Tinh hoa Việt

Bãi sông, Cỏ và Tôi

NGUYỄN THỊ MINH HOA 05/11/2024 13:31

Nơi quê, đông lạnh, hanh hao khô xác. Triền đê chợ vãn, mái lá gió vờn. Ngày giáp hạt, bến cô liêu, bãi làng buồn thiu. Gió lạnh qua đình, qua miếu, thân đại già mốc thếch nghe gió rít qua tai lá, rụng bông hoa cuối mùa.

capture(1).jpg

Se sắt từ bến sông theo con đường đất bụi về làng.

Người bên sông lao lực khắp bến xa, bãi gần, đồng đất trong đê bất kể nắng mưa, cho kịp mùa vụ mà vẫn nghèo. Cái nghèo đeo bám chẳng tính người mang họ nào và không thể tính bằng năm tháng mùa vụ mà phải tính bằng những thế hệ người làng. Người làng vẫn chép miệng và nghĩ lời nguyền gì mà sâu đến thế.

Bởi: Sông Đáy khúc này phải nói là thuận. Như mọi làng quê khác bãi này chủ nhân trồng ngô, mía và màu. Ngơi tay với đất thì người trong mấy thôn còn có nghề phụ, đó là nghề mật mía, nghề đồng nát và nghề thu mua, vận chuyển buôn bán nông, lâm sản, mà người làng vẫn gọi là ‘’ đi ngược’’. Làng người ta 1 nghề thì sống, làng này đống nghề mà nghèo.

Lại nói thêm về những chuyến "đi ngược’’ của người làng. Xe tải thực hiện lộ trình Tây Bắc xưa thường phải qua phà Đồng Mai. Bám đồng đất hay thu mua đồng nát đôi khi chậm lại không đủ sức thu hút cánh thích bay nhảy không yên phận thủ thường nên họ đã "nhảy tót’’ lên ca – bin cánh xe tải đi khám phá vùng đất mới.

Có nhà ban đầu chỉ một người đi nghe ngóng xem mối hàng thế nào rồi đánh thử 1 chuyến hàng, thật bất ngời lãi bằng cả tạ ngô. Thế nên liều đi tiếp những chuyến sau và rủ thêm anh em họ mạc đi cùng làm ăn, dần dà thấy lãi đâm mê, không đi không chịu nổi. Phần vì nhớ những cung đường, phần vì có đi ngược mới nhìn thấy đồng tiền và mới dám mong có bát ăn, bát để.

Chuyện trong làng khó giấu, cánh chị em thấy thế cũng không chịu kém, bỏ quang thúng, đồng đất mà theo chồng "đi ngược’’. Sợ, tiền rải dọc đường cũng hết, chưa tính có khi con cũng rải theo, thì có mà nát nhà. Có chị em bạo dạn suy đi tính lại rồi cũng chủ động chọn dặm trường hơn là bám đất làng. Hàng theo xe về phố Mai Lĩnh rồi theo người đổ buôn ra tỉnh không thiếu món nào. Người làng gửi rể hay làm dâu lập nghiệp xứ người cũng nhiều, được cái dẫu thành đạt hay khốn khó vẫn tìm cách trở về làng. Anh em, họ mạc quấn túm lấy nhau, lại lăn lộn với đồng đất, hay thiết tha câu rao "Ai lông gà lông vịt bán đê’’ khắp các làng xã lân cận.

Thế là đất này có đến 3 nghề phụ. Nghề "đi ngược’’ đến sau cùng mà lại phất lên nhanh nhất, gắn bó với người làng khi mà những nghề có từ lâu đời mai một và dần mất hẳn.

Chẳng thế mà người trong vùng, người bến trước, bến sau khi nhận xét về làng từ xưa luôn có ý so sánh, lời khen nhiều mà đôi khi rõ cả những hờn ghen.

Rằng: Dòng chảy chung mà người bến sông này lại đẹp hơn hẳn bến khác. Lại có đôi tiếng thở dài mà rằng "Đẹp có mài ra mà ăn được không? Bao giờ no cơm, lành áo hẵng hay’’. Cho đến bao giờ chẳng ai dám khẳng định, chỉ biết gái làng không phô cũng đẹp, đẹp mặn mà ngay cả khi ngược xuôi lam lũ, đẹp lại còn đảm nên được thương quý. Người bến nào cũng mong được làm rể bến phà Mai Lĩnh bất kể đất ấy nghèo.

Phà Mai Lĩnh nhìn vào bãi thôn Nhân Huệ, Nhân Sơn, Y Sơn mía tốt ngập đầu, mưa thì cho mía dài gióng, nắng thì cho mía ngọt sắt. Lá mía sắc như dao cũng không ngăn được gái làng tay chặt, tay bó chất cả lên xe bò kéo về làng. Làng không có đường lát gạch nghiêng, những chuyến xe bò kéo bao đời đã khiến những hòn đá trên đường mòn vẹt, nhẵn thín, nhấp nhô trong rác, đất mùn đen kịt. Những cây duối cõi thân bạc thếch, những cây dứa dại lá vươn dài, gà trong bụi và rắn cũng trong bụi. Bọn trẻ con đi qua nhìn vào hốc cây có vẻ sợ hãi. Nhưng mỗi mùa khi quả duối chi chít vàng, quả bô rô với cái nhân bùi cực ngon, hay quả vú bò có nhựa cuống trắng như sữa ăn chát mà ngon, hay có khi những dây tơ hồng vàng lan trên rặng, tay với được vo lại… thế là đám trẻ quên hết. Chúng mê mệt những rặng rào với món quà ít ỏi thiên nhiên tặng cho mình.

Ấy là ngõ xóm, rặng rào, bờ cõi đất nhà mình, nhà người ta. Trẻ con lớn lên chạy suốt bãi sông, chạy khắp làng trên xóm dưới với cây và chăn bò, chơi với bò thân thiết như người bạn để rồi lớn lên cả con trai, con gái đều thành thạo với chiếc xe bò kéo, chở mía, chở ngô, chở vôi mãi tận núi Trầm, núi Sài đi bán và chở gạch, ngói tận bên Chúc, bên Gót về xây nhà mới, xây tổ ấm cho đôi trẻ nên duyên chồng vợ.

Tiếng bò ò ò khắp làng, những cái u vàng óng, đôi khi bị trầy vì vai kéo, bò đau, người xót xa.

Mùa thu hoạch, bò bỏm bẻm nhai ngọn mía ngon, bò làm việc gấp đôi, gấp 3 theo người. Vì không chỉ chuyên chở mía về làng bò còn đi vòng quanh kéo mía lấy mật. Mật mía thơm suốt làng, người làng bận đến mức chẳng mấy người tận hưởng mùi thơm này, thế nhưng nhớ. Nỗi nhớ thơm ngọt, thơm nồng, nỗi nhớ thơm truyền đời, thấm vào những nếp nhà ngói hiếm hoi trong làng.

Quê nghèo trong nỗi nhớ, trong hành trang mang theo của những người làng bay về miền mây trắng từ nơi chốn này.

Người làng quê khác sao mà khéo chọn, chọn được những nghề ngồi mát ăn bát vàng, còn người quê này số phận thế nào mà toàn gắn với nghề khó. Có nghề nữa, lại là nghề thu mua đồng nát. Đàn ông trong làng bận việc bãi, việc sông thì đàn bà, con gái ngày rảnh bận đi chợ. Không chỉ ngày 3 tháng 8, rảnh việc mùa màng mới đi chợ mà lại cứ nhằm ngày cỗ bàn, sóc vọng mà đi. Ai cũng mong mùa vịt, nhà nhà ăn tươi bằng đôi quàng quạc thì các chị, các bà đồng nát cũng mua được mớ lông. Người mua tự hỏi, bọn trẻ con bán lông vịt cũng hỏi bao lần:

- Sao bà không mua lông gà?

- Thì người thu gom không mua, bà biết làm sao?

Đôi người bảo "Vì lông gà không làm được len, nên người ta không mua’’. Người bán, người mua những tiếc rẻ mãi. Phải nói rằng những người trẻ nhất từng tiếc lông gà năm xưa giờ tóc cũng đã bạc.

Những nẻo đường đê, đường làng mòn gót mẹ, gót chị. Dù là người dép cũ đổi dép mới mà mấy người dám lấy 1 đôi để đi. Dép nào chịu được suốt những chặng đường cuốc bộ như thế, chỉ là đôi chân mải miết đi để gom góp nhặt nhạnh, chắt chiu từng hào, từng đồng đem về nhà nuôi mẹ già, con nhỏ.

Có mấy làng như người làng này, quà cưới cho con lại đơn giản chỉ là đôi quang gánh mới và dăm đôi dép nhựa. Trẻ con len vào buồng cô dâu để xem cô dâu khóc, mẹ chồng cũng nước mắt lưng tròng. Gánh hàng nhẹ tênh mà phận làm dâu gánh sao nặng.

Cầu Mai Lĩnh xây trên bến phà xưa đã kịp cũ. Dưới chân cầu dòng sông xưa nay đã cạn dòng. Bãi xưa còn ngô, còn mía nhưng không nhiều và những mảng rau màu theo vụ nhưng làng bên sông đã khác.

Nghề mật mía đã hết từ lâu, người quê, người phố ăn đường tinh luyện đã lâu người ta quên cái vị ngọt khát thô mộc của mật mía đóng tảng. Đám trẻ lớn lên đi học, đi làm công ty chẳng mấy đứa thích xuống bãi chăn bò. Và từ lâu con gái trong làng cũng không thạo đánh xe bò kéo nữa. Nghề mật mía mất từ đó.

Nghề ‘’lông gà lông vịt’’ cũng nhạt dần. Vài người trong làng còn giữ mối nên làm đại lý dép nhựa bán buôn cho cánh bán dép nhựa rong mà thôi. Duy chỉ có nghề "đi ngược’’ là còn. Lâm sản về đến phố Mai Lĩnh là cập bến miền xuôi. Không ai bảo nơi đây là chợ đầu mối nhưng các chủ hàng có đủ điều kiện từ vốn cho đến sàn chuyển vận hàng hóa. Người làng đã "đi ngược’’ đến mấy thế hệ, có nhà đã có đến 4 đời gắn bó với đường trường.

Xã Đồng Mai đã thành phường Đồng Mai. Cây cầu xưa lớn, giờ như nhỏ lại, quá tải trước lưu lượng người xe và hàng hóa chuyên chở. Dân mấy xã, mấy quận huyện ngày nào cũng ngóng tin "Cầu Mai Lĩnh’’ có tắc không? Dưới cầu là sông, bên cầu là đê Đáy, quốc lộ, đường liên huyện, liên xã, liên thôn uốn lượn theo cách cũ, cách mới, những bông hoa tím, hoa vàng được trồng theo ý chủ nhân làng xã ấy.

Không nghe tiếng nước dòng sông đáy chảy, ngọn gió thổi về từ sông đã khác. Trông về phía lòng sông thấy cây thân gỗ, thấy xanh mướt những cây cảnh lớn nhỏ của công ty giống cây trồng.

Khúc sông này nơi phà Mai Lĩnh xưa, nơi cây cầu vắt qua dường như đã bớt nghèo. Lời nguyền nếu có đã được giải. Nhà bên sông đẹp, có cả biệt thự, ô tô để trong sân…Thế nhưng dòng chảy đã cạn, có một thời đã lâu, thật là lâu thuộc về quá khứ, dòng chảy đã về xuôi.

Mai Lĩnh là quê ngoại của tôi. Nơi tôi thấy triền đê đẹp nhất, nơi bãi làng mía và ngô ngút mắt trẻ thơ. Mật mía khi nấu mang mùi thơm kỳ diệu hơn bất kể thứ kẹo nào tôi từng thấy. Mùi vị ngọt ngào ấy in trong tâm khảm tôi, để khi cay đắng nhất tôi vẫn nhớ đến, vịn vào.

Bãi sông, nơi cho tôi biết lá chua me đất xanh mướt cạnh bông hoa màu tím hồng. Mãi sau này tôi mới biết cỏ ba lá, cỏ bốn lá là lá chua me đất, là loài cỏ mang tên hạnh phúc.

Tôi đã là người có và cất giữ được vị ngọt hồn quê, đã từng hái lượm, sở hữu những lá hoa hạnh phúc. Tôi đã ở đó, đón nhận và được trở lại mỗi khi, dường như, thế là đủ giàu có cho hành trang của một con người.

NGUYỄN THỊ MINH HOA