Dân tộc

Chuyển biến tích cực trong thực hiện chính sách dân tộc

Phương Liên 06/11/2024 10:27

Những năm qua, tỉnh Cao Bằng được bố trí vốn từ ngân sách Trung ương triển khai nhiều chương trình, chính sách dân tộc để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tỉnh Cao Bằng đặc biệt quan tâm đến việc giải quyết các nhu cầu bức thiết về đất ở, đất sản xuất trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi.

bai tren
Lãnh đạo tỉnh Cao Bằng khảo sát hiện trạng xen lẫn, xen kẹp đất nông nghiệp, đất sản xuất của người dân tại xã Thành Công, huyện Nguyên Bình. Ảnh: Lê Tuấn.

Tỉnh Cao Bằng có gần 95% dân số là đồng bào DTTS, phần lớn xã, phường, thị trấn của tỉnh đều có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Đời sống của bà con chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp nên việc thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống cho đồng bào mà còn có ý nghĩa đối với mục tiêu ổn định dân cư, hạn chế di cư tự do, bảo đảm an ninh trật tự ở vùng DTTS của tỉnh. Vì vậy, trong giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Cao Bằng đã triển khai đồng loạt, hiệu quả 10/10 Dự án thành phần của Chương trình MTQG 1719.

Trong đó, chỉ tính riêng từ năm 2021 đến nay, để triển khai thực hiện Dự án 1 thuộc Chương trình MTQG 1719, trong Kế hoạch số 2015/KH-UBND ngày 8/8/2022 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình MTQG 1719, tỉnh Cao Bằng phấn đấu trong cả giai đoạn 2021 – 2025 sẽ hỗ trợ 360 hộ về đất ở và 1.167 hộ về đất sản xuất. Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Ban Dân tộc, các sở, ngành liên quan và các địa phương tổ chức rà soát, đối chiếu, xác định hộ DTTS nghèo; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi thiếu hoặc chưa có đất ở, chưa có đất nông nghiệp có nhu cầu hỗ trợ đất ở, đất nông nghiệp.

Vì vậy, các địa phương trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã thực hiện rà soát đối tượng đủ điều kiện và có nhu cầu hỗ trợ đất ở, đất nông nghiệp trên địa bàn, gửi Ban Dân tộc tỉnh tổng hợp, thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định. Tuy nhiên, trong điều kiện trên 90% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh là núi đá, sông suối; đất sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm 1,4% diện tích đất tự nhiên thì việc bố trí quỹ đất để hỗ trợ đất sản xuất cho các hộ có nhu cầu là rất khó khăn.

Ông Nông Đức Thuận - Trưởng phòng Dân tộc huyện Quảng Uyên cho biết, qua khảo sát, huyện Quảng Uyên có 9.576 hộ đồng bào DTTS thì có tới 1.566 hộ thiếu đất sản xuất, 22 hộ thiếu đất ở. Đặc biệt, toàn huyện có 115 hộ dân tộc Mông thì cả 115 hộ đều thiếu đất sản xuất, trong đó có 3 hộ thiếu đất ở.

Thiếu đất ở, đất sản xuất đã khiến cho đồng bào DTTS không thể “an cư” và cũng khó để “lạc nghiệp”. Vì vậy, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện đến nay vẫn còn khá cao. Từ những thực tế khó khăn trên, thời gian qua, huyện Quảng Uyên đã linh hoạt trong triển khai các chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS bằng cách vận động cộng đồng, anh em, dòng họ tự giúp nhau đất ở, đất sản xuất, khai hoang, cải tạo một số diện tích đất nương rẫy, đất đồi tạo quỹ đất cấp cho bà con. Bên cạnh đó, huyện còn hỗ trợ tiền để đồng bào học nghề, chuyển đổi nghề, xuất khẩu lao động, giao khoán và bảo vệ rừng để bà con vươn lên phát triển kinh tế.

Đánh giá hiệu quả chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh, ông Bế Văn Hùng - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng cho biết, trước đây, trong giai đoạn 2016 – 2020, để triển khai chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016, thống kê từ các địa phương cho thấy, toàn tỉnh còn hơn 960 hộ DTTS có nhu cầu hỗ trợ về đất ở và trên 3.660 hộ cần hỗ trợ về đất sản xuất.

Để giúp địa phương khắc phục phần nào khó khăn cũng như thực hiện hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS, thúc đẩy tiến độ giải ngân Dự án 1 thuộc Chương trình MTQG 1719, ngày 11/10/2024, UBND tỉnh Cao Bằng đã có Tờ trình số 2722 trình HĐND tỉnh xem xét, ban hành Nghị quyết quy định chính sách về đất đai đối với đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Việc ban hành chính sách này cũng nhằm cụ thể hóa những quy định mới của Luật Đất đai năm 2024”. Việc làm này là một động thái tích cực, từng bước tháo gỡ những khó khăn mà các huyện trên địa bàn tỉnh gặp phải.

Phương Liên