Xã hội

Rác thải thủy tinh: Chỉ 15% được tái chế

NAM ANH 04/11/2024 10:12

Là loại rác thải không thể phân hủy và tồn tại vĩnh viễn trong môi trường, nhưng tỷ lệ tái chế rác thủy tinh ở Việt Nam vẫn rất thấp. Trong khi thủy tinh có thể tái chế 100% và có thể tái chế vô tận mà không làm giảm chất lượng hoặc độ tinh khiết, giúp chất liệu này trở nên lý tưởng cho nền kinh tế tuần hoàn.

bai tren
Hiện mới chỉ có khoảng 6% chủ doanh nghiệp phế liệu thu mua rác thải thủy tinh sau tiêu thụ. Ảnh: H.A.

Lựa chọn lý tưởng cho nền kinh tế tuần hoàn

Theo số liệu công bố mới đây trong báo cáo phát triển bền vững năm 2024 tại Việt Nam của Liên minh rượu mạnh và rượu vang quốc tế châu Á - Thái Bình Dương (APISWA), tỷ lệ tái chế thủy tinh ở các nước ASEAN vẫn còn thấp so với các quốc gia, khu vực khác. Và thuỷ tinh cũng là vật liệu được tái chế ít hơn so với các loại vật liệu khác. Đặc biệt, tỷ lệ tái chế ở Việt Nam vẫn còn rất thấp, cũng mới chỉ là 15%.

Nguyên nhân của thực trạng trên được nội dung báo cáo chỉ rõ, do nhu cầu thấp từ các chủ doanh nghiệp phế liệu khiến những người thu gom phế liệu và công nhân vệ sinh không có động lực thu gom, cũng như bán rác thải thủy tinh. Hệ quả là hầu hết rác thải thủy tinh được đưa đi chôn lấp.

Bên cạnh đó, do thị trường Việt Nam cũng như ASEAN chủ yếu nhập khẩu thủy tinh tái chế, trong khi nhu cầu tìm kiếm thủy tinh tái chế làm nguyên liệu thô từ các doanh nghiệp sản xuất thủy tinh trong khu vực rất lớn. Yếu tố quyết định là do tỷ lệ thu gom thủy tinh để tái sử dụng thành thành phần thủy tinh tái chế còn thấp.

Hiện ở Việt Nam, mới chỉ có khoảng 6% chủ doanh nghiệp phế liệu thu mua rác thải thủy tinh sau tiêu thụ, trong đó nhu cầu đối với thủy tinh màu thậm chí còn thấp hơn so với thủy tinh trong. Do nhu cầu thấp từ các chủ doanh nghiệp phế liệu khiến những người thu gom phế liệu và công nhân vệ sinh không có động lực thu gom và bán rác thải thủy tinh. Hệ quả là hầu hết rác thải thủy tinh được đưa đi chôn lấp hoặc được xử lý như vật liệu lấp trong công trình xây dựng.

Giá của vụn thủy tinh không màu tại những nhà máy thủy tinh này thường dao động từ 2.250 - 2.500 đồng/kg. Tuy nhiên, nguồn cung cho vụn thủy tinh không màu nội địa không ổn định và tương đối thấp. Ngược lại, giá vụn thủy tinh không màu nhập khẩu với số lượng lớn lại rẻ hơn, khoảng 1.800 đồng/kg vào năm 2019 và khoảng 2.100 đồng/kg vào năm 2020. Do đó, các nhà sản xuất thủy tinh quy mô lớn lựa chọn nhập khẩu vụn thủy tinh từ nước ngoài do giá đầu vào rẻ hơn.

Các nhà nghiên cứu tới từ APISWA cũng chỉ ra, ưu điểm nổi bật nhất của bao bì thủy tinh là khả năng tái chế 100% và có thể tái chế vô hạn mà không làm giảm chất lượng hoặc độ tinh khiết. Điều này khiến thủy tinh trở thành lựa chọn lý tưởng cho nền kinh tế tuần hoàn. Thủy tinh vụn có thể thay thế tới 95% nguyên liệu thô được sử dụng để sản xuất thủy tinh.

Thông qua việc tái chế thủy tinh, các nhà sản xuất được hưởng lợi ích từ việc tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu tiêu thụ nguyên liệu thô và khí thải carbon. Chính vì vậy, trong thời gian tới, Việt Nam cần cải thiện hoạt động tái chế thủy tinh. Bởi lẽ, tái chế đóng vai trò then chốt đối với tính tuần hoàn của thủy tinh, nhằm giảm thiểu nhu cầu khai thác tài nguyên thiên nhiên và tận dụng khả năng tái chế vô hạn của thủy tinh.

Mở rộng quy mô, xây dựng hạ tầng bền vững

Tại Việt Nam, rác thủy tinh có sản lượng khoảng 220.000 tấn, đồng nghĩa với rất nhiều cơ hội để xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững và có khả năng mở rộng quy mô, mang lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan. Ngành này có thể dẫn đầu trong việc thúc đẩy các nỗ lực giáo dục hệ sinh thái tái chế rác thải thủy tinh về giá trị của việc chuyển hướng thủy tinh khỏi bãi chôn lấp. Khi chỉ ra được các cơ hội và giá trị trong tái chế thủy tinh có thể thu hút nhiều nguồn đầu tư hơn để xây dựng cơ sở hạ tầng tốt hơn.

Ông Hồ Quốc Thông - Viện Kinh tế Môi trường Đông Nam Á (EEPSEA) cho rằng, lựa chọn tốt nhất hiện nay là kết hợp những công cụ pháp lý và công cụ dựa trên thị trường, cũng như hợp tác với các hiệp hội trong ngành như APISWA để thực hiện giáo dục cộng đồng, sáng kiến hành vi về tái chế thủy tinh. Bên cạnh đó cũng cần triển khai các chương trình thí điểm để hỗ trợ những người thu gom rác thải, doanh nghiệp và hộ gia đình giảm chi phí tái chế thủy tinh hoặc thiết lập các ưu đãi kinh tế phù hợp cho thị trường tái chế thủy tinh.

Chia sẻ dưới góc độ doanh nghiệp, bà Chu Thị Vân Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bia, rượu, nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, hiện Việt Nam đang tích cực theo đuổi việc cải thiện thu gom và tái chế, một phần thông qua việc áp dụng trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất liên quan rác thải (EPR).

Theo đó, những doanh nghiệp sản xuất đồ uống hay nhà sản xuất thủy tinh đều nhận thức rõ về trách nhiệm bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động, bao gồm quản lý rác thải thủy tinh. Việc này đòi hỏi quy định EPR được hướng dẫn và triển khai rõ ràng. VBA tiếp tục phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, những bên bên liên quan để góp ý, đề xuất xây dựng những chính sách mang tính khuyến khích tái chế, tái sử dụng vật liệu tái chế cho các sản phẩm, bao bì.

NAM ANH