Quốc tế

Lũ lụt ở Tây Ban Nha: Hai mặt của khủng hoảng khí hậu

Hà Anh 02/11/2024 12:44

Các nhà khoa học cho biết, tình trạng thời tiết khắc nghiệt đang tàn phá Địa Trung Hải là điềm báo về những gì mà phần còn lại của châu Âu có thể sớm phải đối mặt.

Lũ lụt ở tỉnh Cuenca, Tây Ban Nha. Nguồn: EPA.
Lũ lụt ở tỉnh Cuenca, Tây Ban Nha. Nguồn: EPA.

Trận lụt bất ngờ

Người dân Chiva, một thị trấn nhỏ ở ngoại ô Valencia (Tây Ban Nha), có thể phải đối mặt với tương lai ảm đạm của tình trạng hạn hán ngày càng tồi tệ hơn khi hành tinh nóng lên và đất khô cằn. Nhưng vào ngày 29/10, họ đã bất ngờ chứng kiến lượng mưa bằng cả 1 năm chỉ trong vài giờ.

Những trận mưa như trút nước đã gây ngập lụt miền nam và miền đông Tây Ban Nha vào đêm 29/10, phá hủy nhiều cây cầu và nhiều thị trấn, khiến hơn 100 người người tử vong. Theo các quan chức địa phương, đây là trận lũ lụt chết chóc nhất trong lịch sử hiện đại của Tây Ban Nha.

Ô nhiễm nhiên liệu hóa thạch đóng vai trò làm cong vênh cả 2 thái cực của chu trình nước: nhiệt làm bốc hơi nước, khiến con người và cây cối khô héo, nhưng không khí nóng có thể giữ nhiều độ ẩm hơn, làm tăng khả năng xảy ra những trận mưa lớn thảm khốc.

Ông Stefano Materia - một nhà khoa học khí hậu người Italy tại Trung tâm Siêu máy tính Barcelona cho biết, hạn hán và lũ lụt là 2 mặt của biến đổi khí hậu. Các nghiên cứu đã liên kết hạn hán ở Địa Trung Hải với tình trạng khẩn cấp về khí hậu thông qua những thay đổi trong quá trình lưu thông khí quyển cùng lúc với việc nhiệt độ toàn cầu tăng cao, đã làm nóng nghiêm trọng khu vực này.

"Điều này có nghĩa là nhiều năng lượng hơn, nhiều hơi nước hơn và nhiều bất ổn hơn. Tất cả các yếu tố này thúc đẩy những cơn bão khủng khiếp khi điều kiện khí quyển thuận lợi. Những ngày này, biển Địa Trung Hải là một quả bom hẹn giờ" - ông Materia nói.

Tây Ban Nha cùng với Bồ Đào Nha, Italy và Hy Lạp đã phải chịu đựng thực tế khắc nghiệt mà các nhà khoa học khí hậu gọi là mối nguy hiểm kép và tác động dây chuyền. Sóng nhiệt đang biến rừng thành hộp quẹt, gây ra các vụ cháy rừng chết người khiến các thành phố ngạt khói. Hạn hán đang làm khô đất và ngăn đất hấp thụ nước khi mưa lớn. Nguồn cung cấp nước khan hiếm, đã buộc các thành phố như Barcelona phải áp dụng các hạn chế khẩn cấp, khiến các trang trại và khách sạn không còn đủ khả năng tài chính để sống sót sau cú sốc tiếp theo.

Thiệt hại đáng kinh ngạc nhất mà sự cố khí hậu gây ra cho miền nam châu Âu là số người tử vong do nhiệt độ cao. Ngày 29/10, các nhà nghiên cứu từ Viện Sức khỏe toàn cầu Barcelona phát hiện ra rằng, sự cố khí hậu là nguyên nhân gây ra hơn một nửa trong số 68.000 ca tử vong do nắng nóng trong mùa hè nóng nực ở châu Âu năm 2022. Số người chết liên quan đến nắng nóng cao gấp khoảng 10 lần số người bị sát hại ở châu Âu trong năm đó - lớn nhất ở Hy Lạp, Italy, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

Các nhà khoa học cho biết, thời tiết khắc nghiệt đang tàn phá Tây Ban Nha và các nước láng giềng là điềm báo về những gì mà phần còn lại của châu Âu có thể sớm phải đối mặt. Một cuộc khảo sát của Eurobarometer vào tháng 5 cho thấy, 61% người Tây Ban Nha "hoàn toàn đồng ý" rằng, các vấn đề về môi trường có tác động trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của họ. Con số này gần gấp đôi mức trung bình của EU, chỉ đứng sau Malta và Síp. Trong khi đó, các quốc gia Bắc Âu có tỷ lệ người "có xu hướng đồng ý" cao hơn nhiều.

Thúc đẩy hành động vì khí hậu

Việc tiếp xúc với các sự kiện thời tiết khắc nghiệt như trận lũ lụt ở Tây Ban Nha hôm 29/10 có thể thúc đẩy sự ủng hộ cho hành động vì khí hậu, nhưng các chuyên gia cảnh báo không nên cường điệu tác động này. Cuộc thăm dò sau vụ cháy rừng tàn khốc năm 2019 ở Australia cho thấy, những người phủ nhận mối liên hệ khoa học với biến đổi khí hậu "không hề lay chuyển" trước trải nghiệm cá nhân về vụ cháy, mặc dù nhìn chung, số người bị ảnh hưởng ủng hộ hành động ứng phó với biến đổi khí hậu đã tăng lên.

Một nghiên cứu gần đây của Anh cho thấy, việc tiếp xúc với lũ lụt và nắng nóng đã làm tăng sự chấp nhận khoa học về khí hậu, đặc biệt là trong số những cử tri thiên hữu và những người hoài nghi về khí hậu, nhưng lại có tác động không đáng kể đến hành vi bảo vệ môi trường của mọi người.

Các chuyên gia về khí hậu cho rằng, lũ lụt nên đóng vai trò như một lời nhắc nhở để giảm ô nhiễm làm nóng hành tinh và cải thiện các hệ thống cảnh báo sớm cũng như các kế hoạch ứng phó nhanh. Trận mưa như trút nước ở Tây Ban Nha xảy ra 1 tháng sau khi lũ lụt chết người tấn công Trung Âu, Tây Phi và Đông Nam Á, và 2 tuần trước khi các nhà ngoại giao họp tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu Cop29 của Liên hợp quốc ở Azerbaijan.

Bà Liz Stephens - một nhà khoa học về rủi ro khí hậu tại Đại học Reading cho biết: "Hậu quả bi thảm của sự kiện này cho thấy, chúng ta còn một chặng đường dài phía trước. Mọi người không nên chết vì những sự kiện thời tiết được dự báo như thế này ở những quốc gia có đủ nguồn lực để làm tốt hơn".

Ngày 31/10, trang The Guardian của Anh dẫn nguồn tin từ chính quyền khu vực và các dịch vụ khẩn cấp cho biết, số người chết do lũ lụt tàn phá ở miền đông Tây Ban Nha đã tăng lên 158 khi đất nước bắt đầu 3 ngày quốc tang, còn Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez không ngừng kêu gọi “mọi người hãy ở nhà và làm theo lời khuyên của các dịch vụ khẩn cấp”, đồng thời khẳng định, “điều quan trọng nhất là cứu càng nhiều người càng tốt”.

Hà Anh