Kinh tế

Xuất khẩu gạo: Kiên trì mục tiêu 5 tỷ USD

Khanh Lê 05/11/2024 09:27

1 tháng sau khi Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo, giá gạo xuất khẩu Việt Nam giảm nhẹ, song vẫn ở mức cao. Giới chuyên gia đánh giá, từ nay đến cuối năm, xuất khẩu gạo của Việt Nam giữ mức ổn định, kim ngạch cả năm 2024 có thể vượt mục tiêu 5 tỷ USD.

tren(1).jpg
Xuất khẩu gạo tiếp tục có nhiều triển vọng. Ảnh: Chu Khôi.

Giá lúa gạo trong nước vẫn giữ ổn định

Ngày 4/11, ghi nhận tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy, giá lúa gạo vẫn duy trì ổn định. Hiện giá gạo nguyên liệu IR 504 Hè Thu ở mức 10.600 - 10.700 đồng/kg. Trong khi đó, gạo thành phẩm IR 504 ở mức 12.550 - 12.650 đồng/kg.

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh An Giang cho hay, giá lúa ngày 4/11 vẫn giữ nguyên so với ngày 3/11, IR 50404 giá ở mức 6.700 - 7.100 đồng/kg; Lúa Đài thơm 8 ở mức giá 7.800 - 8.000 đồng/kg, Lúa OM 5451 ở mức 7.300 - 7.600 đồng/kg; Lúa OM 18 có giá 8.400 - 8.500 đồng/kg; OM 380 dao động 7.000 - 7.200 đồng/kg... Trên thị trường gạo, giá gạo cũng nguyên giá so với ngày 3/11. Hiện giá gạo nguyên liệu IR 504 Hè Thu ở mức 10.600 - 10.700 đồng/kg. Trong khi đó, gạo thành phẩm IR 504 ở mức 12.550 - 12.650 đồng/kg.

Trên thị trường xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam không có điều chỉnh so với ngày 3/11. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, gạo 100% tấm ở mức 427 USD/tấn; gạo tiêu chuẩn 5% ở mức 524 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 495 USD/tấn.

Với mức giá trên, giá lúa gạo thị trường trong nước đang cao hơn so với thị trường thế giới. Cụ thể, gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, được chào bán ở mức 442 - 449 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ ngày 20/7/2023 và giảm so với mức từ 450 - 484 USD/tấn của tuần trước. Gạo trắng 5% tấm được chào bán ở mức từ 449 - 455 USD/tấn. Giá gạo 5% tấm của Thái Lan giảm tuần thứ hai liên tiếp xuống còn từ 485 - 495 USD/tấn, từ mức 510 USD/tấn của tuần trước.

Lý giải nguyên nhân khiến giá gạo trong nước đang diễn biến ngược chiều so với giá gạo thế giới, ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, tình hình bão lũ trong tháng 9/2024 khiến hàng trăm héc ta lúa ở miền Bắc bị ảnh hưởng, dẫn đến nguồn cung gạo trong nước giảm. 2 tháng cuối năm, nguồn cung gạo không còn dồi dào, vì vậy một số doanh nghiệp (DN) xuất khẩu phải tăng nhập lúa gạo từ các nước láng giềng để trả đơn hàng xuất khẩu những tháng cuối năm.

Gạo Việt tiếp tục giữ vị trí chủ lực tại nhiều thị trường

Theo số liệu mới nhất của Bộ NNPTNT, khối lượng xuất khẩu gạo tháng 10 năm 2024 ước đạt 800.000 tấn với 505 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 10 tháng đạt gần 7,8 triệu tấn với 4,86 tỷ USD, tăng 10,2% về khối lượng và tăng 23,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.

Giá gạo xuất khẩu bình quân 10 tháng năm 2024 ước đạt 626,2 USD/tấn, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, theo Thương vụ Việt Nam tại Philippines, đến cuối tháng 10/2024, gạo Việt Nam tiếp tục giữ vị thế chủ lực khi xuất khẩu vào thị trường Philippines, chiếm gần 80% lượng gạo nhập khẩu của quốc gia này.

Tính riêng từ đầu năm đến ngày 24/10/2024, Philippines nhập khẩu 380.541,58 tấn gạo, cao hơn rất nhiều so với con số 163.217,40 tấn gạo nhập khẩu trong tháng 10 năm 2023. Với xu hướng tăng trưởng này, dự báo tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines trong cả năm 2024 sẽ ở mức trên 4 triệu tấn, có thể đạt 4,5 triệu tấn.

"Năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu được 8,13 triệu tấn gạo. Với tốc độ xuất khẩu 10 tháng qua và khả năng sản xuất trong nước thì xuất khẩu gạo sẽ đạt trên 8 triệu tấn. Vừa qua, Ấn Độ đã mở cửa xuất khẩu gạo trở lại và gạo 5% tấm có sự ảnh hưởng nhất định nhưng ở chuỗi giá trị gạo chất lượng cao, Việt Nam vẫn duy trì được giá xuất khẩu tương đối tốt” - Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến khẳng định.

Nhận định về thị trường xuất khẩu gạo trong những tháng còn lại của năm 2024, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết, hiện nguồn cung của một số nước xuất khẩu gạo đang hạn chế, trong khi chất lượng gạo Việt Nam ngày càng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu khó tính của thị trường thế giới. Bên cạnh đó, nhu cầu nhập khẩu gạo từ các khách hàng truyền thống của Việt Nam như Philippines, Indonesia, Malaysia... sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao. Các DN xuất khẩu gạo của nước ta cũng đang tích cực mở rộng sang những thị trường mới như Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Do đó, xuất khẩu gạo 2 tháng cuối năm vẫn khá sôi động.

Giới chuyên gia cho rằng, dù vậy giá lúa gạo vẫn thuận lợi cho các DN. Để đảm bảo mục tiêu xuất khẩu năm 2024, các DN xuất khẩu gạo Việt Nam phải luôn đảm bảo, duy trì được chất lượng gạo giữa các lô hàng. Đồng thời phải đảm bảo yếu tố cạnh tranh, tránh những hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh để phá giá gạo.

Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), việc Ấn Độ nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu gạo, đương nhiên sẽ kéo giá gạo của các quốc gia xuất khẩu chính trên thế giới xuống, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, Bộ Công thương khuyến cáo các DN xuất khẩu gạo theo dõi sát thị trường gạo thế giới và trong nước, có tính toán thận trọng, chắc chắn khi chào giá đối với các lô hàng xuất khẩu để bảo đảm hiệu quả kinh doanh và giữ uy tín cho gạo Việt Nam.

Theo số liệu mới nhất của Bộ NNPTNT, khối lượng xuất khẩu gạo tháng 10 năm 2024 ước đạt 800.000 tấn với 505 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 10 tháng đạt gần 7,8 triệu tấn với 4,86 tỷ USD, tăng 10,2% về khối lượng và tăng 23,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.

Khanh Lê