Theo tâm lý thông thường, những loài hiền lành dễ gây được thiện cảm hơn và được con người yêu mến hơn. Bài viết này của chúng tôi sẽ dành để bàn riêng về loài nai trong ngôn ngữ và thi ca của người Việt.
Con nai vàng ngơ ngác
Từ xưa tới nay, khi bàn về các loài động vật trong thế giới tự nhiên, có một cách phân loại khá phổ biến trong dân gian, đó là chia thế giới động vật hoang dã ra làm hai loại chính: những loài hung dữ và những loài hiền lành. Đứng đầu bảng trong những loài hung dữ là hổ, báo, sư tử, gấu, sói…Còn đứng đầu bảng trong những loài hiền lành, ắt hẳn phải là hươu, nai, thỏ, sóc…
Theo tâm lý thông thường, những loài hiền lành dễ gây được thiện cảm hơn và được con người yêu mến hơn. Bài viết này của chúng tôi sẽ dành để bàn riêng về loài nai trong ngôn ngữ và thi ca của người Việt.
1.Về bản chất, nai được coi là cùng họ với hươu, là loài hươu có kích thước lớn, sống ở vùng nhiệt đới và á nhiệt đới. Loài nai chỉ thích ăn lá non, chồi cây mềm, cỏ non và quả rụng, được xem là đứng đầu bảng trong những loài vật hiền lành sống hoang dã trong vùng rừng núi. Trong tiếng Việt có từ ghép "hươu nai”, nhưng loài hươu đôi khi lại bị gắn với những sắc thái không tích cực, mang tính chất phê phán chỉ trích, chẳng hạn qua các câu thành ngữ như: "Vẽ đường cho hươu chạy" hoặc "Hứa hươu hứa vượn". Loài nai ít khi bị gắn với những sắc thái phê bình, cách nói “giả nai”, chỉ những người giả vờ ngây thơ, theo tôi là cách nói mới xuất hiện trong khoảng một vài chục năm trở lại đây thôi, và nó cũng không thực sự rõ ràng hẳn về ý phê phán chỉ trích.
Khác với người Việt, người Hán chỉ có một từ duy nhất chỉ chung cho cả hươu lẫn nai, đó là từ “lộc”. Trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du có bài Liệp (Đi săn) với sự xuất hiện của “lộc quần” (bầy hươu nai):
Y quan đạt giả chí thanh vân
Ngô diệc lạc ngô mi lộc quần
(Áo mão đường mây mặc kẻ tài
Ta vui, vui với lũ hươu nai)
Bộ tiểu thuyết cuối cùng của Kim Dung có tên Lộc đỉnh ký, chữ “lộc” cũng có nghĩa là “hươu nai”.
2.Trong thơ Việt trước 1945, hình tượng con nai nổi tiếng nhất nằm trong thi phẩm lừng danh Tiếng thu của Lưu Trọng Lư, là bài thơ đạt kỷ lục về số lượng các bản phổ nhạc cho thi phẩm. Có tới 9 nhạc sĩ phổ nhạc cho bài thơ này, bao gồm: Võ Đức Thu, Lê Thương, Phạm Duy, Hải Linh, Giao Tiên, Văn Ký, Phan Huỳnh Điểu, Hoàng Phúc Thắng và Hữu Xuân. Toàn bài thơ chỉ có 9 câu, hình ảnh con nai đến khổ thơ cuối cùng mới xuất hiện một lần duy nhất, nhưng bóng dáng của nó làm xao xác tất cả tâm hồn chúng ta suốt hơn 80 năm qua:
Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô?
Thi nhân đã dùng động để tả tĩnh, dùng những bước chân dường như vô tình của con nai để đẩy lên chất ngất cái bơ vơ, vô định, mong manh trong lòng người. Hai thi sĩ khác của phong trào Thơ Mới là Xuân Diệu và Huy Cận cũng có những câu thơ về con nai, đầy bâng khuâng man mác, bàng bạc một nỗi niềm thời đại: Tôi là con nai bị chiều đánh lưới/ Không biết đi đâu đứng sầu bóng tối (Xuân Diệu - Khi chiều giăng lưới). Nai cao gót lẫn trong mù/ Xuống rừng nẻo thuộc nhìn thu mới về (Huy Cận - Thu rừng).
Suốt thời chống Pháp, tôi không thấy trong thơ Việt có câu thơ nào ấn tượng về con nai. Nhưng cho đến thời chống Mỹ thì nai đã đi vào những câu thơ tuyệt hay trong "Tiếng hát con tàu", rút từ tập "Ánh sáng và phù sa" (1960) của Chế Lan Viên:
Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ
Cỏ đón giêng hai chim én gặp mùa
Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa
Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa
Hành trình trở về với nhân dân cũng là trở về với chính lòng mình, trở về với một mạch sống ngàn đời, được ôm ấp và che chở. “Nai về suối cũ” chính là sự tìm về với yêu thương, với những gì thân thuộc và gắn bó tự ấu thơ. Cũng trong thập niên 60, vở kịch Con nai đen của Nguyễn Đình Thi được dàn dựng và công diễn, gây tiếng vang lớn trong công chúng. Sau này, đến khoảng những năm 1990 – 1991, vở Con nai đen được Đoàn Kịch nói Kim Cương diễn lại và đổi tên thành Nai đen rừng Đế Thích.
Cũng vào những năm 60, thi sĩ Bùi Giáng khi đó đang chăn dê ở vùng rừng núi Quảng Nam đã viết một loạt những bài thơ nổi tiếng như Nỗi lòng Tô Vũ, Anh lùa bò vào đồi sim trái chín và bất chợt một chú nai đã lạc vào những câu thơ của ông:
Em nhớ hay không hồn hoa dại cỏ
Những ngậm ngùi đầu núi canh khuya
Vàng cao gót nai đầu truông hãi sợ
Gió cây rung trút lá mộng tan lìa
Chú nai trong thơ Bùi Giáng như một thân phận yếu đuối, bị rợn ngợp choáng ngợp trước không gian kì bí và dữ dội. Sau này, hươu nai đi vào thơ Nguyễn Duy, gắn với nỗi nhớ về những năm tháng kháng chiến gian khổ nhưng hào hùng không thể nào quên:
Nhìn cây mà nhớ đến cây
Nhìn xe mà nhớ đến bầy hươu nai
Mười năm bấm đốt ngón tay
Mười cái tết khói nhang bay lên trời
Trên bàn thờ tổ tiên tôi
Có hương hồn của những người vô danh…
(Mười năm bấm đốt ngón tay, 1985)
3.Con nai từ không gian rừng xanh, gắn với sự hiền lành, thơ ngây ngơ ngác, đôi khi là yếu đuối và hoảng sợ trước những sức mạnh lớn lao xung quanh, đã đi vào nhiều bài thơ tình của thời hiện đại. Đầu thập niên 90, nai đi vào thơ tình Du Tử Lê với nỗi niềm nhung nhớ cách xa:
Lo biết mấy: em cực kỳ bé bỏng
Như nụ hoa chưa hé nhận ơn đời
Như sương mai còn lấp lánh mắt người
Con nai nhỏ mang thơ về xứ lạnh
(Tôi có người để nhớ đến tương tư)
Vẫn là nỗi nhớ người mình yêu, sau này, một giọng thơ nữ cũng đã mượn con nai để tỏ lòng mình với những câu thơ buồn thương trong vắt:
Em nhớ anh
Như nhớ linh hồn mình
một hôm nắng vàng bỏ chơi xa
để lại xác thân này ngơ ngác
Em kêu anh
như tiếng con nai tác
vọng qua triền đồi mơ
Em tha thiết anh, tha thiết, tha thiết
Như xóm nhỏ vườn chiều chân núi tỏa hương mưa…
(Nhớ - Hàm Anh)
Trong các ca khúc Việt của thập niên 90, có hai tình khúc được giới trẻ yêu thích cũng đã mượn con nai làm hình tượng trung tâm. Đó là Tình yêu mắt nai của Quốc Dũng và Mắt nai Chachacha của Sỹ Luân.
Cả hai ca khúc đều mượn vẻ đẹp của “mắt nai” làm xuất phát điểm, trong một ví von so sánh với người con gái mình yêu. Tình yêu ấy có lẽ là một tình yêu mới chớm, còn đầy những non tơ, ngây thơ và cả ngỡ ngàng. Sáng tạo trong ca từ của Quốc Dũng đã biến cả chàng trai thành một chú nai chứ không chỉ là cô gái:
Một hôm mắt nai
Mặt trông rất hay
Nhìn anh như đắm đuối mê say
Vì anh có duyên
Phải không mắt nai
Phải không cô bé tóc mây bay…
…Em đẹp xinh bên anh hiền khô
Hai con nai vàng ngu ngơ
Em là nai hay anh là nai
Bâng khuâng tay chờ vòng tay
Còn với Sỹ Luân, cô gái mắt nai trong bài hát vô tư, sôi động và mạnh mẽ hơn rất nhiều, hòa nhịp cùng sự lôi cuốn và tốc độ của giai điệu ca khúc:
Mắt nai ơi xin đừng đi nhé em
Mắt nai ơi xin đừng xa cách tôi
Dù cho ngày tháng có đi qua, có những phong ba
Tôi vẫn ngồi mãi nơi đây…
Phải chăng, trong cuộc đời của những chàng trai si tình, ai cũng một lần từng mong gặp hoặc ước được yêu một mắt nai như thế…