Quảng Nam: Phà vận chuyển hư hỏng, gần 11.000 người dân xã đảo đi lại khó khăn
Hai ngày qua, gần 11.000 người dân ở xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam rơi tình cảnh khó khăn trong việc đi lại, bởi chiếc phà vận chuyển người dân xã đảo bất ngờ bị hư hỏng.
Theo đó, từ ngày 8 đến sáng 9/11, chiếc phà vận chuyển người dân và hàng hóa của xã đảo Tam Hải, tuyến Tam Quang - Tam Hải và ngược lại bất ngờ bị hư hỏng phải neo đậu tại bến Tam Hải để công nhân sửa chữa. Do đó, khiến việc đi lại và vận chuyển đồ đạc, vật liệu để phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của bà con xã đảo Tam Hải và người dân các xã lân cận ở huyện Núi Thành gặp nhiều khó khăn.
Ông Huỳnh Văn Đại, ở xã Tam Quang, huyện Núi Thành cho biết: “Sáng nay, tôi qua xã đảo Tam Hải để hàn cửa sắt cho người dân vì thế phải đem theo máy hàn cùng một số đồ đạc và phải thuê người phụ vác cộng với tiền thuê ghe chở đi đã phải tốn hàng trăm nghìn đồng. Thế nhưng những ngày phà chưa hư hỏng tôi chỉ tốn khoảng 15 nghìn đồng”.
Bà Nguyễn Thị Hà, ở xã đảo Tam Hải cho hay: “2 hôm nay, phà hư hỏng, tôi muốn qua xã Tam Quang đi chợ và mua nhu yếu phẩm phải đi ghe. Tôi ngồi trên ghe rất lo sợ, bởi vì gió lớn, sóng đánh mạnh chiếc ghe dẫn đến rung lắc mạnh, nếu xảy ra vụ lật ghe trên sông Trường Giang dẫn đến hậu quả nghiêm trọng thì ai là người đứng ra chịu trách nhiệm”.
Còn bà Nguyễn Thị Kim Sen, là người vận chuyển hành khách trên ghe bến Tam Hải nói: “Từ ngày 8 đến sáng nay tôi cùng chồng mình điều khiển ghe máy để chở người dân địa phương qua lại, mỗi chuyến vận chuyển hành khách từ 20 đến 30 phút chỉ 10.000đ/người. Còn người già, trẻ nhỏ và học sinh tôi không lấy tiền. Do nhu cầu đi lại của người dân nên tôi mới làm việc này chứ vợ chồng tôi hằng ngày đi đánh bắt hải sản ven bờ”.
Bà Sen chia sẻ thêm: “Tôi vận chuyển hành khách tạm thời, nhưng vẫn được Đồn biên phòng cảng Kỳ Hà đến nhắc nhở lưu ý hành khách khi lên ghe máy này phải mặc áo phao, nếu người nào không mặc áo phao thì phải từ chối không vận chuyển. Tôi cũng mong các ngành chức năng sớm sửa chữa phà để vận chuyển người dân đi lại an toàn, thuận lợi hơn trong mùa mưa bão”.
Theo ghi nhận của chúng tôi, lúc 9h sáng 9/11, tại bến phà ở sông Trường Giang nối xã Tam Quang và Tam Hải chỉ có 2 chiếc ghe máy để chở người dân qua lại. Vì ghe nhỏ, trọng tải thấp nên chỉ có thể chở người, còn hàng hóa, vật liệu thì người dân phải tự thuê ghe riêng vận chuyển, mỗi lần hơn 100 ngàn đồng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc di chuyển trước đây của gần 11.000 người dân xã đảo Tam Hải vào đất liền và ngược lại bằng chiếc phà sắt tự hành 18 tấn trên tuyến Tam Quang - Tam Hải. Tuy nhiên, chiếc phà này đã được sử dụng 14 năm hiện đã xuống cấp. Vào cuối năm 2019, chiếc phà này bị hư hỏng nặng phải sửa chữa hơn 2 tháng khiến cuộc sống người dân xã đảo lâm vào tình cảnh khó khăn.
Ông Nguyễn Tấn Hùng, Chủ tịch UBND xã Tam Hải cho biết, chiếc phà vỏ sắt bị hư hỏng sáng 8/11 đến nay khiến công việc của người dân xã đảo gặp khó khăn trong việc đi lại. Việc này là bất khả kháng do chiếc phà đã hoạt động quá lâu, gần như cả ngày lẫn đêm.
“Xã còn một chiếc phà gỗ dự phòng khi chiếc phà vỏ sắt hư hỏng để phục vụ người. Tuy nhiên chiếc phà gỗ này đang đưa đi kiểm tra đăng kiểm thì phà vỏ sắt bị hư hỏng, hiện người dân phải di chuyển bằng ghe máy. Chiếc phà sắt đang được sửa chữa, dự kiến nhanh nhất trong 3 ngày nữa sẽ hoạt động trở lại để phục vụ người dân”, ông Nguyễn Tấn Hùng nói.
Ông Lê Văn Sinh, Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết: “Tháng 9/2024, UBND huyện Núi Thành đã có quyết định phê duyệt dự án đầu tư đóng mới 2 phà chở khách qua đảo Tam Hải. Theo đó, 2 phà đóng mới sức chở tương đương 30 tấn, đảm bảo vận chuyển hành khách, xe máy, xe thô sơ, xe ô tô và một số phương tiện khác vượt qua sông Trường Giang, tuyến Tam Quang - Tam Hải. Tổng kinh phí đầu tư cho 2 phà gần 25 tỷ đồng, do UBND xã Tam Hải làm chủ đầu tư và được thực hiện trong giai đoạn 2024 - 2026. Hiện nay đang làm các thủ tục trình các cấp và mở tham gia đấu thầu 2 chiếc phà này. Hiện tại toàn xã đảo Tam Hải có gần 11.000 người dân tạm thời di chuyển vào đất liền bằng ghe”.