Quốc hội

Nóng với phân cấp, phân quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, C

Quang Vinh, Việt Thắng 06/11/2024 11:12

Ngày 6/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Đảm bảo nguyên tắc phân công, phối hợp

ĐB Nguyễn Thị Tuyết Nga (Đoàn Quảng Bình) cho rằng, về tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia thì việc điều chỉnh, tăng mức vốn đầu tư dự án đầu tư công là cần thiết. Nhưng cần có sự đánh giá cụ thể, đưa ra các cơ sở cho việc tăng mức vốn đầu tư dự án để đạt tiêu chí quan trọng quốc gia, đồng thời cần đánh giá tác động chính sách để xác định tiêu chí cho phù hợp.

z6004126598667_4cea4f37d7029227df2166eff4363bcb.jpg
Bà Nguyễn Thị Tuyết Nga phát biểu (Ảnh: Quang Vinh)

Đối với phân cấp, phân quyền để tạo chủ động linh hoạt trong công tác quản lý, theo bà Nga phải bảo đảm nguyên tắc phân công phối hợp, kiểm soát quyền lực theo quy định của Hiến pháp, pháp luật, nâng cao hiệu quả của bộ máy trong quản lý đầu tư công. “Phân cấp phân quyền phải phù hợp với chức năng nhiệm vụ và khả năng tổ chức thực hiện. Ví như dự án nhóm B, C chuyển thẩm quyền từ HĐND sang UBND cùng cấp là thay đổi lớn cần đánh giá tác động toàn diện. Vì HĐND là cơ quan quyết định ngân sách, là biện pháp để kiểm soát quyền lực. Trong trường hợp HĐND thấy dự án cần phân cấp thì uỷ quyền lại cho UBND là biện pháp mềm dẻo, phù hợp với từng địa phương để quyết định chủ trương đầu tư đảm bảo sự giám sát và kiểm soát quyền lực”-bà Nga nói và cho rằng cần cân nhắc việc chuyển thẩm quyền dự án nhóm B, C từ HĐND sang UBND.

z6004126946246_8b10a587b24062ab64a19262ef177f0b.jpg
Bà Đỗ Thị Việt Hà phát biểu (Ảnh: Quang Vinh)

Theo ĐB Đỗ Thị Việt Hà (Đoàn Bắc Giang), phạm vi sửa đổi Luật toàn diện là hoàn toàn cần thiết với các vấn đề “đã chín, đã rõ” để tháo gỡ ngay giải phóng nguồn lực đầu tư công để đạt kết quả cao nhất các mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra.

Bà Hà đề nghị, Chính phủ tiếp tục rà soát kỹ lưỡng để các quy định của Luật mang tính ổn định, có giá trị lâu dài, bảo đảm tính tuân thủ đúng theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đó là Luật chỉ quy định những chính sách cơ bản, có tính nguyên tắc, còn các nội dung về trình tự, thủ tục, tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện, kỹ thuật thì giao cho Chính phủ, Thủ tướng, Bộ trưởng các bộ quy định rõ ràng.

ĐB Nguyễn Tuấn Thịnh (Đoàn Hà Nội) nêu vấn đề rằng, cơ quan nào quyết định chủ trương đầu tư thì cơ quan đó quyết định việc điều chỉnh chủ trương đầu tư để đảm bảo tính chặt chẽ. Đồng thời dự thảo Luật này cần đảm bảo đồng bộ với Luật Thủ đô vừa được Quốc hội thông qua.

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Trường Giang (Đoàn Đắk Nông) lưu ý, phân cấp, phân quyền nhưng phải phù hợp với các quy định của pháp luật, không được trái với Hiến pháp. Đặc biệt phải đảm bảo nguyên tắc kiểm soát quyền lực, cũng như phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện thực tế.

Cân nhắc chuyển quyết định chủ trương đầu tư từ HĐND sang UBND cùng cấp

ĐB Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cũng đề nghị cân nhắc việc phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư từ HĐND cho Chủ tịch UBND cùng cấp. Bởi HĐND các cấp tổ chức họp khá thường xuyên và có thể tổ chức họp bất thường, khi cần thiết. Do vậy, không sợ mất thời gian chờ đợi nếu phải trình qua HĐND phê duyệt. Nếu trình qua HĐND phê duyệt, thì dự án buộc phải chuẩn bị kỹ hơn, lấy ý kiến của nhiều cơ quan ban ngành có liên quan, nên sẽ mất thời gian hơn là trình thẳng cho Chủ tịch phê duyệt. Tuy nhiên, việc dự án phải lấy ý kiến tham gia của nhiều cơ quan ban ngành thì sẽ được đánh giá, xem xét kỹ hơn, chuẩn bị tốt hơn sẽ đảm bảo khi triển khai thuận lợi và mang lại hiệu tốt quả hơn. “Đây là việc làm cần thiết, vì theo Kinh nghiệm quốc tế, khi chuẩn bị dự án đầu tư bao giờ cũng được đánh giá, chuẩn bị rất kỹ, trước khi triển khai”-ông Cường nói.

202411060859585864_z6003983594891_221b27126d6a3c6e8feb70a2abe11784.jpg
Ông Hoàng Văn Cường phát biểu (Ảnh: Quang Vinh)

Ông Cường nhấn mạnh rằng, việc thông qua HĐND phê duyệt chủ trương đầu tư là một cơ chế kiểm soát quyền lực, tạo lên sự độc lập giữa cơ quan quyết định chủ trương đầu tư với người phê duyệt dự án đầu tư, để tránh những nguy cơ mắc phải những sai phạm, giảm gánh nặng trách nhiệm cho người phê duyệt dự án.

Từ đó, ông Cường đề nghị cần bổ sung vào Dự thảo Luật sửa đổi theo hướng cho phép HĐND các cấp được quyết định những giải pháp đặc thù, phù hợp với thực tế của địa phương và yêu cầu riêng của từng dự án. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư là giao quyền quyết định cho địa phương. Đồng thời, quy định HĐND các cấp có thể ủy quyền cho UBND cùng cấp quyết định chủ trương đầu tư các dự thuộc thẩm quyền để phù hợp với điều kiện của từng địa phương.

202411060852127950_z6003950093886_f4b26fd324150a07a4e8f0a1cc661a77.jpg
Bà Nguyễn Phương Thuỷ phát biểu (Ảnh: Quang Vinh)

ĐB Nguyễn Phương Thuỷ (Đoàn Hà Nội) đưa ra phân tích rằng, việc quyết định chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư nên giao cho 2 cơ quan khác nhau thực hiện để đảm bảo yêu cầu giám sát và kiểm soát quyền lực. Trước chúng ta đang giao cho HĐND quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư công sử dụng vốn ngân sách địa phương bởi HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương, thay mặt người dân quyết định việc sử dụng ngân sách của địa phương và thực hiện quyền giám sát nên việc HĐND quyết định chủ trương đầu tư, sau đó Chủ tịch UBND quyết định và tổ chức triển khai dự án đầu tư là một quy trình rất hợp lý.

Lấy ví dụ thực tiễn của thành phố Hà Nội qua thống kê từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 cho đến nay, HĐND thành phố Hà Nội tổ chức khoảng 20 kỳ họp. Khi UBND có yêu cầu, HĐND đều chủ động sắp xếp, bố trí lịch họp trong thời gian sớm nhất có thể để thực hiện các thẩm quyền theo quy định của pháp luật, bà Thuỷ đề nghị, không nên sửa nội dung quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương như đề xuất của Luật là phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư từ HĐND cho Chủ tịch UBND cùng cấp.

Quang Vinh, Việt Thắng