Pháp luật

Vụ Vạn Thịnh Phát (giai đoạn 1): Nhiều bị cáo xin được giảm nhẹ hình phạt

TRUNG HẬU 05/11/2024 16:06

Ngày 5/11, TAND Cấp cao tại TPHCM tiếp tục ngày làm việc thứ hai, xét xử phúc thẩm vụ án sai phạm tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (giai đoạn 1) để xem xét kháng cáo của bị cáo Trương Mỹ Lan - Cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và nhiều đồng phạm khác.

Trong ngày xét xử phúc thẩm thứ 2, Luật sư Phan Trung Hoài – bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan đã trình bày đơn đề nghị HĐXX phúc thẩm cho phép bị cáo Trương Mỹ Lan và bị cáo Chu Lập Cơ (chồng của bị cáo Lan) được tiếp xúc, gặp mặt tại tòa. Bởi vì, trong suốt quá trình xét xử sơ thẩm đến phúc thẩm, vị trí chỗ ngồi của 2 bị cáo được bố trí cách xa nhau và hai bên chưa được tiếp xúc.

Sau khi xem xét đề nghị, HĐXX đã quyết định chấp thuận và cho phép hai vợ chồng bị cáo này được tiếp xúc trong thời gian nghỉ giải lao tại tòa.

Về nội dung xét hỏi của tòa, bị cáo Trương Mỹ Lan và nhiều đồng phạm trình bày lại nội dung kháng cáo, trong đó đa số bị cáo xin Hội đồng xét xử (HĐXX) phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt.

TRUONG MỸ LAN
Bị cáo Trương Mỹ Lan (hàng đầu, bên trái) tại tòa phúc thẩm.

Cụ thể, đối với kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xem xét lại hành vi phạm tội, bị cáo Trương Mỹ Lan xin HĐXX xem xét và thông cảm, khoan dung cho bị cáo. Lý do, bị cáo chỉ biết tập trung vào đầu tư, kinh doanh, thực tế có nhiều đóng góp cho xã hội, nhưng do hạn chế hiểu biết về pháp luật nên vướng vào vòng lao lý.

Theo bị cáo Lan, những việc bị cáo làm chỉ nhằm thực hiện Đề án để tái cơ cấu Ngân hàng SCB, dưới sự giám sát của ngân hàng Nhà nước. Do đó, việc ngân hàng SCB xảy ra sự cố là ngoài mong muốn của bị cáo.

Cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cũng phủ nhận việc nắm quyền chi phối cổ phần tại ngân hàng SCB. Bởi vì, bị cáo thống nhất lời khai từ đầu về việc bị cáo chỉ sở hữu 5%, còn lại là hai con gái, mỗi người 5%; 30% cổ phần của cổ đông nước ngoài và số còn lại là của bạn bè bị cáo. Do đó, bị cáo Lan đề nghị HĐXX xem xét thấu tháo, khách quan.

Đối với việc xin giải tỏa kê biên các tài sản tại TPHCM, bao gồm biệt thự cổ tại số 110-112 Võ Văn Tần; tòa nhà tại địa chỉ 19-25 Nguyễn Huệ; các bất động sản làm trụ sở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát;…, bị cáo Trương Mỹ Lan cho biết, việc xin giải tỏa kê biên các tài sản này không nhằm mục đích cá nhân.

Bởi vì, một số tài sản là hình thành trước khi tái cơ cấu Ngân hàng SCB và giải tỏa kê biên để duy trì hoạt động của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Đối với bị cáo Trương Huệ Vân (cháu gái của bị cáo Lan) giữ nguyên nội dung kháng cáo, đồng thời thừa nhận hành vi như án sơ thẩm và xin được xem xét giảm nhẹ hình phạt căn cứ theo Điểm B Khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự về người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả. Bởi vì, trước đó bị cáo Vân cho biết, đã nộp khắc phục số tiền 2,5 tỷ đồng và đồng thời cũng cung cấp thêm một số tình tiết giảm nhẹ khác.

Đối với bị cáo Dương Tấn Trước - cựu Tổng Giám đốc Công ty Tường Việt (án sơ thẩm tuyên phạt bị cáo này 11 năm tù về tội "tham ô tài sản") trình bày, bị cáo và gia đình đã tự nguyện khắc phục thêm được số tiền 53 tỷ đồng cho đến trước phiên xét xử.

Trước đó, bị cáo này cũng đã tự nguyện nộp các sổ tiết kiệm để khắc phục hậu quả, trong đó cấp sơ thẩm ghi nhận sự tự nguyện của bị cáo Trước đã trả lại hơn 2.200 tỷ đồng cho bị cáo Trương Mỹ Lan. Trả lời xét hỏi, bị cáo Trước cũng trình bày thêm được một số tình tiết giảm nhẹ hình phạt, tuy nhiên đại diện VKS cho rằng, các tình tiết giảm nhẹ này đã được cấp sơ thẩm xem xét.

Trước đó, vào chiều 4/11 phiên toà phúc thẩm bắt đầu bước vào phần xét hỏi. Trong đó, bị cáo Trương Mỹ Lan đã trình bày việc xin lại các tài sản đang bị kê biên, phong tỏa trong quá trình điều tra. Trong đó, cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát yêu cầu được giải tỏa 2 tòa nhà trên đường Trần Cao Vân và Lê Lợi (quận 1, TPHCM) vì cho rằng, đây là các tài sản gia đình để lại riêng cho bị cáo Trương Huệ Vân, do đó không liên quan đến vụ án.

TRUNG HẬU