Mặt trận

Quảng Ninh: Dành tối đa nguồn lực đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Nguyễn Quý 09/11/2024 17:47

Quảng Ninh luôn dành sự quan tâm đặc biệt, ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống của người dân vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo.

Sáng 9/11, tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ninh lần thứ IV năm 2024. Tham dự đại hội có ông Y Thông, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; đại diện lãnh đạo các vụ thuộc Ủy ban Dân tộc; lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và 250 đại biểu đại diện cho hơn 162.000 đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

dsc_0747.jpg
Quảng Ninh có 42 thành phần DTTS với 162.531 người, chiếm 12,31% dân số toàn tỉnh.

Với chủ đề “Các dân tộc đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”, Đại hội đã tổng kết, đánh giá việc thực hiện Quyết tâm thư của Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ninh lần thứ III, năm 2019; đánh giá những thành tựu, kết quả đã đạt được trong thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2019-2024.

Đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm, đề ra nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc và phong trào thi đua yêu nước trong vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn mới. Qua đó, tạo động lực để đồng bào DTTS tiếp tục vươn lên xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc.

dsc_0752.jpg
250 đại biểu đại diện cho hơn 162.000 đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh về dự Đại hội.

Phát biểu tại Đại hội, ông Nghiêm Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết: Tỉnh Quảng Ninh hiện có 43 dân tộc cùng sinh sống, gồm dân tộc Kinh và 42 thành phần DTTS với 162.531 người, chiếm 12,31% dân số toàn tỉnh cư trú rải rác trên 85% diện tích của tỉnh, tập trung chủ yếu ở các huyện miền núi như Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên…

Toàn tỉnh Quảng Ninh có 64/64 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có 29 xã nông thôn mới nâng cao, 11 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Toàn tỉnh không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn theo tiêu chí của Trung ương; thu nhập bình quân đầu người khu vực này đạt 73,3 triệu đồng/năm (tăng 29,6 triệu đồng so với năm 2020).

dsc_0772.jpg
Lãnh đạo Ủy ban Dân tộc chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu dự Đại hội.

Với quan điểm xuyên suốt luôn coi trọng công tác dân tộc và quan tâm chăm lo cho vùng đồng bào DTTS, tỉnh luôn dành nhiều nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS. Đặc biệt thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU (ngày 17/5/2021) của Tỉnh ủy “Về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, cùng các chương trình mục tiêu quốc gia khác, tỉnh đã bố trí hơn 118.100 tỷ đồng để đầu tư cho đồng bào DTTS Giai đoạn 2019-2024 tỉnh triển khai 842 dự án, công trình hạ tầng thiết yếu đầu tư vùng dân tộc thiểu số và miền núi, tạo sức bật quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống người dân vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo.

z6014835724053_4a2a316de07f28b9dedd5a04f273d049.jpg
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc” của Ủy ban Dân tộc cho 5 cá nhân có thành tích xuất sắc đóng góp cho sự nghiệp phát triển các dân tộc Việt Nam.

Đại hội đã thông qua Quyết tâm thư thực hiện trong giai đoạn 2024-2029, quyết tâm hoàn thành 11 chỉ tiêu cụ thể đến năm 2029. Trong đó phấn đấu thu nhập bình quân đầu người của người dân vùng DTTS và miền núi đạt trên 150 triệu đồng/người/năm và lũy kế đến năm 2029 đạt tương đương khoảng 7.000 USD/người/năm; cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh…

Tại Đại hội, thừa ủy quyền của lãnh đạo Uỷ ban Dân tộc, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc” của Ủy ban Dân tộc cho 5 cá nhân có thành tích xuất sắc đóng góp cho sự nghiệp phát triển các dân tộc Việt Nam; tặng Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho 1 tập thể, 5 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện chính sách dân tộc và công tác dân tộc của Đảng, Nhà nước.

Nhân dịp này, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh tặng Bằng khen cho 28 tập thể, 44 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác dân tộc giai đoạn 2019 - 2024.

Nguyễn Quý