Gỡ điểm nghẽn chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế
Ngày 4/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Tại phiên họp, ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, các bộ, ngành cần tăng phân cấp, phân quyền cho địa phương; tập trung đẩy nhanh thực hiện các dự án trọng điểm, có tính chất phát triển lan tỏa toàn vùng. Đồng thời, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn về chính sách để thúc đẩy phát triển kinh tế.
“Đánh thức” phát triển 3 động lực nội sinh
ĐBQH Trần Hoàng Ngân (Đoàn TPHCM) bày tỏ quan điểm đồng tình với báo cáo của Thủ tướng trước Quốc hội về việc phấn đấu năm 2025 tăng trưởng từ 6,5 - 7% và cao hơn nữa là 7-7,5%. Tuy nhiên, để hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, ông Ngân cho rằng cần phải có chính sách để kết nối FDI với các doanh nghiệp (DN) trong nước có chiến lược phát triển công nghiệp cơ khí, công nghiệp, dịch vụ phụ trợ công nghiệp vật liệu, phụ kiện. Đặc biệt quan tâm hơn nữa đến các sản phẩm mang thương hiệu Việt, nông sản, thủy sản. Bên cạnh đó, cần phải có những chính sách quan tâm tổng thể để tiếp sức cho DN Việt, đặc biệt các DN nhỏ và vừa.
Cho rằng tiêu dùng nội địa tuy có sự phục hồi mạnh trong 9 tháng, tăng trưởng 8,8%, nhưng so với trước dịch Covid-19 còn thấp (trước dịch chúng ta tăng trưởng 2 con số). Do đó, ông Ngân đề nghị phải có chính sách hỗ trợ cho tiêu dùng, nhất là vấn đề về giảm thuế cũng như khuyến khích vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Ngoài việc khuyến khích phát triển các động lực mới như là khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn thì cần “đánh thức”, phát triển 3 động lực nội sinh, đó là: khu vực nông nghiệp, văn hóa và du lịch. Đây là những thế mạnh của Việt Nam chúng ta từ đặc điểm kinh tế chính trị - xã hội, điều kiện thiên nhiên. Ba lĩnh vực này mới thực sự là chủ công của đất nước.
Theo ĐBQH Nguyễn Văn Thi (Đoàn Bắc Giang), việc giải ngân vốn đầu tư công có tích cực nhưng chưa đạt kế hoạch. Tỷ lệ giải ngân chung của cả nước 9 tháng đầu năm là 47,29%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023. Khu vực DN vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, trong 9 tháng đầu năm có 163.800 DN rút lui khỏi thị trường, tỷ lệ DN rút khỏi thị trường/số DN tham gia thị trường cao nhất kể từ năm 2019 đến nay. Tín dụng những tháng đầu năm tăng trưởng thấp, mặc dù mặt bằng lãi suất đã giảm, trong khi đó giá vàng liên tục tăng.
Theo đánh giá của ông Thi, điều này cho thấy khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của DN và nền kinh tế còn hạn chế, sản xuất kinh doanh của DN còn nhiều khó khăn, một bộ phận khá lớn người dân có tâm lý bất ổn nên đã lựa chọn việc mua vàng để cất trữ. “Chính phủ cần phân tích, nhận diện rõ các nguyên nhân, từ đó có giải pháp cụ thể, phù hợp và hiệu quả đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời hỗ trợ DN phát triển” - ông Thi kiến nghị.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm vượt 7%, ĐBQH Trình Lam Sinh (Đoàn An Giang) đề xuất, Chính phủ cần tiếp tục triển khai thực hiện các kịch bản nhằm chủ động và kịp thời phản ứng với các mức độ tăng trưởng của nền kinh tế, thực hiện có hiệu quả các giải pháp, tập trung vào các động lực tăng trưởng truyền thống nhất là xuất khẩu, đồng thời đẩy mạnh thực hiện các động lực tăng trưởng mới.
Dẫn báo cáo của Chính phủ về việc số lượng DN rút khỏi thị trường cho thấy các DN trong nước còn gặp nhiều khó khăn, ông Sinh đề nghị, Chính phủ tiếp tục hỗ trợ về mặt chính sách nhằm giúp các thành phần kinh tế trong nước tháo gỡ khó khăn, đồng thời ban hành các chính sách hỗ trợ quyết liệt hơn nhằm bảo hộ và kích cầu tiêu dùng hàng hóa trong nước trước sự xâm nhập ngày càng dữ dội của hàng hóa, nhất là hàng hóa giá rẻ từ nước ngoài thông qua giao dịch thương mại điện tử và mạng xã hội.
ĐBQH Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hoá) nêu quan điểm, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phải tiếp tục chỉ đạo quyết liệt hơn nữa việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún.
Bên cạnh đó, cần sớm hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai năm 2024, nhất là các văn bản thuộc thẩm quyền của các địa phương để đẩy nhanh quá trình tích tụ, tập trung đất đai, mở rộng quy mô sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả, tạo sinh kế và tăng thu nhập cho người nông dân.
Cải cách hành chính, chống lãng phí
ĐBQH Nguyễn Thành Nam (Đoàn Phú Thọ) đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần tăng cường giám sát, kiểm tra chuyên đề về giải quyết thủ tục hành chính để tạo sự lan truyền mạnh mẽ về đổi mới cải cách từ trung ương đến địa phương, thực hiện đúng, đủ nghiêm túc các quy định, nguyên tắc về thực hiện thủ tục hành chính, thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với địa phương theo phương châm địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm, cải cách triệt để thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và DN.
ĐBQH Phạm Hùng Thắng (Đoàn Hà Nam) cũng đề nghị, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, nhất là thủ tục hành chính, lãi suất cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho DN phục hồi và phát triển. Tăng cường công tác quản lý, tập trung thực hiện các giải pháp để xử lý khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, ưu tiên bố trí nguồn lực cho đầu tư hạ tầng kết nối các chương trình mục tiêu quốc gia, nghiên cứu cơ chế cho phép địa phương được điều chuyển nguồn vốn từ các dự án kém hiệu quả sang dự án trọng điểm khác để phát huy nguồn lực đầu tư.
Để đẩy mạnh quá trình phục hồi, thực hiện hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, ĐBQH Trần Thị Hồng Thanh (Đoàn Ninh Bình) đề nghị, tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo môi trường thuận lợi cho thúc đẩy tăng trưởng, tập trung vào quyết liệt ban hành và thực thi hiệu quả hơn các chính sách, giải pháp tháo gỡ các vướng mắc, nhất là pháp lý định giá đất, tiếp cận vốn. Sớm ban hành khung pháp lý nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi năng lượng.
Còn ĐBQH Đào Hồng Vận (Đoàn Hưng Yên) nêu quan điểm, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng phân cấp, phân quyền, làm rõ trách nhiệm và gắn liền với việc kiểm soát quyền lực và trách nhiệm công vụ. Tập trung đẩy mạnh đầu tư các dự án trọng điểm, có tính chất đột phá, dẫn dắt, lan tỏa ví dụ như sân bay quốc tế Long Thành, đường sắt tốc độ cao trình tại kỳ họp này và các dự án điện sạch.
“Cùng với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chúng ta tiếp tục đẩy mạnh việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư. Hiện tại rất nhiều dự án nhiều năm nhà đầu tư đang triển khai rồi nhưng không đưa vào để khai thác được, không đưa vào để thực hiện được, việc này là một tồn tại gây lãng phí rất lớn đối với nguồn lực của xã hội” - ông Vận nói.
Trong khi đó, ĐBQH Mai Thị Phương Hoa (Đoàn Nam Định) cho rằng, còn có một bộ phận cán bộ có tâm lý coi nhẹ việc chống lãng phí ngay trong hoạt động quản lý. “Lãng phí cơ hội và thời gian là sự lãng phí tài sản vô hình lớn nhất của con người, khi cơ hội và thời gian trôi qua sẽ không bao giờ quay trở lại, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhận định thủ tục hành chính rườm rà làm lãng phí thời gian của người dân, DN, bệnh sợ trách nhiệm, đùn đẩy trong công việc sẽ lãng phí cơ hội phát triển của địa phương và đất nước” - bà Hoa nói và cho rằng, nếu chúng ta chống lãng phí thành công như chống tham nhũng thời gian qua thì đất nước ta nhất định sẽ vững vàng bước vào kỷ nguyên mới.
Chỉ rõ lãng phí trong xây dựng tài sản công, đất đai còn lớn, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư tại một số dự án kéo dài, ĐBQH Lê Thị Thanh Lam (Đoàn Hậu Giang) đề nghị, Chính phủ chỉ đạo, rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công, chỉ số hài lòng của người dân, hạn chế tình trạng càng tinh giản thủ tục lại càng nhiều thủ tục thay thế.
Phát biểu tại phiên họp, ĐBQH Đào Chí Nghĩa (Đoàn TP Cần Thơ) cho rằng, để đạt được những thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội trong 9 đầu năm là nhờ sự quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, chính quyền các địa phương trong công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Nhân dân và cử tri rất đồng tình, ủng hộ việc triển khai các công trình trọng điểm quốc gia có ý nghĩa liên kết vùng, tạo hiệu ứng lan tỏa khi đưa vào khai thác, sử dụng. Đặc biệt, trong kỳ họp này Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đây sẽ là những công trình rất quan trọng, tạo nền tảng căn cơ cho sự phát triển của đất nước trong thời gian tới.