập trình viên quốc tế Aptech phối hợp với Trường phổ thông liên cấp Đa trí tuệ (MIS) tổ chức.

mis02471.jpg
Các đại biểu tham dự hội nghị.

Sự kiện lần đầu tiên nêu bật thực trạng bất cập khi Việt Nam, dù là điểm đến hấp dẫn của các "ông lớn" công nghệ như: Apple, NVIDIA, và Intel, vẫn gặp khó khăn trong việc cung cấp nhân lực CNTT chất lượng cao. Theo đó, các diễn giả đã phân tích nguyên nhân thiếu hụt nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn lớn và thảo luận các giải pháp cải thiện hệ thống đào tạo, nhằm chuẩn bị đội ngũ nhân lực sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư công nghệ quốc tế.

Theo thống kê của TopDev - Nền tảng tuyển dụng nhân lực ngành CNTT hàng đầu Việt Nam, thị trường lao động trong lĩnh vực này đang đối mặt với bài toán "thiếu hụt" kép: thiếu hụt về số lượng và chất lượng nhân lực. Dự báo cho thấy, năm 2024, Việt Nam sẽ cần đến 500.000 lao động CNTT, tuy nhiên con số này hiện chỉ đáp ứng được khoảng 300.000, dẫn đến tình trạng thiếu hụt lên đến 200.000 người.

Nhu cầu tuyển dụng trong ngành CNTT được dự đoán sẽ tiếp tục tăng cao trong những năm tới, đặc biệt là ở các vị trí đòi hỏi chuyên môn cao như kỹ sư công nghệ, kỹ thuật viên, lập trình viên. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do tốc độ phát triển nhanh chóng của ngành CNTT cùng với sự thiếu hụt nguồn nhân lực được đào tạo bài bản.

Ông Ngô Thanh Hiền, Giám đốc Công nghệ IBM Việt Nam cho biết, khi IBM mở trung tâm gia công phần mềm tại Việt Nam vào năm 2002, dù kỳ vọng tăng số lượng lập trình viên nhưng thực tế là việc tìm kiếm các lập trình viên có kỹ năng lại là một thách thức lớn. Sau hơn một thập kỷ, số lượng lập trình viên tuy đã tăng nhưng vấn đề chất lượng vẫn tồn tại, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm.

mis02525.jpg
Đại diện Aptech Việt Nam và Trường MIS kí kết hợp tác về đào tạo ngành CNTT cho học sinh

Đánh giá về chất lượng nguồn nhân lực CNTT, ông Tô Hồng Nam cho rằng, hiện đang có một nghịch lý: Nhiều cử nhân CNTT vẫn thất nghiệp trong khi doanh nghiệp không tìm được nhân lực đáp ứng yêu cầu. Để giải quyết vấn đề này, ông đề xuất triển khai việc đào tạo CNTT ngay từ cấp THPT và thậm chí sớm hơn, để học sinh được trang bị nền tảng kiến thức về STEM, lập trình và tư duy logic từ sớm.

Tại hội thảo các đại biểu cũng tập trung vào mô hình đào tạo CNTT ở các nước tiên tiến, trong đó chương trình học được phân bổ hợp lý giữa các cấp học, nhằm giúp học sinh có nền tảng CNTT trước khi bước vào đại học. Ví dụ, trong chương trình giáo dục THPT tại Mỹ và Anh, môn tin học được bắt buộc với các mạch kiến thức về ứng dụng công nghệ, khoa học máy tính, giúp học sinh làm quen với các công nghệ lập trình cơ bản và xác định hướng đi nghề nghiệp trong lĩnh vực CNTT từ sớm.

Lê Bảo