Kinh tế

Vì sao Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam từ chối vụ kiện của Công ty CP Khoáng sản Red Stone?

Tùng Duy 09/11/2024 20:17

Công ty CP Khoáng sản Red Stone (KCN phía Nam tỉnh Yên Bái) mới đây đã nộp đơn khởi kiện lên Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam đối với một doanh nghiệp nước ngoài khi cho rằng đã mua phải hàng “rởm”. Tuy nhiên, Văn phòng của Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam cho biết đã từ chối thụ lý vụ kiện bởi Hợp đồng mua bán số FTM171109L không có điều khoản nào thỏa thuận về tranh chấp, không có thỏa thuận về cơ quan tài phán, không nói rõ về trách nhiệm pháp lý giữa bên mua và bên bán.

Thương vụ trị giá 289.000 USD

Trao đổi với phóng viên Đại Đoàn Kết ngày 5/11, đại diện của Công ty CP Khoáng sản Red Stone (gọi tắt: Công ty Red Stone), bà Phan Thị Bích Hiền - Chủ tịch HĐQT, cho biết đã gửi đơn khởi kiện đến Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam.

1ibtlnhks_6a0pib(1).jpg
Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc Cty Red Stone trình bày sự việc với phóng viên Đại Đoàn Kết.

Bà Hiền trình bày, cuối năm 2017, Công ty Red Stone đã ký hợp đồng mua một máy nghiền đá (được gọi là máy cát) từ Công ty HENAN Fote Heavy Machinenary Co,LTD (gọi tắt: Công ty Fote) có địa chỉ 168, St Wutong, Khu công nghệ cao Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, với tổng trị giá 289.460 USD.

Hợp đồng thương mại trên (số FTM171109L ký ngày 9/11/2017) ghi rõ nội dung “Mua bán máy nghiền cát” được ký kết sau khi hai bên có những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc trao đổi trực tiếp, thậm chí đã có buổi đại diện Công ty Red Stone đi tham quan tại Công ty Fote ở Trung Quốc.

Theo mô tả của ông Vũ Thanh Nghị - Tổng giám đốc Công ty Red Stone, người liên quan trực tiếp thương vụ này, thì năm 2017 Công ty có nhu cầu mua một máy cát phục vụ sản xuất, và được một người quen ở Lào Cai môi giới, giới thiệu. Sau đó thông qua một hội chợ Quốc tế tổ chức tại Hà Nội, ông đã tiếp xúc đại diện của Công ty Fote khi họ trình diễn các sản phẩm máy công nghiệp.

Ông Vũ Thanh Nghị đã trực tiếp sang Khu công nghệ cao Trịnh Châu, Trung Quốc tham quan nhà máy của họ. Khi được tham quan nhà máy và được chỉ dẫn trực quan chiếc máy cát, ông Nghị thấy “đó là một chiếc máy rất tốt, nghiền đá ra sản phẩm (cát hạt) có công xuất và chất lượng theo đúng ý muốn của Công ty Red Stone”. Từ đây hai bên ký hợp đồng mua bán như đã nói trên.

Sau đó, chiếc máy có trị giá lớn (đã thanh toán 100%) được tiến hành các thủ tục thông quan qua cảng Hải Phòng, đưa về lắp đặt tại nhà máy của Công ty Red Stone ở Khu công nghiệp phía Nam tỉnh Yên Bái. Phía Công ty Fote cũng cử người sang trực tiếp lắp đặt và chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên sau khi lắp đặt và chạy thử nghiệm thì cỗ máy này không cho ra sản phẩm như mong muốn. “Chất lượng và sản lượng sản phẩm làm ra từ hệ thống máy này rất kém, không đạt một phần nhỏ so với chỉ tiêu, không đạt thông số chất lượng mà hai bên thỏa thuận ký kết”, đơn khởi kiện nêu.

Theo ông Nghị và bà Hiền, ngay khi đó hai bên đã liên tục có những trao đổi, phía Công ty Fote đã hứa rằng sẽ sửa chữa chiếc máy, và thậm chí họ đã kỹ sư sang Việt Nam (năm 2018) để khắc phục lỗi nhưng không thành công. Bản thân ông Nghị cũng trực tiếp 2 lần sang Trung Quốc gặp đại diện Công ty Fote yêu cầu sửa chữa hoặc đổi máy mới. Ông được chỉ dẫn gặp cán bộ phòng thiết kế của Công ty Fote để “trình bày và trao đổi”, nhưng chỉ là những “tiếp nhận thông tin mà không làm gì sau đó nữa”, ông Nghị cho biết.

1ibtlmjg7_6a0pib-1-.jpg
Dẫn phóng viên Đại Đoàn Kết vào nhà máy coi “đống sắt vụn” (lời của ông Nghị) bị phủ bụi hiện vẫn đặt chềnh ềnh trong nhà xưởng, ông Tổng giám đốc Công ty Red Stone bức xúc: “Chúng tôi vẫn phải giữ nguyên đó dù nó chiếm diện tích lắp đặt rất lớn, mong đợi được khắc phục”.

Suốt từ đó đến nay, Công ty Red Stone đã không thể liên lạc được với Công ty Fote, số điện thoại bị cắt đứt (không rõ lý do), và càng không thấy Công ty Fote phản hồi thể hiện trách nhiệm với thương vụ.

Ông Nghị nói, một phần do rào cản từ đại dịch Covid-19 không thể qua lại biên giới, một phần ông không muốn xảy ra tranh chấp, kiện cáo khi hy vọng đối tác sẽ trở lại (Công ty Red Stone đã từng nhập khẩu nhiều loại máy công nghiệp từ các doanh nghiệp Trung Quốc), phần nữa cũng do không thể liên hệ được với Công ty Fote, lại bất lợi vì ngôn ngữ khi phải nhờ đến phiên dịch, nên sự việc cứ… trôi đến tận hôm nay. Gần đây HĐQT Công ty Red Stone đã quyết định khởi kiện lên Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam khi xét thấy đã mua phải “hàng rởm” khiến bị thiệt hại nặng.

Vụ kiện bị từ chối thụ lý

Trao đổi với phóng viên ngày 6/11, Chủ tịch HĐQT Công ty Red Stone cho biết hiện vẫn chưa nhận được phản hồi từ Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam. “Có thể tới đây chúng tôi sẽ cử người sang Trung Quốc cố gắng gặp lại họ”, bà Phan Thị Bích Hiền nói.

Tuy nhiên, nguồn tin của Đại Đoàn Kết sáng 7/11, Văn phòng của Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam cho biết đã từ chối thụ lý vụ kiện bởi Hợp đồng mua bán số FTM171109L không có điều khoản nào thỏa thuận về tranh chấp, không có thỏa thuận về cơ quan tài phán, không nói rõ về trách nhiệm pháp lý giữa bên mua và bên bán.

Theo luật sư Đỗ Như Thành (Đoàn LS TP Hà Nội), Công ty Red Stone nên sớm trình bày vụ việc lên Sở Ngoại vụ tỉnh Yên Bái để có sự kết nối với phía nước bạn. Thương vụ này đã có dấu hiệu vi phạm hợp đồng, việc xử lý, giải quyết sẽ khá phức tạp. Đây cũng là bài học cho nhiều doanh nghiệp khi có thương vụ mua bán, giao dịch xuất nhập khẩu mà thiếu cẩn trọng trong hợp đồng và pháp lý.

Tùng Duy