Không để tình trạng chi kiểu 'tiền trảm, hậu tấu'
Ngày 7/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia.
Cơ chế thưởng khi “vượt thu”
ĐBQH Trần Chí Cường (Đoàn Đà Nẵng) cho rằng, hiện nay tại một số địa phương đang thực hiện mô hình chính quyền đô thị, theo đó cấp quận, phường không còn là một cấp ngân sách, chỉ là một cấp dự toán, dù là cấp dự toán nhưng chính quyền địa phương cấp quận, phường vẫn được giao chỉ tiêu thu ngân sách hằng năm, tuy nhiên vướng cơ chế thưởng nếu địa phương vượt thu. Theo quy định tại khoản 4 Điều 59 luật hiện hành thì khoản vượt thu chỉ được thực hiện giữa các cấp ngân sách. Mô hình chính quyền đô thị là mô hình mới.
Nhằm tạo động lực thúc đẩy cho các địa phương, nhất là các quận, phường trong việc đẩy mạnh tăng cường các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, nuôi dưỡng nguồn thu, tăng cường đốc thu, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách của các địa phương, ông Cường kiến nghị xem xét, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung thêm quy định áp dụng đối với những địa phương đang thực hiện mô hình chính quyền đô thị. Đó là UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quy định về cơ chế thưởng vượt thu so với dự toán đối với các cấp chính quyền địa phương là đơn vị được giao dự toán thu ngân sách hàng năm có vượt thu phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương.
Cũng góp ý liên quan đến Luật Ngân sách nhà nước, ĐBQH Bùi Thị Quỳnh Thơ (Đoàn Hà Tĩnh) thấy rằng, trong thực tiễn có thể phát sinh những khoản chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển ngoài dự toán ban đầu. Tuy nhiên, bà Thơ đề nghị, tất cả những khoản chi ngân sách nhà nước đều phải có trong hạng mục chi, không để tình trạng “tiền trảm, hậu tấu”, Chính phủ, UBND tỉnh chi trước, sau đó mới báo cáo Quốc hội, HĐND tỉnh thông qua. “Cụ thể, cần đưa ra các nguyên tắc xác định các khoản chi phát sinh thường xuyên vào đầu tư này. Theo đó, các khoản chi phải mang tính cấp thiết, cấp bách hoặc quan trọng và phải có các tiêu chí xác định rõ ràng” - bà Thơ nói.
Theo ĐBQH Đinh Thị Phương Lan (Đoàn Quảng Ngãi), Chính phủ cần tiếp tục rà soát luật liên quan, nghiên cứu sửa đổi toàn diện Luật Ngân sách nhà nước, tiếp tục nghiên cứu nội hàm, bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương không mang tính dàn đều mà ưu tiên đặc biệt cho lĩnh vực y tế, giáo dục, an sinh xã hội, lĩnh vực kinh tế ngành trọng yếu của quốc gia, lĩnh vực kinh tế có thể khai thác hiệu quả nguồn lực cho ngân sách nhà nước, phát huy tối đa nguồn lực của địa phương và khu vực ngoài nhà nước. Đồng thời tạo điều kiện chủ động cho việc điều hành ngân sách của địa phương.
Bà Lan cũng đề nghị, tiếp tục nghiên cứu các nội dung liên quan đến chuyển nguồn ngân sách hệ thống các chính sách đặc thù đã ban hành liên quan đến lĩnh vực kinh tế, tài chính, đầu tư quy định về vay vốn nhà nước, quỹ ngân sách nhà nước, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách để làm cơ sở cho sửa đổi toàn diện và hoàn thiện các chính sách đặc thù.
Về nguyên tắc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa ngân sách các cấp ở địa phương, ĐBQH Dương Văn Phước (Đoàn Quảng Nam) nêu thực tế, trong thực tiễn cấp huyện có phát sinh nhiệm vụ nghiên cứu đề tài và yêu cầu phát sinh về kinh tế - xã hội, quản lý đô thị giống như các đề tài khoa học và công nghệ nhưng lại không được chi ngân sách thực hiện nội dung này do vướng quy định. Từ đó, ông Phước đề nghị ban soạn thảo xem xét, bỏ quy định ngân sách cấp huyện không có nhiệm vụ chi nghiên cứu khoa học và công nghệ để các địa phương đảm bảo kinh phí thực hiện những nhiệm vụ được giao.
Liên quan tới Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, ĐBQH Trần Anh Tuấn (Đoàn TPHCM) thấy rằng, việc xây dựng đề án sử dụng tài sản công, thẩm định, phê duyệt mất rất nhiều thời gian. Do chất lượng của đề án nên chúng ta phải xem xét rất kỹ từng tài sản công, quá trình xây dựng để ra được phê duyệt mất vài năm một đơn vị mới có thể hoàn thành được. Trong quá trình đó, chúng ta không cho đơn vị được giao quản lý, sử dụng thì tài sản đó sẽ bị lãng phí rất nhiều, khi tài sản đó chưa được bàn giao về cho cơ quan, địa phương có trách nhiệm quản lý.
Ông Tuấn cho rằng, cần phải nghiên cứu thêm một cơ chế cho các đơn vị đã giao tài sản công đó hoặc giao cho những đơn vị có chức năng phù hợp với quy hoạch sử dụng đó. Hiện nay những liên doanh, liên kết sử dụng tài sản công khi kết thúc thời gian liên doanh, liên kết, thời gian xác lập quyền sử dụng tài sản đó rất lâu. Nếu không giao ngay cho một đơn vị sử dụng mà để trống, để không sẽ rất lãng phí. Cho nên, cần phải thiết kế một điều, khoản để có thể tạm giao cho đơn vị phù hợp với chức năng để sử dụng, tránh sự lãng phí.
Tăng chế tài xử phạt
Cho ý kiến về sửa đổi, bổ sung quy định xử lý vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập tại điều 60 của Luật Kiểm toán độc lập, ĐBQH Thái Thị An Chung (Đoàn Nghệ An) dẫn chứng thời gian qua khi điều tra xử lý một số vụ án lớn xảy ra tại SCB, Vạn Thịnh Phát, FLC cho thấy có trách nhiệm của 1 số cơ quan, đơn vị, trong đó có tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên với các báo cáo kiểm toán thiếu trung thực. Do đó, cần phải tăng mức xử phạt và tăng thời hiệu xử phạt đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực kiểm toán, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán để đảm bảo tính răn đe đối với doanh nghiệp kiểm toán, kiểm toán viên vi phạm.
Tuy nhiên về việc tăng như thế nào, theo bà Chung, cần cân nhắc để đảm bảo phù hợp với tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và đảm bảo tương quan chung với các lĩnh vực khác. Nếu quy định như dự thảo thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới việc phát triển ngành kiểm toán độc lập Việt Nam, một ngành đang cần số nhân sự gấp 3 - 4 lần con số hiện nay so với quy mô của thị trường. Do đó đề nghị chỉ nên tăng mức xử phạt tối đa gấp 2 lần so với hiện nay và thời hiệu xử phạt là 2 năm.
Cùng quan điểm, ĐBQH Đỗ Thị Lan (Đoàn Quảng Ninh) cho hay, hiện nay đang nâng mức phạt từ 50 triệu đồng lên tối đa 1 tỷ đồng đối với cá nhân. Tuy nhiên, đối với mức phạt của cá nhân và mức phạt của tổ chức thì mức phạt của tổ chức còn hơi thấp so với mức phạt cá nhân chúng ta đang đưa vào dự thảo luật.
Do vậy, bà Lan đề nghị cần nâng mức phạt của tổ chức cao hơn nữa và tới mức 3 tỷ đồng. “Tôi đề nghị nâng mức phạt tối đa đối với tổ chức kiểm toán cao hơn để phù hợp với mức kiểm toán của cá nhân. Cá nhân có nhiều vị trí của cá nhân, do đó tôi thấy mức tối đa 1 tỷ đồng là phù hợp, nhưng mức tối đa của tổ chức thì nên là 3 tỷ cho phù hợp, tuy nhiên mức phạt tiền vi phạm hành chính còn phụ thuộc vào quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính” - bà Lan kiến nghị.
Giải trình trước các ý kiến ĐBQH nêu, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phân trần: Vấn đề vi phạm thuộc 2 việc. Nếu vi phạm Bộ luật Hình sự thì đương nhiên phải bị khởi tố hình sự. Còn chưa đến mức khởi tố hình sự nhưng hành vi đó nguy hiểm hay tạo điều kiện để một số người, một số doanh nghiệp vẫn tiếp tục hành vi đó gây thiệt hại hoặc gây ảnh hưởng đến vấn đề phát triển kinh tế-xã hội thì phải phạt ở mức cao để có tính chất răn đe. “Nếu như luật cũ thì rõ ràng không có tính chất răn đe nên chúng tôi trình Quốc hội với lĩnh vực đặc thù này nếu thao túng thị trường chứng khoán, gian lận trong thị trường chứng khoán, gian lận trong phát hành trái phiếu, nếu chưa đủ yếu tố để cấu thành tội hình sự thì phải phạt nặng. Mở thời gian kiểm tra ra không phải 2 năm, khi đã kiểm tra, phát hiện ra thì quá mất thời hiệu cho nên phải mở thời hiệu ra là 5 năm”- ông Phớc nói.
Ngày làm việc thứ 15, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
Ngày 7/11, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 15, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV tại Nhà Quốc hội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Buổi sáng: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia.
Buổi chiều: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, tiến hành các nội dung sau:
Nội dung 1: Quốc hội nghe Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV; sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua việc điều chỉnh Chương trình Kỳ họp bằng hình thức biểu quyết điện tử với tỉ lệ tán thành cao.
Nội dung 2: Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Điện lực sửa đổi. Tại phiên thảo luận, các ý kiến cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Điện lực hiện hành. Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung: chính sách phát triển điện lực, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; phát triển điện hạt nhân; chính sách ưu đãi phát triển năng lượng sạch... Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH quan tâm.