Rủi ro tiềm ẩn khi mua sắm trên Temu
Với mức giá rẻ giật mình, chất lượng hàng hóa trên nền tảng Temu khiến nhiều khách hàng lo ngại vì rất có thể mua phải hàng giả, hàng nhái không đảm bảo hoặc không đúng như mô tả.
Chưa đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương
Tại Việt Nam, nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới Temu thu hút sự chú ý lớn của người tiêu dùng. Tuy nhiên, theo văn bản 8598/BCT-TMĐT của Bộ Công Thương, Temu và một số nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới đã tiến hành các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam nhưng vẫn chưa tiến hành đăng ký hoạt động với Bộ này.
Để tăng cường quản lý nhà nước về thương mại điện tử, trong đó có các sàn này, ngày 26/10, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã yêu cầu Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tăng cường truyền thông, hướng dẫn người tiêu dùng thận trọng khi thực hiện mua sắm trực tuyến trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới nói chung và các nền tảng như Temu, Shein, 1688… nói riêng.
"Đặc biệt, tuyệt đối không thực hiện giao dịch với các nền tảng khi chưa được Bộ Công Thương xác nhận đăng ký tại Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử", Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Bộ cũng yêu cầu Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tham mưu cho Lãnh đạo Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu phương án giám sát, quản lý hàng hóa nhập khẩu lưu thông qua các sàn thương mại điện tử chưa tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam.
Chủ động liên hệ với đội ngũ pháp lý của Temu yêu cầu tuân thủ pháp luật hiện hành của Việt Nam, trong trường hợp cần thiết có thể phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông có giải pháp kỹ thuật ngăn chặn phù hợp. Thời gian thực hiện trong tháng 10/2024.
Bộ Công Thương cũng yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp với Tổng cục Hải quan tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý kho hàng, điểm tập kết hàng hóa (nếu có) của các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới chưa được cấp đăng ký.
Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Công Thương, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số đã tiến hành rà soát tổng thể về tác động cũng như các giải pháp đối với các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới (trong đó có Temu) để đảm bảo các nền tảng này cần tuân thủ các quy định pháp luật khi hoạt động tại Việt Nam.
Đại diện Cục cho biết, Bộ đã liên hệ và làm việc trực tiếp với đội ngũ pháp lý của các nền tảng xuyên biên giới thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật Việt Nam để yêu cầu các nền tảng này thực hiện các bước đăng ký chính thức và tuân thủ các tiêu chuẩn về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, minh bạch thông tin và an toàn dữ liệu.
Bộ Công Thương cảnh báo rủi ro khi mua sắm
Đối với các ý kiến đề nghị cấm các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, cơ quan quản lý cho rằng việc này cần được xem xét một cách tổng thể, thận trọng. Cần có đánh giá tổng thể về tác động của các nền tảng này đối với thị trường Việt Nam, bao gồm cả các khía cạnh kinh tế, xã hội và pháp lý.
Đại diện Cục Thương mại điện tử và kinh tế số thông tin thêm, trước mắt, Bộ Công Thương thực hiện các biện pháp khuyến cáo người tiêu dùng về những rủi ro khi mua sắm từ các sàn này. Điều này nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và nâng cao nhận thức về các rủi ro liên quan đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ khách hàng và các vấn đề pháp lý khác.
Temu xuất hiện tại Việt Nam từ cuối tháng 9 với hàng loạt quảng cáo rầm rộ trên các nền tảng mạng xã hội như: "mừng khai trương giảm giá đến 90%", gói giảm giá trị giá 490.000 đồng cho tất cả người dùng, chỉ cần mở tài khoản tiếp thị liên kết Temu sẽ có ngay 50.000 đồng, thu hút mỗi lượt đăng ký bằng đường link giới thiệu nhận thêm 150.000 đồng. Đặc biệt, hoa hồng sàn này lên đến 10 - 30%; quá trình giao hàng tới Việt Nam chỉ từ 4 đến 7 ngày và miễn phí vận chuyển cho tất cả đơn hàng.
Những ưu đãi siêu khủng của nền tảng này cùng với việc nhiều mặt hàng được giảm giá sâu, thậm chí lên tới 90% khiến không ít người đặt ra nghi vấn về rủi ro khi mua hàng trên nền tảng này.
Với mức giá rẻ giật mình, chất lượng hàng hóa trên nền tảng này khiến nhiều khách hàng lo ngại vì rất có thể mua phải hàng giả, hàng nhái không đảm bảo hoặc không đúng như mô tả.
Khách hàng phải thanh toán trước khi nhận được sản phẩm thông qua thẻ tín dụng hoặc Apple/Google Pay, vì vậy, trong trường hợp sản phẩm nhận được không đảm bảo chất lượng, việc phản hồi lại với nhà cung cấp, quá trình đổi trả và hoàn tiền cũng vô cùng khó khăn, có thể mất nhiều thời gian và gây phiền phức cho người tiêu dùng.
Vì vậy, người tiêu dùng cần cẩn trọng khi mua hàng trên sàn Temu để tránh "tiền mất tật mang".
Temu bị EU điều tra vì bán sản phẩm bất hợp pháp
Hãng tin Reuters đưa tin, ngày 31/10, Liên minh châu Âu (EU) cho biết sẽ điều tra sàn thương mại điện tử Temu của Trung Quốc với cáo buộc không minh bạch trong buôn bán hàng hóa.
Ủy ban Châu Âu (EC) đã mở cuộc điều tra theo Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA), yêu cầu các nền tảng trực tuyến lớn như Temu phải hành động nhiều hơn để giải quyết nội dung bất hợp pháp và có hại trên nền tảng sau khi nhận được khiếu nại từ tổ chức người tiêu dùng toàn châu Âu (BEUC) và 17 quốc gia thành viên EU.
Temu phát triển nhanh chóng trên thị trường EU, bán mọi thứ từ mỹ phẩm đến quần áo cũng như đồ nội thất và công nghệ, được cung cấp trực tiếp tại Trung Quốc cho khoảng 100 triệu người dùng.
Tuy nhiên, nhiều cơ quan chức năng trên khắp châu Âu đã nêu lên mối lo ngại về việc bán các sản phẩm giả, dược phẩm, mỹ phẩm và đồ chơi, đặc biệt là ở Đức, Đan Mạch và Ireland, nơi công ty có trụ sở chính tại EU.
Cuộc điều tra của EU cũng sẽ tập trung vào thiết kế của Temu, được cho là có khả năng gây nghiện, bao gồm các chương trình có thưởng và hệ thống đề xuất người dùng mua hàng. Nếu bị phát hiện vi phạm DSA, công ty có thể phải đối mặt với khoản tiền phạt lớn.
Phản hồi về những nội dung này, Temu cho biết công ty sẽ hợp tác với các cơ quan quản lý của EU. Doanh nghiệp sẽ thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ của mình, liên tục đầu tư để tăng cường hệ thống tuân thủ và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trên nền tảng.