Xử lý SCB, Vạn Thịnh Phát, FLC cho thấy các báo cáo kiểm toán thiếu trung thực
Ngày 7/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia.
Tháo gỡ bất cập ngân sách nhà nước
Liên quan đến Luật Ngân sách nhà nước, ĐB Đoàn Thị Lê An (Đoàn Cao bằng) cho rằng, cần bổ sung vào Luật Ngân sách nhà nước mức bố trí dự phòng từ 2-4% tổng chi cân đối ngân sách. Bên cạnh đó, theo bà An, hiện nay có các Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động của các Quỹ này thúc đẩy việc xã hội hoá, tuy nhiên cần có chính sách để phát triển các Quỹ này, khuyến khích thực hiện cơ chế tài chính của các tổ chức, cá nhân thông qua hỗ trợ Quỹ.
Theo ĐB Dương Văn Phước (Đoàn Quảng Nam), hiện nay, Luật Ngân sách nhà nước có những điểm bất cập, chưa hợp lý. Cá nhân ông đã nêu ý kiến, Bộ Tài chính đã giải trình nhưng ông thấy “chưa hợp lý”. Bởi theo ông Phước, “nếu chờ đến khi sửa đổi toàn diện mới xem xét điều chỉnh là chưa kịp thời”.
“Cần tháo gỡ khó khăn bất cập, nhất là cần bổ sung quy định sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ các địa phương nước ngoài theo khuôn khổ pháp lý, bởi hiện có một số tỉnh có chung đường biên giới với các nước. Việc cho phép sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ các địa phương nước ngoài có chung đường biên giới nhằm mục đích hợp tác và phát triển”, ông Phước cho hay.
Đề xuất tăng mức phạt vi phạm hành chính lên 3 tỷ đồng
Cho ý kiến về sửa đổi, bổ sung quy định xử lý vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập tại điều 60 của Luật Kiểm toán độc lập, ĐB Thái Thị An Chung (Đoàn Nghệ An) cho rằng, quy định tại khoản 2 về mức phạt tiền vi phạm hành chính tối đa là 1 tỷ đồng đối với cá nhân, và 2 tỷ đối với tổ chức, thời hiệu xử phạt là 5 năm có nhiều điểm chưa phù hợp.
Bà Chung đưa ra phân tích: Mức phạt tiền tối đa mà dự thảo đưa ra so với mức phạt tối đa mà Luật xử lý vi phạm hành chính quy định đối với vi phạm trong lĩnh vực kiểm toán độc lập (50 triệu đối với cá nhân và 100 triệu đối với tổ chức) tăng gấp 20 lần. Trong khi đó, mức phạt tối đa 1 tỷ đồng theo Luật xử lý vi phạm hành chính chỉ được áp dụng đối với vi phạm trong lĩnh vực quản lý các vùng biển, đảo và thềm lục địa, quản lý hạt nhân và chất phóng xạ, năng lượng nguyên tử; tiền tệ, kim loại quý, đá quý, ngân hàng, tín dụng; hoạt động dầu khí và hoạt động khoáng sản khác, bảo vệ môi trường, thuỷ sản.
Bà Chung phân tích thêm rằng, thời hiệu xử phạt dự thảo đưa ra là 5 năm, trong khi quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính thời hiệu xử phạt tối đa là 2 năm. Hiện nay việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực về kiểm toán và kế toán được điều chỉnh chung bằng Nghị định 41/2018 bởi 2 lĩnh vực này có tính chất khá tương đồng. Nếu điều chỉnh tăng mức phạt vi phạm hành chính đối với kiểm toán thì có đặt ra vấn đề điều chỉnh tăng trong lĩnh vực kế toán hay không?
“Việc nâng mức phạt trong lĩnh vực kiểm toán lên gần với lĩnh vực có mức phạt cao nhất là chứng khoán liệu đã là hợp lý chưa nếu so sánh với tính chất, mức độ và hậu quả vi phạm? Có thể nhận thấy vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán ảnh hưởng trực tiếp, ngay lập tức và tới hàng trăm, hàng ngàn, thậm chí là hàng triệu giao dịch cũng như nhà đầu tư. Trong khi đó, vi phạm trong lĩnh vực kiểm toán ảnh hưởng gián tiếp, có độ trễ và phạm vi ảnh hưởng hẹp hơn rất nhiều”, bà Chung đặt vấn đề.
Qua nghiên cứu dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán độc lập kèm theo hồ sơ dự thảo Luật, bà Chung băn khoăn về mức phạt tiền tối đa 1 tỷ đồng dự kiến được áp dụng cho hành vi vi phạm quy định về hồ sơ dự thi chứng chỉ kiểm toán viên. Cụ thể là hành vi sửa chữa, giả mạo, khai man về bằng cấp, chứng chỉ và các tài liệu khác trong hồ sơ để đủ điều kiện dự thi lấy chứng chỉ kiểm toán viên.
Bà Chung nhìn nhận, hành vi này nếu đủ điều kiện cấu thành tội phạm hình sự thì sẽ bị xử lý theo quy định của Bộ luật hình sự. Nếu chưa đến mức xử lý hình sự thì bị xử lý hành chính và mức phạt tiền hiện nay đang áp dụng tối đa là 30 triệu đồng theo Nghị định 41/2018, mức phạt tương đương như đối với hành vi vi phạm quy định về hồ sơ dự thi chứng chỉ kế toán viên. Cũng hành vi giả mạo giấy tờ Nghị định 144/2021 quy định mức phạt tiền tối đa là 40 triệu đồng; Nghị định 82/2020 quy định mức phạt tối đa là 7 triệu đồng đối với hành vi tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ, văn bản trong hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề luật sư, công chứng, đấu giá.
Dẫn chứng thời gian qua khi điều tra xử lý một số vụ án lớn xảy ra tại SCB, Vạn Thịnh Phát, FLC, theo bà Chung cho thấy có trách nhiệm của 1 số cơ quan, đơn vị, trong đó có tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên với các báo cáo kiểm toán thiếu trung thực. “Cần phải tăng mức xử phạt và tăng thời hiệu xử phạt đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực kiểm toán, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán để đảm bảo tính răn đe đối với doanh nghiệp kiểm toán, kiểm toán viên vi phạm. Tuy nhiên, việc tăng như thế nào thì cần phải cân nhắc để đảm bảo phù hợp với tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và đảm bảo tương quan chung với các lĩnh vực khác. Nếu quy định như dự thảo thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới việc phát triển ngành kiểm toán độc lập Việt Nam, một ngành đang cần số nhân sự gấp 3-4 lần con số hiện nay so với quy mô của thị trường. Do đó đề nghị chỉ nên tăng mức xử phạt tối đa gấp 2 lần so với hiện nay và thời hiệu xử phạt là 2 năm”, bà Chung nói.
Cùng quan điểm ĐB Đỗ Thị Lan (Đoàn Quảng Ninh) đồng tình với việc tăng thời hiệu xử lý vi phạm hành chính phù hợp với công tác phòng chống tham nhũng hiện nay. Tuy nhiên bà Lan đề xuất nâng mức phạt cao hơn nữa, không chỉ 1 tỷ đồng mà lên mức 3 tỷ đồng để nâng tính nghiêm minh trách nhiệm của các công ty kiểm toán độc lập, đảm bảo tính răn đe và tương xứng với hoạt động hiện nay do các công ty kiểm toán độc lập đang nâng quy mô hoạt động, có công ty doanh thu lên đến 1000 tỷ đồng/năm. Do đó nên nâng cao mức phạt đối đa là 3 tỷ đồng.
Giải trình trước vấn đề trên, theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, đối với các vi phạm, nếu vi phạm hình sự thì xử lý hình sự, còn vi phạm hành chính thì cần phải phạt cao để đảm bảo tính răn đe, cho nên dự thảo Luật lần này tăng mức phạt lên cao.