Văn hóa

Quỹ bảo tồn di sản văn hóa: Làm gì để phát huy hiệu quả?

Nhóm P.V 02/11/2024 12:54

Tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV đang diễn ra, một trong những vấn đề được đại biểu và cử tri quan tâm là đề xuất lập Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

anhbaitren(2).jpg
Đình Chèm thuộc làng Chèm (phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) trong quá trình tu sửa, năm 2022.

Cần nguồn kinh phí hỗ trợ

Thời gian qua, công tác bảo tồn di sản văn hóa (DSVH) được chú trọng, song nguồn kinh phí hỗ trợ cho công tác bảo tồn, tôn tạo di tích, di sản còn rất thấp. Nhiều di tích đã được xếp hạng cũng xuống cấp, hư hỏng nhưng chưa được cấp kinh phí tu bổ, một số địa phương còn tâm lý trông chờ nguồn vốn đầu tư từ ngân sách trung ương.

Chính vì thế, việc có một quỹ bảo tồn DSVH để huy động nguồn lực ngoài ngân sách tham gia bảo tồn, phát huy các giá trị di sản nhận được nhiều ý kiến ủng hộ. Theo đó, nguồn tài chính của Quỹ được hình thành trên cơ sở viện trợ, tài trợ, hỗ trợ, tặng, cho của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Trước đó, năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 84 về việc thành lập và quy chế hoạt động của Quỹ Bảo tồn di sản Huế theo mô hình Chính phủ thành lập, địa phương quản lý. Quỹ ra mắt từ tháng 6/2023, đến nay đã nhận được sự ủng hộ của nhiều các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài, góp thêm nguồn kinh phí đáng kể đầu tư, tôn tạo kho tàng DSVH của vùng đất Cố đô.

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật DSVH (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, nhiều ý kiến đồng thuận về việc thành lập Quỹ Bảo tồn DSVH nhằm hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị DSVH. Chẳng hạn, khi có một cổ vật quý hiếm đang được đấu giá ở nước ngoài với số tiền lớn như “Kim ấn Hoàng đế chi bảo”, việc sử dụng ngân sách nhà nước để tham gia đấu giá sẽ gặp khó khăn. Trong khi đó, nếu có Quỹ Bảo tồn DSVH thì có thể huy động tài chính từ quỹ này hoặc sử dụng nguồn quỹ sẵn có để đấu giá và mang cổ vật về nước, thay vì loay hoay kêu khó vì thiếu kinh phí như hiện tại.

Dĩ nhiên, như ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quỹ Bảo tồn DSVH không chỉ được thành lập với mục đích duy nhất là mua lại cổ vật Việt Nam đang lưu lạc ở nước ngoài, mà còn nhằm hỗ trợ kinh phí cho những hoạt động thiết thực và có tính đặc thù trong bảo tồn DSVH mà ngân sách nhà nước chưa thể đáp ứng được, như bảo tồn các DSVH phi vật thể có nguy cơ bị mai một, thất truyền; bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị các di tích mà ngân sách chưa đủ để lo được.

Do vậy, theo ông Vinh, điều quan trọng cần bàn không phải là việc “nên hay không nên” thành lập Quỹ, mà là xây dựng hành lang pháp lý, mô hình hoạt động và cơ chế đặc thù cho việc quản lý tài chính khi Quỹ ra đời.

Cơ chế huy động, quản lý, vận hành quỹ

Theo ĐBQH, Thượng tọa Thích Đức Thiện (Đoàn Điện Biên), việc thành lập Quỹ Bảo tồn DSVH là cần thiết nhằm hỗ trợ cho công tác bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di tích mà ngân sách nhà nước chưa thể đáp ứng được; trong khi nhiều di tích, DSVH đang bị xuống cấp, mai một do thiếu kinh phí duy trì. Để Quỹ hoạt động hiệu quả, đại biểu cũng cho rằng cần có các cơ chế, chính sách đặc thù như miễn giảm thuế, phí cho các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp cho Quỹ, nhằm thu hút nguồn lực xã hội hóa cho hoạt động của Quỹ. Đặc biệt, quá trình quản lý, điều hành và sử dụng Quỹ cần đảm bảo rõ ràng, công khai, minh bạch để tạo niềm tin cho các nhà tài trợ; Quỹ cần phối hợp chặt chẽ với Hội đồng DSVH quốc gia, các chuyên gia trong việc thực hiện quy trình trùng tu, tôn tạo, bảo đảm tối đa các giá trị gốc của di tích.

Đồng quan điểm, TS Trần Hữu Sơn - Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian ứng dụng cho rằng, việc thành lập Quỹ Bảo tồn DSVH là rất cần thiết. Hầu hết các địa phương có nhiều di tích, di sản cần được bảo tồn nhưng đều phải trông chờ vào chương trình mục tiêu quốc gia của nhà nước, vì vậy gặp rất nhiều khó khăn. Có những trường hợp, khi đã có kinh phí, các thủ tục giải ngân đã xong nhưng cũng là lúc di tích đó đã bị xuống cấp nghiêm trọng thì lại không đủ kinh phí để trùng tu, tu bổ cho hoàn chỉnh.

Bởi vậy, việc thành lập quỹ là rất đúng, rất trúng. Trước hết, huy động được nguồn lực của xã hội, các tổ chức, của tất cả những người có thể đóng góp được vào quỹ. Tuy nhiên, khi thành lập được quỹ rồi, thì quá trình sử dụng phải thật sự công khai, minh bạch, đảm bảo tiêu chí và kiểm soát chặt chẽ thì hiệu quả mới bền vững. Ban quản lý quỹ này không chỉ phải công tâm mà còn là những người có chuyên môn khi xét xuyệt chi để tu bổ, trùng tu di tích, di sản.

“Quỹ Bảo tồn DSVH nên có sự tham gia của các nhà quản lý, các nhà khoa học, các nhà hoạt động văn hóa, các chuyên gia có uy tín với lĩnh vực di sản, để khi thành lập hội đồng xét duyệt có thể quyết định mọi việc tốt nhất” - TS Trần Hữu Sơn chia sẻ.

Song, bên cạnh những ý kiến tán đồng về việc thành lập Quỹ Bảo tồn DSVH thì một số đại biểu lại bày tỏ băn khoăn về việc thành lập Quỹ như quy định trong dự thảo Luật. ĐBQH Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hóa) nêu quan điểm: “Việc hình thành quỹ ở địa phương rất khó khăn, không phải tỉnh nào cũng có thể xây dựng được quỹ này. Giả sử có xây dựng được thì để đáp ứng việc bảo tồn các di tích cũng rất khó khăn. Vì thế, theo tôi việc thành lập quỹ ở địa phương sẽ không hiệu quả”. Từ đó, ông Hải cho rằng việc thành lập Quỹ Bảo tồn DSVH chỉ nên ở cấp trung ương, do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch quyết định thành lập và quản lý quỹ.

Nhìn chung, những ý kiến đề nghị cân nhắc có nên thành lập Quỹ Bảo tồn DSVH hay không, xuất phát từ cơ chế huy động, quản lý, vận hành và chi đầu tư. Những ý kiến đó rất cần được cân nhắc thấu đáo, vì thực tế cho thấy việc sử dụng nguồn tài chính đóng góp tự nguyện tại nhiều địa phương, nhiều di tích đã từng gây bức xúc dư luận, trong đó có “tiền giọt dầu” từ những hòm công đức.

TS Phạm Việt Long - nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản lý Viện Nghiên cứu văn hóa và phát triển:

anhbox1.jpg

Thực tế cho thấy, hiện nguồn kinh phí không đủ để duy trì và bảo tồn các DSVH, dẫn đến tình trạng xuống cấp và mai một. Nếu có một quỹ chuyên biệt sẽ giúp tập trung nguồn lực và đảm bảo rằng các DSVH được bảo vệ và tu bổ kịp thời. Tuy nhiên, việc quản lý quỹ này cần minh bạch và công khai. Đội ngũ quản lý phải có chuyên môn cao về bảo tồn DSVH để đảm bảo các dự án được thực hiện đúng mục tiêu. Ngoài ra, cần hợp tác với các tổ chức quốc tế, các chuyên gia và cộng đồng địa phương để tận dụng tối đa nguồn lực và kinh nghiệm. Cùng với đó, thường xuyên giám sát và đánh giá hiệu quả của các dự án để điều chỉnh kịp thời và đảm bảo quỹ được sử dụng đúng mục đích.

Nhóm P.V