Số hóa - cơ hội để tăng tốc logistics
Đứng thứ 43 trong bảng chỉ số hiệu quả logistics, thuộc nhóm 5 nước đứng đầu ASEAN năm 2023, ngành logistics Việt Nam đang phát triển nhanh chóng nhờ sở hữu vị trí địa lý chiến lược và năng lực sản xuất. Dù vậy, không chỉ dựa vào tiềm năng, lợi thế sẵn có mà doanh nghiệp cần phải chuyển đổi, tạo bứt phá trong kỷ nguyên mới...
Lợi nhuận của ngành logistics tăng 22%
Theo bảng xếp hạng được Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB) ghi nhận năm 2023 Việt Nam đứng thứ 43 trong bảng chỉ số hiệu quả logistics (LPI), thuộc nhóm 5 nước đứng đầu ASEAN.
Còn theo Bảng xếp hạng về Chỉ số thị trường mới nổi của Agility (Nhà cung cấp dịch vụ vận tải và hậu cần kho vận hàng đầu thế giới), năm 2023 Việt Nam đứng vị trí thứ 10/50 thị trường logistics mới nổi trên toàn cầu, tăng một bậc so với năm trước.
Tốc độ phát triển hàng năm của ngành logistics Việt Nam bình quân đạt 14% - 15%, quy mô 40 - 42 tỷ USD một năm.
Tính đến quý III/2024, lợi nhuận của ngành logistics tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương 8.100 tỷ đồng.
Dù có tăng trưởng tích cực song theo khẳng định của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung, ngành logistics trong nước vẫn cần cải thiện nhiều vấn đề. Đó là thị trường bất động sản logistics còn phân tán, thiếu sự liên kết và quy hoạch đồng bộ; chi phí logistics cao, trong khi quy mô doanh nghiệp (DN) còn nhỏ và phụ thuộc lớn vào vận tải đường bộ.
Tại các khu vực trọng điểm về xuất nhập khẩu nông sản như đồng bằng sông Cửu Long, hệ thống cảng biển, đặc biệt là cảng nước sâu, vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu, buộc hàng hóa phải di chuyển qua các cảng lớn như TPHCM và Bà Rịa - Vũng Tàu, tạo ra áp lực lên hạ tầng và chi phí vận tải.
Ngoài ra, so với các nước trong khu vực như Malaysia hay Philippines, ngành logistics Việt Nam vẫn thiếu các DN dẫn đầu có khả năng cạnh tranh quốc tế...
Định hình lại logistics bằng số hóa
Nhìn nhận về bức tranh của ngành logistics Việt Nam, ông Đào Trọng Khoa - Chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ logistics (VLA) cho rằng, ngành logistics của Việt Nam thực sự phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây, với tốc độ tăng trưởng ấn tượng 14-16%/năm. Điều này cho thấy không chỉ nhu cầu nội địa tăng cao, mà Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ vào nền kinh tế toàn cầu.
Với việc tham gia 19 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có nhiều FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTPP, Việt Nam đã tạo ra một hệ sinh thái thuận lợi để DN logistics trong nước có thể mở rộng hoạt động và nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, để đạt được mức đóng góp 12-15% vào GDP vào năm 2050 như trong Dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các DN logistics Việt Nam phải đầu tư vào công nghệ mạnh mẽ, nỗ lực số hóa, mở rộng mạng lưới kết nối và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Thời gian qua, sự bùng nổ về thương mại điện tử khiến các nhà cung cấp dịch vụ hậu cần phải đổi mới dịch vụ để có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về các dịch vụ hậu cần chuyên biệt (giao hàng trong ngày, quản lý trả hàng và trung tâm xử lý đơn hàng tự động...).
Việc tích hợp tự động hóa trong logistics đã tác động đáng kể đến thương mại điện tử, đặc biệt là rút ngắn thời gian giao hàng. Hệ thống tự động có quy trình phân loại và đóng gói hợp lý, giảm thiểu sai sót và cải thiện đáng kể hiệu quả giao hàng.
Số hóa đang định hình lại lĩnh vực logistics của Việt Nam, thúc đẩy nâng cao hiệu quả, tiết kiệm chi phí và cải thiện việc cung cấp dịch vụ. Các công nghệ như blockchain, trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (Internet of Things) đang chuyển đổi các hoạt động hậu cần, từ mức độ chỉ theo dõi luồng hàng tồn kho sang khả năng hiển thị cả chuỗi cung ứng.
Các chuyên gia nhận định, việc ứng dụng các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, Blockchain, Internet of Things (IoT), và Big data có thể tối ưu hóa quy trình vận chuyển hàng hóa, giảm thiểu thời gian xếp dỡ, và nâng cao khả năng theo dõi và quản lý hàng hóa. Điều này không chỉ mang lại lợi ích về chi phí mà còn tăng cường uy tín và hình ảnh của cảng, thu hút đầu tư và tạo nên một môi trường kinh doanh thuận lợi.
Theo ông Đinh Thanh Sơn - Phó Tổng Giám đốc Viettel Post, để có thể chuyển đổi số, bước đầu tiên là phải chuyển đổi về con người, nhân lực. Từ kinh nghiệm thực tế trong hành trình chuyển đổi số của DN với hơn 40.000 nhân viên, ông Sơn cho biết công ty đã bắt đầu số hóa các quy trình và hoạt động. Đồng thời, đầu tư tất cả các khâu bằng các công cụ như IoT (internet vạn vật), các ứng dụng cho cán bộ nhân viên.
“Qua đó, công ty sẽ thu thập được những dữ liệu và bắt đầu đưa vào phân tích tạo ra một hệ thống nền tảng quản trị mạng lưới. Vấn đề quan trọng nhất là ứng dụng công nghệ sẽ giúp tìm ra được điểm nghẽn trong hệ thống từ đó phân bố nguồn lực, tái đầu tư nguồn lực một cách hợp lý” - ông Sơn cho biết.