Xã hội

Hiện trường sạt lở bờ sông Đuống đoạn qua trung tâm Hà Nội

Quốc Thanh 01/11/2024 21:33

Chính quyền địa phương đã cho phong tỏa khu vực bờ sông Đuống (đoạn qua phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội) do bị sạt lở.

20241101_133141.jpg
Ngày 1/11, ghi nhận của phóng viên, khu vực sạt lở xảy ra cuối ngõ 296 phố Bắc Cầu (cạnh nhà văn hóa tổ dân phố số 38, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội). Được biết, tình trạng sạt lở xảy ra vào ngày 29/10.
20241101_133312.jpg
Hiện khu vực này đang được chính quyền phường Ngọc Thụy phong toả vì vết sạt lở vẫn tiếp tục lấn sâu và lan rộng, gây nguy hiểm đến tài sản và tính mạng người dân.
20241101_133913.jpg
Qua tìm hiểu, đã có 2 xe tải, 1 xe xúc cùng hàng trăm m2 nhà xưởng bị hư hại sau vụ sạt lở. Rất may là không có thiệt hại về người.
20241101_133610.jpg
Một ngôi nhà kiên cố tại khu vực này đã bị sập phần mái tôn, trên tường xuất hiện nhiều vết nứt, vỡ lớn.
20241101_133525(1).jpg
Nhiều vết nứt lớn trên tường nhà nằm cạnh bờ sông Đuống.
20241101_133712.jpg
Tại đây, đất ở rìa sông đã bị sạt nhiều mảng lớn rơi xuống sông. Hiện vết sạt lở vẫn lấn sâu, lan rộng, có khả năng tiếp tục gây ra thiệt hại.
20241101_133737.jpg
Hiện trường đổ nát do sạt lở bên trong một ngôi nhà kiên cố. Theo ông Vũ Anh Tuấn (58 tuổi, ở phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội), sạt lở xảy ra 3 ngày trước. Từ lâu lắm rồi khu vực này mới xảy ra sụt lún như vậy. Khu vực này người dân sống ổn định từ bao năm nay không xảy ra vấn đề gì, kể cả đợt mưa bão Yagi vừa qua nhiều nơi bị ngập nhưng khu vực này không vấn đề gì cả. "Có thể do ảnh hưởng đợt mưa lũ do bão Yagi vừa rồi, nước dâng cao, cộng với ở đây có hiện tượng đổ đất lấn sông có thể là những nguyên nhân gây ra vụ sạt lở", ông Tuấn cho biết.
20241101_134117.jpg
Ngay sát khu vực sạt lở, một công trình đã xây xong phần móng, bên cạnh máy móc và vật liệu xây dựng đang được tập kết.

Theo báo cáo của UBND quận Long Biên, tình hình sạt lở đất khu vực bờ bãi sông Hồng, sông Đuống tại tổ 38 phường Ngọc Thụy diễn biến khá phức tạp.

Tại khu vực bãi sông Hồng, xảy ra hiện tượng sạt lở đất cách chân đê 2.500 m, chiều dài khu vực sạt lở 25 m, có độ chênh cao 2-4 m, chiều rộng khối sạt lở 1,5-2 m. Khu vực sạt lở đã ảnh hưởng đến hai hộ dân. Hiện khu vực sạt lở tiếp tục phát triển về phía hạ lưu 15 m, chiều rộng khối sạt phát triển sâu vào vùng bãi 1-1,5 m. Tổng chiều dài cung sạt lở khoảng 40 m, độ chênh 3-4 m, chiều rộng 2,5-3,5 m.

Tại sông Đuống, chiều dài khu vực sạt lở khoảng 20 m, độ chênh 3-4 m, chiều rộng khối sạt 2-3 m. Khu vực sạt lở ảnh hưởng đến diện tích đất vườn trồng cây của hộ ông Lê Văn Công.

Nguyên nhân sạt lở được xác định do bờ sông có độ dốc cao, địa chất đất khu vực sạt lở là đất, cát bồi và đất tôn tạo có độ liên kết kém; mưa nhiều, nước ngầm từ trong bãi chảy ra cũng là nguyên nhân gây nên hiện tượng sạt lở sông Hồng, sông Đuống.

Quốc Thanh