'Giữ chân' người tiêu dùng
Những ngày này, câu chuyện các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới như Temu, 1688 và Shein xuất hiện, thu hút một số người tiêu dùng Việt Nam, nhận được sự quan tâm từ nhà quản lý, doanh nghiệp trong nước. Cơ quan quản lý nhà nước cho biết sẽ chặn cửa các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới nếu quá thời hạn mà vẫn chưa hoàn tất hồ sơ theo quy định. Tuy vậy, chỉ điều đó thôi là chưa đủ.
Cạnh tranh trong thế giới hiện nay là điều không tránh khỏi. Trong khi các cơ quan chức năng đang vào cuộc để áp dụng những yêu cầu các sàn thương mại điện tử phải tuân thủ luật pháp Việt Nam thì câu chuyện đáng bàn hiện nay là chúng ta cần làm gì để “giữ chân” người tiêu dùng?
Bảo vệ hàng hóa sản xuất cũng như người tiêu dùng trong nước cũng là thông lệ trên thế giới. Trước sự tấn công của hàng hóa đến từ nước ngoài, nhiều quốc gia đã dựng lên các hàng rào kĩ thuật bảo hộ sản xuất, việc làm của người lao động trong nước. Không loại trừ nâng mức thuế suất đối với hàng hóa nhập khẩu.
Nhiều ý kiến cho rằng trước tiên phải nhận biết những mặt mạnh của đối thủ để có biện pháp hóa giải, hạn chế. Mặt mạnh đó có thể là chính sách hàng hóa giá rẻ (được trợ giá), mẫu mã đa dạng, vận chuyển nhanh. Dẫn thông tin từ Tổng cục Thống kê, ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội cho biết, doanh nghiệp trong nước đang chịu áp lực lớn từ hàng nhập khẩu giá rẻ, đặc biệt từ Trung Quốc. Đầu tiên chính là chi phí sản xuất cao: chi phí lao động, nguyên vật liệu và chi phí vận chuyển trong nước cao hơn so với Trung Quốc từ 10 - 20%. Bên cạnh đó, doanh nghiệp trong nước cũng bị thua kém về khả năng tiếp cận công nghệ so với các đối thủ từ nước ngoài: tỷ lệ đầu tư vào công nghệ của doanh nghiệp Trung Quốc cao gấp 1,5 - 2 lần so với doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong các ngành hàng tiêu dùng nhanh và điện tử.
Do đó, không chỉ chú trọng các giải pháp tình thế kể cả việc dựa vào chính sách bảo hộ, mà về lâu dài, bản thân các doanh nghiệp cần sớm tự nâng cao sức cạnh tranh, tạo lợi thế vững chắc trước hàng giá rẻ xuyên biên giới.
Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cũng cần thấu hiểu người tiêu dùng trong nước, cung cấp hàng hóa chất lượng cao, giảm giá, vận chuyển nhanh để khiến người tiêu dùng tin tưởng. Tốc độ phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam rất nhanh và người Việt cũng rất “nhạy cảm” với giá bán, chất lượng khi tham gia “chợ mạng”. Vì thế, suy cho cùng sự “chuyển mình” thực sự sẽ quyết định sự thành bại không chỉ với bản thân doanh nghiệp mà còn đối với sản xuất nói chung của đất nước. Vì trước sau gì lối kinh doanh “một mình một chợ” cũng sẽ qua.
Phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” phải xem là một cơ hội lớn để doanh nghiệp trong nước bật lên chiếm lĩnh thị trường, và phải thắng trên sân nhà.
Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, nói như ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai thì mặc dù nông nghiệp là trụ cột kinh tế của Việt Nam, song số lượng doanh nghiệp thực sự nổi bật và lớn mạnh vẫn còn rất thưa thớt.
Ông Đức cũng cho rằng, bỏ ra hàng tỷ đô vào nông nghiệp, hàng tốt phải cho người Việt hưởng thay vì xuất khẩu hết. Ông trăn trở, thị trường Việt Nam có 100 triệu dân, mình có sản phẩm sạch và chất lượng. Tại sao không để người dân hưởng mà xuất khẩu hết.
Tâm sự của một doanh nhân là ông Đoàn Nguyên Đức rất đáng suy nghĩ, đặc biệt khi thương mại điện tử xuyên biên giới đang tạo ra áp lực lớn lên sản xuất và thị trường trong nước.