Đạo lý biết ơn
Trong tất cả các sách “Học làm người” ở Việt Nam vào thế kỷ trước như: Luân lý giáo khoa thư, Cổ học tinh hoa, Giáo dục công dân và các sách giáo khoa ở các trường tiểu học, trung học đều đề cập đến chương quan trọng nhất do các tác giả danh tiếng nhất biên soạn, đó là: “Phải giáo dục lòng biết ơn” cho tất cả mọi người.
Các tác giả biên soạn sách đã lý giải như sau: Con người khi được sinh ra rất nhỏ bé, đơn độc, yếu đuối. May mắn nhờ có gia đình, có xã hội mới được nuôi dưỡng, chăm sóc và khôn lớn dần. Vì thế phải có lòng biết ơn đối với tất cả những ai đã nuôi nấng, dạy bảo, giúp đỡ cho mình trưởng thành.
Trước hết nói về ngày sinh nhật thường được tổ chức hàng năm. Ngày sinh nhật có ý nghĩa gì đối với từng con người? Đông phương cổ học coi ngày sinh nhật là ngày “Mẫu nạn” (tạm dịch là ngày mà người mẹ sinh con có thể gặp nguy hiểm đến tính mạng). Ở những thế kỷ trước, do khoa học kỹ thuật còn chưa phát triển tốt nên các tai biến xảy ra khi người phụ nữ mang thai và sinh con rất hay gặp, trong Y văn gọi là “các tai biến sản khoa”. Vì thế, khi một người tổ chức sinh nhật chính là phải hướng lòng biết ơn đến người mẹ đã “mang nặng, đẻ đau” để sinh ra mình ngày hôm nay. Lòng biết ơn người mẹ trong ngày vui sinh nhật của mình liệu có bao nhiêu người con nghĩ đến và có biểu hiện gì để thể hiện lòng biết ơn đó? Như vậy, cần phải dạy và học để biết rõ ý nghĩa to lớn này trong ngày sinh nhật của từng người.
Cứ thế, con người nhờ có các thầy, các cô dạy bảo, huấn luyện qua các lớp học ở phổ thông, đại học, các trường dạy nghề... mà có một nghề nghiệp ổn định để mưu sinh cuộc sống hàng ngày. Lòng biết ơn đối với các thầy, các cô là vô hạn, không thể so sánh với bất cứ việc gì, vì thầy cô là những chiến sĩ thầm lặng trong sự nghiệp “trồng người” cao quý mà đất nước đã giao phó cho họ.
Trong suốt cả đời người, ai ai cũng phải tâm niệm một lòng biết ơn vô hạn đối với các vị anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh cả đời mình trong các cuộc chiến đấu chống quân xâm lược, bảo vệ Tổ quốc và trong công cuộc xây dựng đất nước tươi đẹp ngày hôm nay.
Các nhà triết học đã nói gì về lòng biết ơn? Nhà triết học cổ đại Chu Tử (1369 – 1390) đã viết: “Thi huệ vô niệm, thọ ân mạc vong” (tạm dịch: Làm ơn cho ai không nên nhớ, chịu ơn của ai thì suốt đời không được quên). Đây là ánh sáng chỉ đường, là phương pháp đúng đắn và tích cực trong mọi suy nghĩ của một người lương thiện, sống có trước có sau, không vô ơn bạc nghĩa.
Danh nhân Nguyễn Trãi (1380 – 1442) đã phân tích rất rõ về những giúp đỡ tuy nhỏ trong những lúc khó khăn nhưng có tác dụng rất lớn qua câu danh ngôn mà ai cũng nhớ, cũng thuộc: “Miếng khi đói, gói khi no/ Của tuy tơ tóc, nghĩa so nghìn trùng”. Vì thế, khi đã nhận một sự giúp đỡ về vật chất, một sự chân tình dù nhỏ bé trong lúc khó khăn cũng cần trân trọng ghi nhớ, vì trong hoàn cảnh khó khăn ấy nhận được sự giúp đỡ thực sự là rất quý giá, rất đáng ghi nhớ. Ca dao cũ cũng có câu: “Ơn ai một chút không quên” thật đáng cho ta luôn ghi lòng, tạc dạ.
Cách ngôn cổ Đông phương cũng có câu nhắc ta phải giúp đỡ mọi người trong lúc khó khăn gian nan nhất, đó là: “Đương ách chi thi, cam ư thời vũ” (tạm dịch: Giúp đỡ người trong lúc tai ương thật chẳng khác gì nắng hạn được mưa rào). Thế mới gọi là kịp thời, đúng lúc, mới có giá trị.
Cách giáo dục về “Lòng biết ơn” trong các danh ngôn đã nêu ở trên sẽ dẫn ta đến một cuộc sống thanh bình, êm ả, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau. Tại các làng xóm, khu phố nơi ta sinh sống sẽ gặp được những người hàng xóm tốt bụng, luôn giúp nhau khi “tối lửa tắt đèn”, khi gặp hoạn nạn, đúng như câu nói dân gian “bán anh em xa, mua láng giềng gần”. Đây là một cách sống rất tốt, rất tích cực và trong thực tế cũng diễn ra như thế. Anh em ruột thịt, họ hàng ở mãi tận đâu, chỉ có người hàng xóm hiền lành, tốt bụng mới thực sự giúp đỡ kịp thời cho ta trong những lúc khó khăn, bệnh tật.
Trong các cơ quan, xí nghiệp, cộng đồng dân cư nơi ta đang sống và làm việc, nếu ta sống lương thiện, hòa đồng, biết giúp đỡ người khác khi họ gặp khó khăn, có lòng biết ơn đúng mức khi được giúp đỡ, ta sẽ tìm được những người đồng nghiệp, những người bạn, người hàng xóm tốt làm cho cuộc sống thêm nhẹ nhàng, vui tươi và bớt đi những gian khó, nhọc nhằn của cuộc sống “cơm, áo, gạo, tiền”.
Nhà tâm lý học người Pháp, ông Jean de la Bruyère (1645 – 1696) đã viết rất đúng: “Ơn huệ không phải ở việc cho thật nhiều mà là cho đúng lúc sẽ có kết quả tốt”. Câu này rất chuẩn vì tính kịp thời của việc giúp đỡ sẽ giải quyết được ngay những khó khăn đang gặp phải. Trên thực tế qua các công việc từ thiện, gây quỹ, quyên góp giúp đỡ đồng bào nghèo ở các vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo ... việc đóng góp rất rộng, ai cũng có thể thực hiện được lòng tốt của mình. Vừa qua có nhiều đợt mưa bão, ngập lụt, sạt lở đất do thiên tai gây nên trên khắp đất nước, nhờ có những đợt cứu trợ, viện trợ và giúp đỡ nhân đạo của nhiều tổ chức và cá nhân làm từ thiện nên đã kịp thời giải quyết được những khó khăn về nhà ở, lương thực, quần áo ... cho các nạn nhân.
Tiếp tục bàn về sự chịu ơn của người khác đã giúp đỡ mình thì thái độ sống của người mang ơn phải làm sao cho đúng. Đông phương cổ học đã viết: “Hữu ân bất báo phi nhân dã” (tạm dịch: Chịu ơn người khác mà không biết đền đáp thì chẳng phải là con người). Đây là một danh ngôn rất đanh thép, nghiêm khắc, nhưng thật sự đúng đắn và cần thiết trong việc rèn luyện để tu tâm, dưỡng tính, phấn đấu trở thành người lương thiện, có ích cho xã hội. Sống ở trên đời, người ta sợ nhất gặp phải những loại người “vô ơn, bạc nghĩa”.
Như vậy, con người từ lúc nhỏ bé, yếu ớt đến khi trưởng thành, phát triển là phải chịu ơn của biết bao nhiêu người. Ta phải mang ơn suốt đời và phải tìm cách báo đáp lại sao cho xứng đáng mới đúng là có đạo lý làm người, không phải hổ thẹn với cuộc đời. Triết gia La Bruyère đã ca ngợi sự báo đáp, sự tri ân của con người qua câu danh ngôn để đời: “Ở đời, không có cái thái quá nào đẹp hơn cái thái quá của sự tri ân, của sự đền đáp”. Chao ôi, thật cao quý khi cứ đến hàng năm, người dân lại tu bổ, sửa sang, dọn dẹp sạch sẽ các khu Nghĩa trang anh hùng, liệt sĩ, các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã đến thăm hỏi các bà mẹ anh hùng, các gia đình có công với nước. Các thế hệ trẻ nhìn vào những tấm gương ấy, nhìn vào các hành động đền ơn đáp nghĩa ấy mà tự rèn luyện, tự bồi dưỡng cho tính cách, cho phẩm chất của mình cùng hướng đến những tình cảm cao quý mà thiết thực đó. Đây cũng là cơ sở đạo đức mà thế hệ trẻ cần biết để báo hiếu cho cha, cho mẹ và những người thân trong gia đình. Những gia đình lương thiện chỉ có thể hình thành trong một xã hội nhân văn, tốt đẹp với khẩu hiệu: “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”.
Nhà đạo đức và nhà văn hóa lớn của nước Pháp, ông Alexandre Dumas (1824 – 1895) đã viết: “Không khi nào ta trả xong món nợ với những người đã giúp đỡ ta, vì không phải là ta nợ họ tiền bạc, vật chất mà ta đã nợ họ một ân nghĩa”. Điều này càng đúng hơn, có ý nghĩa hơn khi ta luôn phải ghi lòng tạc dạ mãi mãi nhớ ơn những anh hùng, liệt sĩ đã vì quê hương, đất nước mà hy sinh, mà chiến đấu, mãi mãi nhớ ơn cha mẹ đã sinh ra và nuôi nấng ta khôn lớn, nhớ ơn những người đã dạy dỗ, giúp đỡ ta trong suốt cuộc đời. Những suy nghĩ đúng đắn và tích cực về lòng biết ơn sẽ giúp chúng ta suốt đời sống thiện lương, luôn hướng về một tương lai tươi sáng.