Giám sát - Phản biện

Quảng Nam: Dự án nâng cấp, xây dựng 76 trạm y tế chậm tiến độ

Tấn Thành – Chí Đại 05/11/2024 09:35

Tại Quảng Nam có những trạm y tế tuyến xã xây dựng cách đây trên 30 năm đã xuống cấp trầm trọng cần xây mới, sửa chữa, nâng cấp kể cả cơ sở hạ tầng và trang thiết bị. Do đó UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt Dự án đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị cho 76 trạm y tế. Thế nhưng dự án này quá ì ạch và chẳng biết đến khi nào mới xong.

Anh bai tren
Trạm Y tế xã Điện Trung, thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) đang cần được đầu tư xây dựng mới. Ảnh: Tấn Thành.

Dự án nói trên được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt tại Quyết định số 601 ngày 27/3/2023 với tổng mức đầu tư 196,991 tỷ đồng, quy mô xây mới 7 trạm; nâng cấp, cải tạo, mở rộng 46 trạm; đầu tư trang thiết bị y tế cho 64 trạm. Nguồn vốn dự án này thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau dịch Covid-19 được Quốc hội thông qua từ năm 2022. Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (Ban quản lý dự án) tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư. Theo kế hoạch đến tháng 11/2024 hoàn thành đưa vào sử dụng. Thế nhưng cho dù lãnh đạo tỉnh đã có nhiều đôn đốc thì tiến độ vẫn quá chậm.

Cụ thể, theo báo cáo mới nhất Ban quản lý dự án tỉnh Quảng Nam, đến nay gói xây dựng 15/53 thì 14 trạm đã thi công cơ bản hoàn thành, còn 38 trạm khởi công tháng 10/2024, dự kiến hoàn thành tháng 12/2024. Về mua sắm trang thiết bị y tế gói thầu khoảng 23,3 tỷ đồng, Ban quản lý dự án tỉnh đang thực hiện lại thủ tục thẩm định giá và dự kiến hoàn thành mua sắm, lắp đặt cuối quý IV/2024.

Đối với dự án đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo 5 Trung tâm Y tế tuyến huyện, tổng mức đầu tư 92 tỷ đồng, dự án đã được gia hạn thời gian thực hiện và giải ngân vốn đầu tư đến hết năm 2024.

“Nghị định số 136/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy (PCCC) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC, thủ tục góp ý về PCCC của Công an PCCC - cứu hộ cứu nạn chỉ áp dụng cho 1 công trình riêng lẻ. Tuy nhiên, quy mô đầu tư dự án gồm 5 Trung tâm Y tế huyện riêng biệt nên đơn vị tư vấn thiết kế phải tách hồ sơ để trình góp ý cho từng công trình nên phần nào ảnh hưởng đến tiến độ chung” - báo cáo cho biết.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Huỳnh Xuân Sơn - Giám đốc Ban quản lý dự án tỉnh Quảng Nam cho biết, tình hình dự án như hiện nay có những khó khăn nhất định cần được chia sẻ, như theo chủ trương của Tỉnh ủy về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025, sẽ có một số xã bị ảnh hưởng đến nội dung đầu tư cụ thể phải trình phê duyệt điều chỉnh.

Chưa hết, còn hồ sơ từ khâu khảo sát, lập chủ trương đầu tư, lập dự án đến bước thiết kế bản vẽ thi công triển khai trong thời gian ngắn nên khó tránh được thiếu sót. Ban quản lý dự án tỉnh Quảng Nam đã tổ chức điều chỉnh một số nội dung liên quan đến thiết kế, vì vậy, phải kéo dài thời gian thực hiện gói thầu.

Đây là 2 dự án nhóm B, triển khai trên địa bàn rộng, nhiều công trình ở vùng sâu, vùng xa, mặt khác các công việc đa số phải đấu thầu qua mạng như: Tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi, tư vấn thiết kế đến các gói thầu xây lắp nên cần nhiều thời gian. Ngoài ra còn một số vấn đề liên quan đến sự thay đổi chính sách về tổ chức đấu thầu, giải ngân, phê duyệt điều chỉnh dự án có thay đổi. Trong đó có việc phê duyệt điều chỉnh dự án của 10 trạm vì phải thực hiện thủ tục quy hoạch tổng mặt bằng mất 2 tháng từ 2/2/2024 đến 1/4/2024.

Trước sự chậm trể của dự án, ông Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho biết, nhiều trạm y tế đang thi công thì tạm dừng nhiều tháng nay. Hoạt động khám chữa bệnh phải thực hiện tạm thời tại trụ sở các cơ quan, nhà dân, không đảm bảo các điều kiện cần thiết cho khám chữa bệnh.

“Chúng tôi rất lo lắng về nguy cơ mất vốn khi thời điểm kết thúc dự án theo Nghị quyết của Quốc Hội đã đến gần. Trong điều kiện nguồn thu của địa phương đang rất khó khăn, kinh phí dành cho ngành y tế từ ngân sách địa phương còn hạn chế thì đây là nguồn kinh phí hết sức quý giá. Nếu nguồn vốn bị thu hồi, lấy nguồn kinh phí nào bù đắp vào? Điều này tạo thêm áp lực lên các cơ sở y tế đang được thụ hưởng từ dự án”.

Thiết nghĩ, trước những khó khăn dẫn đến dự án chậm tiến độ và có nguy cơ kéo dài, không chỉ là trách nhiệm của Ban quản lý dự án tỉnh Quảng Nam mà các cấp, các ngành liên quan ở Quảng Nam cần tìm cách tháo gỡ để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng, đảm bảo cơ sở khám chữa bệnh cho người dân, nhất là tuyến xã và ở vùng sâu vùng xa, vào mùa mưa bão có thể bị cô lập.

Tấn Thành – Chí Đại