Quốc tế

'Bắt mạch' nền kinh tế Mỹ

Hà Anh 08/11/2024 08:34

Chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 liên quan đến nhiều vấn đề, nhưng điều mà cử tri liên tục nói đến và coi là vấn đề số 1 trong cuộc bầu cử này là nền kinh tế.

anh-bai-chinh-7-11.jpg
Nước Mỹ đang ngóng chờ những quyết sách mới của ông Donald Trump trong nhiệm kỳ tới. Nguồn: Getty Images.

Theo nhà báo David Goldman - Tổng Biên tập của CNN Business, điều này giải thích lý do tại sao ông Trump được tái cử sau 4 năm rời khỏi Nhà Trắng.

Theo một số số liệu chính, nền kinh tế Mỹ đang bùng nổ. Nhưng người Mỹ vẫn có cái nhìn không mấy thiện cảm và một số lượng lớn cử tri đổ lỗi cho chính quyền đương nhiệm vì đã không cải thiện được tình hình tài chính của người Mỹ trong 4 năm qua. Các cuộc thăm dò sau cuộc bầu cử cho thấy, người Mỹ có quan điểm tiêu cực về nền kinh tế.

Nền kinh tế “tổn thương”...

Giá nhà tại Mỹ đã đạt mức cao kỷ lục mới trong 15 tháng liên tiếp. Đó là tin tuyệt vời nếu bạn sở hữu một ngôi nhà, nhưng sẽ kém vui nếu bạn không sở hữu, đặc biệt là khi lãi suất thế chấp vẫn ở mức cao, chỉ dưới 7%.

Theo công ty môi giới bất động sản nhà ở và dịch vụ thế chấp Redfin, đó là lý do tại sao năm nay, chỉ có 2,5% số ngôi nhà đổi chủ, mức thấp nhất trong 30 năm.

Trong khi đó, tiền thuê nhà không giúp ích nhiều. Khoảng một nửa số người thuê nhà ở Mỹ đã chi hơn 30% thu nhập của họ cho khoản chi này vào năm 2023. Bộ Nhà ở và Phát triển đô thị của Mỹ coi những hộ gia đình chi hơn 30% thu nhập để thuê nhà, trả góp thế chấp hoặc các chi phí nhà ở khác là "gánh nặng chi phí".

Theo các chuyên gia kinh tế, cuộc khủng hoảng khả năng chi trả nhà ở đã góp phần làm trầm trọng thêm khoảng cách giàu nghèo của nước Mỹ, khiến những người buộc phải chuyển đi hoặc không sở hữu nhà rơi vào tình thế khó khăn về tài chính. Nhưng nhiều người không nghèo cũng đang phải vật lộn để kiếm sống, phần lớn là do chi phí sinh hoạt trong một ngôi nhà quá đắt đỏ: Theo một cuộc khảo sát của Ngân hàng Mỹ, 1% số hộ gia đình ở Mỹ có thu nhập hơn 150.000 USD/năm đang sống dựa vào tiền lương hàng tháng.

Lạm phát đã trở lại bình thường, nhưng điều đó không có nghĩa là giá cả đang giảm, nó chỉ không tăng ở mức báo động như vài năm trước. Giá cả hiện cao hơn khoảng 20% so với thời điểm Tổng thống Biden nhậm chức 4 năm trước, khiến người Mỹ phải nhắc nhở hàng ngày về mức độ lạm phát khủng khiếp mỗi khi đến cửa hàng. Giá xăng đã giảm mạnh trong vài năm qua, giảm từ mức cao kỷ lục trung bình trên 5 USD vào năm 2022 xuống còn dưới 3 USD/gallon ở nhiều tiểu bang hiện nay. Điều đó đã giúp ích, nhưng không giải quyết được các vấn đề lạm phát mà nhiều người Mỹ vẫn phải đối mặt hàng ngày.

Thêm vào đó, ông Goldman cho rằng, cảm nhận về nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào lập trường chính trị của mỗi người. Một nghiên cứu được công bố vào tuần trước của Viện Brookings đã tìm thấy mối tương quan giữa tâm lý kinh tế và khuynh hướng chính trị với đảng nắm quyền kiểm soát Nhà Trắng. Khi ông Trump nhậm chức, tâm lý kinh tế của đảng Cộng hòa tăng vọt, trong khi tâm lý của đảng Dân chủ lại giảm mạnh. Điều ngược lại đã xảy ra khi Tổng thống Biden nhậm chức.

...Nhưng mạnh mẽ

Theo nhà báo David Goldman, ông Trump sẽ thừa hưởng một nền kinh tế mạnh mẽ. Chỉ số lớn nhất về an ninh kinh tế là chỉ số việc làm và tỷ lệ người có việc làm hiện đang rất cao trong lịch sử. Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp đã tăng cao hơn trong năm qua, ở mức 4,1%, nhưng vẫn ở mức rất lành mạnh.

Cỗ máy tạo việc làm của nền kinh tế Mỹ đã chậm lại trong năm nay, đặc biệt là trong những tháng gần đây. Tháng trước, nền kinh tế Mỹ chỉ tạo thêm 12.000 việc làm. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn tiếp tục tạo thêm trung bình 170.000 việc làm mỗi tháng trong năm nay, gần bằng con số mà nền kinh tế đã tạo ra trong 3 năm đầu tiên của chính quyền Trump, trước khi Covid-19 tấn công (175.000 việc làm mỗi tháng).

Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, các công ty vẫn đang cần rất nhiều người lao động, nhiều đến nỗi số lượng việc làm được đăng tuyển còn lớn hơn số lượng người tìm việc ở Mỹ.

Trong khi đó, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) - thước đo rộng nhất về nền kinh tế Mỹ - đang bùng nổ. Theo báo cáo của Cục Phân tích Kinh tế Mỹ (BEA) hôm 5/11, GDP đã tăng trưởng với tốc độ điều chỉnh theo mùa là 2,8% trong quý trước. Đây là tốc độ lành mạnh theo bất kỳ thước đo nào và ngang bằng với sự mở rộng kinh tế trong thời chính quyền Trump. Nó cũng khiến nền kinh tế Mỹ trở thành niềm ao ước của thế giới.

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong năm nay vẫn là mạnh nhất trong số các nền kinh tế G7.

Ông Goldman cho biết, tiền lương của người lao động không tăng mạnh như vài năm trước khi lạm phát thực sự mất kiểm soát. Nhưng chúng vẫn tăng với tốc độ điều chỉnh là 3,9%, theo Bộ Lao động Mỹ. Tốc độ này vẫn nhanh hơn lạm phát, nghĩa là số tiền mà người Mỹ phải chi tiêu đang tăng lên.

Theo BEA, thu nhập khả dụng bình quân đầu người sau khi điều chỉnh theo lạm phát đã tăng trong tháng thứ 27 liên tiếp, đây là chuỗi tăng dài nhất được ghi nhận.

BEA cho biết thêm, bất chấp các cuộc thăm dò ngược lại, người tiêu dùng đang chi tiêu mạnh mẽ. Chi tiêu của người tiêu dùng - chiếm hơn 2/3 nền kinh tế Mỹ - tăng 3,7% trong quý trước, mức tăng trưởng cao nhất kể từ quý đầu tiên của năm 2023. Cùng với đó, niềm tin của người tiêu dùng cũng đang tăng lên - nó đã tăng vọt vào tháng 10 với mức tăng lớn nhất trong bất kỳ cuộc khảo sát nào kể từ tháng 3/2021, dù vẫn thấp hơn nhiều so với mức trước đại dịch, trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump.

Tối 6/11 (giờ địa phương), phát biểu trước đám đông người ủng hộ tập trung tại Đại học Howard, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã thừa nhận thất bại trong cuộc bầu cử và cho biết, bà đã điện đàm với Tổng thống đắc cử Donald Trump để chúc mừng ông, đồng thời nhấn mạnh về một cuộc chuyển giao quyền lực hòa bình.

Hà Anh