'Vô danh nên vô trách nhiệm?'
Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông về kết quả thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội về lĩnh vực thông tin và truyền thông cho rằng, sự phát triển quá nhanh của công nghệ trong khi công tác quản lý chưa theo kịp đã khiến không gian mạng, đặc biệt là mạng xã hội trở thành “mảnh đất màu mỡ” cho một số hành vi vi phạm pháp luật.
Một số người khi tham gia sử dụng mạng xã hội có suy nghĩ mạng xã hội là “vô danh nên vô trách nhiệm”. Những người này dùng tài khoản ảo, nặc danh để phát ngôn với suy nghĩ “không sợ bị phát hiện, xử lý”.
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết sẽ phối hợp Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch áp dụng biện pháp hạn chế sự xuất hiện các sản phẩm nghệ thuật biểu diễn của người nổi tiếng trên báo chí, mạng xã hội khi những người này vi phạm về pháp luật hoặc vi phạm Quy tắc ứng xử trên không gian mạng.
Đó là việc làm cần thiết, được dư luận hoan nghênh khi thời gian qua không ít người, trong đó có nhiều người nổi tiếng không ý thức được trách nhiệm của mình, đã lên mạng quảng cáo sản phẩm sai sự thật, thậm chí là những nội dung trái thuần phong mỹ tục. Không ít người còn làm video nhảm nhí, lan truyền những kiến thức, quan niệm lệch lạc để kiếm tiền. Dư luận cho rằng, chỉ phạt tiền thôi là không đủ, mà cần gỡ bỏ clip, cấm tham gia hoạt động trên mạng, thời gian cấm tùy theo mức độ ảnh hưởng/gây hại.
Đáng lo ngại, hình thức quảng cáo thông qua những người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng lại gây tác động rất lớn đến xã hội. Nhiều người dùng mạng xã hội, đặc biệt là các nghệ sĩ nổi tiếng giới thiệu, mời chào, quảng cáo cho các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng nhưng bản thân lại không ý thức được thì cần phải được điều chỉnh hành vi bằng biện pháp chế tài có tính tổng hợp.
Đối với những người vì động cơ vụ lợi kinh tế, đã tạo dựng tin giả, tin sai sự thật, phát tán trên không gian mạng; gây rối loạn về thông tin nhằm dẫn dắt dư luận; lợi dụng các sự kiện nóng, các vấn đề thu hút sự quan tâm của xã hội để tạo dựng thông tin giả mạo, đánh lừa dư luận cũng cần phải xử lý nghiêm.
Không có chuyện dùng Internet “vô danh nên vô trách nhiệm”, nhất là khi cho rằng khi cung cấp, phát tán thông tin trên các nền tảng mạng xã hội của nước ngoài khó bị phát hiện danh tính, không sợ bị xử lý nên tùy tiện phát ngôn mà không nghĩ đến hậu quả, tác động tiêu cực cho xã hội, cho cá nhân, tổ chức bị ảnh hưởng.
Việc làm sạch không gian mạng, nhất là đối với mạng xã hội đã trở nên bức thiết. Công tác đấu tranh phòng, chống tin giả, sai sự thật, phát tán các video phản cảm, độc hại trái thuần phong mỹ tục, nhất là với các đối tượng có ảnh hưởng nhất định trên mạng cần phải được cơ quan chức năng tiến hành xử lý triệt để.
Bởi thực tế cho thấy, cũng thật khó trông đợi vào sự tự giác ở những đối tượng, mà cần áp chế tài để điều chỉnh hành vi. Chế tài đủ mạnh thì mới có tác dụng răn đe, ngăn chặn. Đó là đòi hỏi chính đáng của xã hội, không thể để trên các nền tảng mạng xã hội xuất hiện và tồn tại những nội dung thiếu lành mạnh, ảnh hưởng xấu đến người dùng.
Cùng với chế tài xử lý nghiêm khắc, thì tăng cường hậu kiểm, thường xuyên rà quét thông tin trên mạng xã hội cũng chính là nhằm mục đích ấy.