Tạo cơ hội đầu tư thay vì chờ đợi
Chủ động xây dựng một môi trường đầu tư thuận lợi đã giúp Bình Dương thu hút nhiều dự án đầu tư lớn, mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp, cộng đồng. Bên cạnh đó, sự đầu tư vào hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ đã nâng cao tính hấp dẫn của tỉnh đối với nhà đầu tư quốc tế.
Nhiều dự án trọng điểm
Ông Mai Hùng Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương chia sẻ, thay vì chờ đợi nhà đầu tư đến, Bình Dương đã tổ chức sự kiện, hội thảo và đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp quốc tế. Điển hình như tỉnh đã tổ chức hội thảo tại Mỹ về kêu gọi đầu tư, thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp ngoại; hay cách đây không lâu, tỉnh tiếp đón Đoàn công tác từ vùng Lombardy, Italia đến tìm hiểu môi trường đầu tư tại Bình Dương. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc kêu gọi đầu tư và chứng tỏ sự quyết tâm của tỉnh Bình Dương trong việc trở thành điểm đến của các ông lớn đầu tư từ khắp nơi trên thế giới.
“Việc Bình Dương tự tạo cơ hội đầu tư thay vì chờ đợi đã giúp nhanh chóng thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp và đối tác quốc tế. Sự tự tin và tích cực trong việc xây dựng cơ hội đầu tư là yếu tố quan trọng trong chiến lược tiếp thị của tỉnh”- ông Mai Hùng Dũng nhấn mạnh.
Song song đó, tỉnh cũng đã tăng cường xây dựng các mối quan hệ trong cộng đồng Diễn đàn cộng đồng thông minh thế giới (ICF). ICF là diễn đàn gồm gần 200 đô thị thông minh thịnh vượng trên thế giới, giúp tỉnh có được sân chơi nâng cao giá trị hình ảnh cũng như quảng bá những thế mạnh và tiềm năng trong kế hoạch phát triển thành phố thông minh. Những hoạt động trên đã mang đến cho Bình Dương cách tiếp cận mới, nhất là tiếp thị trực tiếp đến đối tác, doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế mong muốn đầu tư vào tỉnh một cách thuận lợi.
Ngoài ra, Bình đã tập trung xây dựng hơn 10 dự án trọng điểm, bao gồm: Khu công nghiệp Khoa học công nghệ, Trung tâm Thương mại Thế giới Thành phố mới Bình Dương (WTC), tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tiếp tục phát triển mô hình "ba nhà" (nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà trường), xây dựng và kết nối hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng logistics đường sông, đường sắt, kết nối quốc tế, xúc tiến thương mại, và tiếp tục xây dựng và phát triển làng thông minh.
Đây là những cam kết cơ bản để tạo ra "bãi đáp" cho các doanh nghiệp trong nước và quốc tế muốn đầu tư vào tỉnh. Qua đó, với những hệ thống nêu trên, các nhà quản lý sẽ tăng cường tiếp thị về chiến lược của tỉnh phù hợp với nhu cầu và yêu cầu của chủ doanh nghiệp khó tính.
Nâng cao hiệu quả ngành du lịch
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương, sau khoảng 2 năm nay, du lịch Bình Dương đã phục hồi đáng kể, đón và phục vụ khoảng 2,5 triệu lượt khách trong năm 2023, với 278.000 lượt khách quốc tế.
Doanh thu du lịch đạt khoảng 1.695 tỷ đồng, tăng 21,1% so với năm 2022. Những tháng đầu năm 2024, lượng khách du lịch đến Bình Dương đã tăng đáng kể.
Đặc biệt là trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, Bình Dương đón 151.000 lượt khách du lịch, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khách quốc tế là 6.000 lượt, khách nội địa là 145.000 lượt. Đây là tín hiệu tích cực để ngành du lịch Bình Dương tiếp tục triển khai các chương trình kích cầu, quan tâm đầu tư dịch vụ chất lượng nhằm thu hút du khách.
Ông Nguyễn Thanh Phong - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Dương cho hay, để kích cầu du lịch nội địa năm 2024, Sở đã chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến du lịch chủ trì phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh và các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh phát động, quảng bá chương trình “Người Việt đi du lịch Việt - Việt Nam tôi yêu” đến các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư với nhiều hình thức như thông qua website, app du lịch, mạng xã hội... của từng đơn vị và trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Trong khi đó, ông Bùi Hữu Toàn - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương thông tin, đến nay, toàn tỉnh có gần 300 đơn vị kinh doanh lưu trú du lịch với trên 7.000 phòng và hơn 500 hộ kinh doanh với gần hơn 6.800 phòng. Trong đó, chỉ có 28 khách sạn xếp hạng sao (1 khách sạn 5 sao, 3 khách sạn 4 sao, 5 khách sạn 3 sao và 19 khách sạn 1-2 sao), chiếm 3,5% tổng số cơ sở lưu trú.
Số lượng khách sạn cao cấp trên địa bàn tỉnh vẫn còn khá hạn chế so với nhu cầu ngày càng tăng của du khách, đặc biệt là du khách quốc tế và những người đến Bình Dương công tác. Việc phát triển thêm các khách sạn cao cấp là cần thiết để nâng cao chất lượng dịch vụ và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách trong tương lai.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương phấn đấu đến năm 2030, hỗ trợ cho khoảng 20 dự án xây dựng mới và sửa chữa nâng cấp khách sạn, 10 dự án xây dựng homestay, 10 dự án xây dựng mô hình vườn cây ăn quả, cơ sở sản xuất nghề truyền thống kết hợp với kinh doanh du lịch.
Ngoài ra, hỗ trợ gần 100 người lao động trên 18 tuổi ở tỉnh được đào tạo nghề du lịch và khoảng 50 lớp bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực; tổ chức 60 chương trình xúc tiến du lịch trong nước, 30 chương trình xúc tiến du lịch nước ngoài.
Để phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng, tỉnh cần có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển du lịch.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trình UBND tỉnh Bình Dương cũng vừa tham mưu chủ trương để xây dựng các chính sách như: Hỗ trợ đầu tư dự án xây dựng khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 3-5 sao; Mô hình vườn cây ăn quả và cơ sở sản xuất nghề truyền thống kết hợp kinh doanh du lịch…
Những chính sách này không chỉ giúp tạo ra sinh kế bền vững cho người dân mà còn tăng sự hấp dẫn của du lịch tỉnh nhà.