Mặt trận

Nông dân xuất sắc 2024 tại Ninh Bình: Tích cực dồn điền đổi thửa

Đình Minh 06/11/2024 08:43

Ông Tống Viết Vinh ở huyện Yên Mô (tỉnh Ninh Bình) tích cực dồn điền đổi thửa, xây dựng mô hình trồng trọt ứng dụng công nghệ cao, cho lợi nhuận lên tới 1,5 tỷ đồng/năm, là nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024 và là 1 trong 65 điển hình tiên tiến trong học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

duoi(1).jpg
Mô hình trồng dưa trong nhà lưới của ông Tống Viết Vinh cho lợi nhuận kinh tế cao. Ảnh: Đình Minh.

Tại xã Mai Sơn, gia đình ông Vinh được biết đến là hộ mạnh dạn dồn điền đổi thửa toàn bộ diện tích đất canh tác thành một mảnh vườn thuận tiện cho việc sản xuất, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào trồng trọt. Ông Vinh kể: Năm 1988, ông rời quân ngũ, trở về quê hương lập nghiệp bằng việc buôn bán nông sản. Kể từ đó, ông bén duyên với mô hình nông nghiệp hữu cơ theo hướng công nghệ cao. Ban đầu, ông chỉ gieo trồng các loại cây màu truyền thống như ngô, lạc, đậu đỗ…nên thu nhập không cao.

Đầu năm 2015, ông Vinh thuê thêm 2ha đất của các hộ liền kề để sản xuất tập trung, trong đó, áp dụng tưới nước tiết kiệm phục vụ vào sản xuất, ban đầu tưới cho các cây dưa chuột bao tử, cà chua bi, bí đỏ, bí xanh, dưa lê... Từ kết quả ban đầu, ông Vinh nhận thấy tiềm năng, nhu cầu thị trường nên tiếp tục nhận chuyển nhượng, thuê thêm đất để mở rộng sản xuất. Đến nay, ông đã có trên 5ha đất để trồng rau màu các loại. Áp dụng mô hình sản xuất mới, ông không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật mà ưu tiên sử dụng phân hữu cơ, sử dụng màng phủ chống cỏ dại, giữ ấm, giữ ẩm...

Đặc biệt, ông cho đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tự động từ nguồn nước sạch được xử lý qua hệ thống lắng lọc để tưới cho cây trồng. Ngoài ra, ông còn xây dựng 5.000m2 nhà màng nhằm chủ động sản xuất, hạn chế tác động của thời tiết, ngăn chặn côn trùng. "Để sản xuất bền vững, bảo vệ sức khỏe cho các thành viên trong gia đình cũng như người tiêu dùng và bảo vệ môi trường, tôi luôn thực hiện nghiêm túc phương châm toàn bộ nông sản tại trang trại phải đảm bảo chất lượng và an toàn tuyệt đối” - ông Vinh nói.

Năm 2019, mô hình sản xuất rau, củ, quả của hộ ông Tống Viết Vinh được Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình hỗ trợ cấp tem truy xuất nguồn gốc; năm 2020 được các ngành hỗ trợ sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn VietGap. Toàn bộ sản phẩm từ trang trại của ông được sơ chế, bảo quản trong kho lạnh, đảm bảo các điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, được các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát, đánh giá đảm bảo an toàn.

Ông Vinh cho biết: Hiện nay, thị trường tiêu thụ rau, củ, quả của nhà vườn là các trường học, cửa hàng nông sản an toàn ở huyện Yên Mô, TP Tam Điệp và TP Ninh Bình. Với chất lượng đã được khẳng định, ông Vinh cho biết sản phẩm từ nhà vườn của mìmh được người tiêu dùng tin tưởng, ưu tiên lựa chọn sử dụng. “Năm 2023, sản lượng cà chua xuất ra thị trường của nhà vườn là 60 tấn; bí ngô lấy ngọn, hoa là 16 tấn; dưa chuột là 130 tấn; dưa lê, dưa bở là 60 tấn; bắp cải, rau màu các loại là 300 tấn...” - ông Vinh chia sẻ.

Trong vụ mùa năm 2023, sau khi trừ đi chi phí, hộ ông Tống Viết Vinh đạt lợi nhuận 1,5 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động ở địa phương với mức thu nhập từ 6-8 triệu đồng/người/tháng.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Mô cho biết: Mô hình trồng trọt của ông Vinh là điển hình trong phát triển nông nghiệp tại địa phương, góp phần xây dựng NTM tại xã Mai Sơn. Với thành tích nổi bật của mình, năm 2024, ông Tống Viết Vinh vinh dự là 1 trong 63 gương mặt nông dân tiêu biểu nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”. Đồng thời, ông cũng là 1 trong 65 điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (giai đoạn 2014 – 2024) vừa được tôn vinh tại Ninh Bình.

Đình Minh