Văn hóa

Phải chăng hoa hậu 'được mùa, mất giá'?

Phương Anh 05/11/2024 09:30

“Người đẹp Việt miệt mài thi hoa hậu” là cụm từ xuất hiện ngày một nhiều trên mạng xã hội cũng như báo chí. Họ được gọi là những “chiến binh” chinh chiến ở mọi đấu trường. Dẫu biết rằng tham dự đường đua nhan sắc để tìm kiếm danh hiệu là điều chính đáng. Nhưng quá đắm đuối lại là việc rất khác...

anhbaitren.jpg
Nhiều cuộc thi hoa hậu được tổ chức trong thời gian qua. (Trong ảnh: Chung kết cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam 2023).

Mới đây, khi xuất hiện tại sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM), hoa hậu Nguyễn Cao Kỳ Duyên và hoa hậu Huỳnh Thị Thanh Thủy được đông đảo khán giả tiễn lên đường dự thi quốc tế. Dịp này, cùng lúc, 3 người đẹp Việt Nam sẽ chinh chiến tại 3 cuộc thi sắc đẹp quốc tế.

Đó là các cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2024 (tại Mexico), Hoa hậu Quốc tế 2024 (tại Nhật Bản) và Hoa hậu Trái đất 2024 (tại Philippines). Hoa hậu Nguyễn Cao Kỳ Duyên sẽ tham dự cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2024 (chung kết ngày 16/11). Huỳnh Thị Thanh Thủy tham dự cuộc thi Hoa hậu Quốc tế 2024 (chung kết ngày 12/11) và người đẹp Cao Ngọc Bích tham dự cuộc thi Hoa hậu Trái đất 2024 (chung kết ngày 9/11).

“Miệt mài” thi hoa hậu

Những năm qua, một số người đẹp việt Nam liên tục tham dự những cuộc thi hoa hậu quốc tế, nhưng năm nay được xem là “đông vui” nhất. Theo thời gian, phần nào thông qua các cuộc thi hoa hậu quốc tế, nhan sắc Việt đã được đánh giá cao, đem tới niềm vui, sự phấn khởi và tự hào cho phụ nữ Việt Nam.

Tuy nhiên, cũng ngày càng nhiều ý kiến khi cho rằng có sự lạm phát các cuộc thi hoa hậu trong nước, ở các cấp độ khác nhau. Việc các cuộc thi hoa hậu bùng nổ không chỉ dẫn đến tình trạng khan hiếm thí sinh mà nhiều cô gái tham gia thi nhan sắc cũng như đang... chạy show. Có người đẹp chưa xong cuộc thi này đã chuẩn bị cuộc thi sắc đẹp khác. Có trường hợp một cô gái dự thi nhiều cuộc trong cùng một năm, đến độ các ban giám khảo “quen mặt”, không cần cả màn giới thiệu.

Thực tế cho thấy, việc tham gia một cuộc thi nhan sắc đòi hỏi các thí sinh phải có sự đầu tư về thời gian, công sức lẫn tiền bạc. Song, không phải người đẹp nào cũng thành công. Dù thế, nhiều thí sinh vẫn cho rằng càng tham gia nhiều cuộc thi sẽ càng có kinh nghiệm về ứng xử, tâm lý, kỹ năng thể hiện và mong chiến thắng không đến lần này thì sẽ đến lần sau.

Thách thức và cơ hội luôn song hành. Tất nhiên danh hiệu không thể quá nhiều và cũng không thể chia đều cho mọi người, dẫu biết rằng tham dự đường đua nhan sắc để tìm kiếm danh hiệu là điều chính đáng. Nhưng quá đắm đuối lại là việc rất khác.

Để có thành tích cao ở một đấu trường nhan sắc, việc "biết ta" là điều cần thiết. Khó trách một cô gái tham gia vài ba cuộc thi nhan sắc nhưng họ phải biết mình có hành trang và “vũ khí” gì để xuất hiện một cách không mờ nhạt, rồi sau đó mới hy vọng có danh hiệu. Dù rằng do sự bùng nổ của các cuộc thi hoa hậu nên số người được giải cũng không ít.

Chỉ riêng đêm 3/8, Việt Nam có thêm 2 hoa hậu là Võ Lê Quế Anh (Miss Grand Vietnam 2024) và Phạm Thị Ngọc Quỳnh (Hoa hậu Du lịch Việt Nam), cùng đó là 6 Á hậu cũng như các danh hiệu khác. Một tài khoản mạng xã hội bình luận vui: “Giờ ra đường gặp hoa hậu nhiều khi chẳng biết. Đúng kiểu mục tiêu đến năm 2030 mỗi gia đình sẽ có một hoa hậu, á hậu”.

Một tài khoản khác thì nói: “Ngày xưa xem hoa hậu quá mê luôn, nay thì nhiều cuộc thi đến mức không có thời gian để xem. Chưa kịp nhớ mặt cô này thì lại xuất hiện thêm vài cô hoa hậu khác. Lạm phát sắc đẹp quá, một năm mà có biết bao nhiêu hoa hậu xuất hiện thì ai mà nhớ cho hết. Số lượng thì nhiều mà chất lượng thì chẳng vào đâu”.

Ai được lợi từ các cuộc thi?

Cùng với việc một số hoa hậu hội tụ đầy đủ các yếu tố về tài, sắc, ứng xử thì bên cạnh đó cũng xuất hiện không ít cuộc thi vướng phải ý kiến trái chiều, tranh luận cũng làm khán giả ngán ngẩm về chất lượng cũng như sự công tâm.

Có lẽ bùng phát các cuộc thi hoa hậu trong nước bắt đầu từ năm 2022. Theo thống kê, trong năm 2022 cả nước có khoảng 30 cuộc thi hoa hậu được tổ chức. Có thể kể đến các cuộc thi: Hoa hậu Sinh thái (Việt Nam), Hoa hậu Thể thao, Hoa hậu Du lịch Toàn cầu, Hoa hậu Doanh nhân Hoàn vũ, Hoa hậu Doanh nhân Toàn cầu, Hoa hậu Quý bà Việt Nam Toàn cầu, Hoa hậu Môi trường, Hoa hậu Thương hiệu… Chính việc các cuộc thi này diễn ra với tần suất quá lớn đã dẫn đến tình trạng khó kiểm soát trong công tác tổ chức.

Cũng phải nói thêm rằng, không ít cuộc thi không rõ mục đích và quy mô tổ chức nhưng vẫn dùng danh xưng hoa hậu. Điều này đã làm mất đi tính chất nghiêm túc của những cuộc thi và ảnh hưởng tới danh hiệu được trao.

Ông Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội cho biết, việc tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật, trong đó có các cuộc thi người đẹp, là vì nhiều mục đích khác nhau. Tuy nhiên, bên cạnh một số cuộc thi sắc đẹp nghiêm túc, có tác động thực sự theo nghĩa tích cực, thì đa phần các cuộc thi sắc đẹp khá "vô bổ", bị chi phối bởi lợi ích kinh doanh và không hoàn toàn bởi việc tôn vinh vẻ đẹp hình thể và tri thức của phụ nữ.

“Điều này sẽ rất tai hại khi các cuộc thi lan tràn ảnh hưởng tiêu cực đến các cuộc thi nghiêm túc và hình ảnh đẹp đẽ của người phụ nữ”- ông Sơn nói, đồng thời cho biết thêm, cần phải hiểu rằng, hoa hậu không phải là một nghề mà chỉ là một danh hiệu. Việc danh hiệu này có đáng tự hào khi được công chúng nhắc tới hay là bị nghi ngờ về mục đích là điều cần phải rất lưu ý, kể cả người dự thi lẫn đơn vị tổ chức.

Trước việc có quá nhiều các cuộc thi hoa hậu, nhiều người đặt câu hỏi: Ai được lợi từ các cuộc thi đó? Khi mà với mật độ ngày càng dày đặc, lượng thí sinh lại có hạn, đã tạo ra một thực tế gương mặt mới thì ít mà gương mặt cũ lại nhiều. Việc một số cô gái “dành cả thanh xuân” để đi thi hoa hậu, có nên khuyến khích hay không?

Với những gì đang diễn ra tại “đấu trường nhan sắc quốc nội”, dư luận cho rằng đã đến lúc cơ quan chức năng cần phải rà soát nghiêm túc, mạnh dạn dẹp bớt các cuộc thi hoa hậu vô bổ, để mỗi cuộc thi thực sự truyền cảm hứng cho xã hội, thay vì đem tới sự muộn phiền và những lùm xùm không đáng có.

anhbox baitren
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, trước kia, các cuộc thi hoa hậu ở nước ta hay trên thế giới đều có mục đích tốt đẹp là tìm chọn ra những biểu tượng vẻ đẹp về nhan sắc, hình thể, tâm hồn, sự hiểu biết, trách nhiệm, lòng nhân ái... với cộng đồng, xã hội. Nhưng hiện nay Việt Nam đang “lạm phát” các cuộc thi hoa hậu. Cuộc thi sắc đẹp tràn ngập khắp nơi, chất lượng không đảm bảo, thậm chí gây phản cảm thì cần phải giảm bớt. “Tôi cho rằng các cuộc thi hoa hậu ngày càng nở rộ mà không mang lại lợi ích gì nhiều cho xã hội, không tác động đến sự phát triển giáo dục, kinh tế... thì nên hạn chế” - ông Thiều bày tỏ.

Phương Anh