Quốc tế

2 năm thảm họa giẫm đạp Itaewon

THẾ TUẤN 03/11/2024 10:09

Kỳ nghỉ lễ Halloween ở Seoul (Hàn Quốc) năm nay vắng lặng vì thời điểm này 2 năm trước một thảm họa giẫm đạp kinh hoàng đã diễn ra vào đêm 29/10/2022 trong một con hẻm dốc ở khu phố Itaewon thuộc trung tâm thủ đô Seoul, khiến 159 người thiệt mạng, 172 người bị thương.

anh bai Giam dap o Han Quoc
Tưởng nhớ nạn nhân thảm kịch giẫm đạp Itaewon.

Simon Walsh, một người Mỹ kinh doanh đồ uống ở Itaewon, cho biết ký ức kinh hoàng vẫn còn đó dù đã 2 năm trôi qua. Các bảng trưng bày được lắp dọc theo Ngõ tưởng niệm 29/10 tuy không còn nhưng chấn thương tâm lý vẫn nhức nhối.

“Hai năm qua là quãng thời gian đau đớn hơn bất kỳ nỗi buồn nào khác mà tôi từng phải chịu đựng”, ông Lee Jeong-min, một người cha có con bị chết trong vụ giẫm đạp nói và yêu cầu chính quyền phải làm “gì đó” để bảo vệ tính mạng và sự an toàn của người dân, những người “không đáng phải chết”.

Giáo sư Song Ki-choon (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Jeonbuk), người đứng đầu Ủy ban Điều tra Độc lập đặc biệt về vụ chen lấn ở Itaewon khẳng định rằng Ủy ban quyết tâm trả lời mọi câu hỏi xung quanh thảm kịch này, rằng là tại sao nó xảy ra và ai phải chịu trách nhiệm?

Trong khi đó, ông Lee Jeong-min lại cho rằng, tất cả các bằng chứng cho thấy thảm kịch này là một thảm họa do con người gây ra, nhưng người phải chịu trách nhiệm lại không rõ ràng. Cho dù chính phủ Hàn Quốc đã tiến hành một cuộc điều tra toàn diện thảm kịch Iaewon; đồng thời yêu cầu chính quyền các địa phương cũng như các bộ và cơ quan liên quan tiến hành điều tra kỹ lưỡng và thiết lập các kế hoạch quản lý an toàn toàn diện tại tất cả các địa điểm diễn ra lễ hội, các buổi hòa nhạc, sự kiện thể thao... đông người.

Năm nay, chính quyền thủ đô Seoul cũng đã có các biện pháp đặc biệt về kiểm soát đám đông tại 15 khu vực đông đúc nhất thành phố này trong tuần lễ Halloween, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và du khách. Chính quyền lập ra một khoảng thời gian đặc biệt, được gọi là “giai đoạn quản lý an toàn đám đông nhân dịp Halloween” kéo dài từ ngày 27/10 đến hết ngày 3/11. Trong khoảng thời gian này, các lực lượng tuần tra và kiểm soát giao thông sẽ được triển khai rộng khắp tại những nơi đông đúc. Các camera giám sát được triển khai để theo dõi đám đông, cho phép các cơ quan chức năng phản ứng nhanh chóng trong trường hợp xảy ra nguy cơ mất an toàn.

Đặc biệt tại Itaewon, khu vực từng xảy ra thảm kịch năm 2022, khoảng 4.200 nhân viên được huy động để phân tán đám đông và kiểm soát dòng người rời khỏi ga Itaewon.

Trước đó, ngày 23/9, Ủy ban điều tra đặc biệt về thảm họa giẫm đạp Itaewon đã mở cuộc họp đầu tiên. Đây là Ủy ban điều tra đặc biệt được thành lập sau khi Quốc hội Hàn Quốc thông qua Luật đặc biệt về thảm họa giẫm đạp Itaewon (hồi tháng 5/2024), nhằm làm sáng tỏ nguyên nhân gây ra thảm họa giẫm đạp ở Itaewon và phòng ngừa tái diễn thảm kịch tương tự.

Ủy ban bắt đầu tiếp nhận đơn đề nghị điều tra nguyên nhân từ ngày 2/10/2024 cho đến tháng 6/2025. Đối tượng nộp đơn bao gồm gia quyến các nạn nhân, những người chịu tổn thất về thể chất, tinh thần hoặc kinh tế do thảm kịch gây ra. Cùng với đó, những người đã tham gia cứu hộ khẩn cấp và khắc phục hậu quả, các tiểu thương kinh doanh hoặc làm việc gần khu vực xảy ra thảm họa cũng thuộc đối tượng xem xét.

Mặc dù Cảnh sát Hàn Quốc đã công bố kết thúc điều tra về vụ việc với kết luận rằng thảm họa giẫm đạp ở Itaewon là do đám đông chen lấn gây nên và do chính quyền không có các biện pháp phòng ngừa và phản ứng kịp thời với tình huống khẩn cấp; nhưng dư luận cho rằng như thế là chưa đủ.

Thông tin mới nhất cho biết, nguyên nhân dẫn đến vụ giẫm đạp xảy ra tại khu phố giải trí Itaewon đang dần rõ ràng hơn. Người ta đã xác định sau 10 giờ tối cái đêm định mệnh đó, sự hỗn loạn bắt đầu xảy ra ở một góc đường nhỏ, dốc, nằm gần ga Itaewon, nơi kết nối với khá nhiều quán bar và câu lạc bộ từ đường chính. Đám đông ban đầu khá yên bình, nhưng khi mọi người bắt đầu đẩy vào một con hẻm thì thảm kịch xảy ra. Các nhân chứng cho biết họ đã nhìn thấy đám đông dồn về từ nhiều hướng khác nhau, trước khi một số người trượt chân ở đỉnh dốc rồi lần lượt từng người ngã xuống. Rất nhiều người do chịu áp lực mạnh chèn ép, dẫn đến ngạt thở. Những người khác cố gắng mở rộng "vòng vây" nhưng cũng không thoát.

Giáo sư Edwin Galea - chuyên gia về hành vi đám đông (Đại học Greenwich, Anh) cho rằng tình trạng quá tải, đám đông di chuyển thiếu kiểm soát và đoạn đường hẹp đã dẫn đến thảm họa. Phân tích kỹ hơn, GS Galea cho rằng nếu mật độ đám đông vượt quá 4 người/mét vuông, và đặc biệt lên đến 6 người, thì nguy cơ xảy ra tai nạn sẽ tăng lên đáng kể. Những người này có thể bị ép đến mức phổi không thể mở ra được nữa, và đối mặt nguy cơ bị ngạt thở do lực nén. Tuy nhiên, đa số những người bị chết trong đám đông do bị đẩy vào tường, nơi họ chịu lực rất mạnh từ 1 phía, và không thể thoát ra ở phía còn lại. Ngay cả một người cho dù rất khỏe, cũng không thể thắng lại lực đẩy từ hàng chục, thậm chí hàng trăm người xung quanh.

Trong khi đó, theo John Drury - chuyên gia tâm lý đám đông (Đại học Sussex) cho rằng thảm kịch giẫm đạp thường liên quan đến 3 yếu tố liên kết với nhau, bao gồm: Quá tải, sóng người hoặc chuyển động trong một đám đông vốn đã cực kỳ dày đặc, và ngã nhào dẫn tới xếp chồng lên nhau. "Tất cả những yếu tố này đều xuất hiện tại Itaewon trong dịp Hal-loween thảm khốc” - Drury cho biết.

Ngoài vụ Itaewon trong lễ hội Halloween năm 2022 ở trung tâm thủ đô Seoul của Hàn Quốc, thế giới còn ghi nhận nhiều vụ giẫm đạp kinh hoàng. Tháng 4/1989, có 96 người đã thiệt mạng và ít nhất 200 người bị thương trong thảm kịch thể thao tại sân vận động Hillsborough (Anh). Tháng 7/1990, bên trong đường hầm al-Muaissem gần thánh địa Mecca của Saudi Arabia, 1.426 người hành hương đã bị xô đẩy đến chết. Tháng 5/2001, tại Ghana, ít nhất 126 người đã thiệt mạng trong vụ giẫm đạp trên sân vận động chính của thủ đô Accra. Tháng 8/2008, tin đồn về sạt lở đất đã gây ra vụ giẫm đạp giữa những người hành hương tại Himachal Pradesh, Ấn Độ, 145 người đã chết và hơn 100 người đã bị thương sau vụ việc này. Tháng 7/2010, 19 người thiệt mạng và 342 người bị thương sau khi nhiều người xô đẩy để đi qua một đường hầm tại lễ hội âm nhạc Love Parade ở thành phố Duisburg (Đức). Tháng 11/2010, hơn 230 người đã thiệt mạng sau khi hỏa hoạn bùng phát tại một hộp đêm ở Brazil gây ra vụ giẫm đạp kinh hoàng.

THẾ TUẤN