Văn hóa

Dấu ấn điện ảnh Việt tại Liên hoan phim quốc tế Hà Nội

MAI HÀ 10/11/2024 08:42

Những ngày này, Hà Nội đang trở thành tâm điểm chú ý của giới làm nghề và người hâm mộ điện ảnh với sự kiện điện ảnh quốc tế lớn nhất trong năm, quy tụ 117 bộ phim tham gia tranh giải, cùng với 800 khách mời là các chuyên gia điện ảnh, đạo diễn, diễn viên nổi tiếng trong và ngoài nước.

Với lịch chiếu phim dày đặc và nhiều hoạt động xuyên suốt 5 ngày, từ ngày 7/11 – 11/11, Liên hoan phim (LHP) Quốc tế Hà Nội đang mang đến bữa tiệc điện ảnh đặc sắc cho khán giả. Trong đó, điện ảnh Việt Nam đóng góp những sắc màu thú vị.

1(2).jpg
Các diễn viên Hàn Quốc tham dự LHP.

Sự góp mặt của điện ảnh Việt

Từ hơn 500 bộ phim gửi tham dự, Ban tổ chức đã tuyển chọn được 117 bộ phim của 51 quốc gia và vùng lãnh thổ để chiếu trong các chương trình phim của LHP.

Trong 117 phim dài và phim ngắn có 65 phim nước ngoài và 52 phim Việt Nam. Trong đó, 10 phim dài dự thi (9 phim dài dự thi nước ngoài và 1 phim của Việt Nam là “Ngày xưa có một chuyện tình” của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh). 19 phim ngắn dự thi, trong đó 11 phim nước ngoài và 8 phim Việt Nam gồm các thể loại tài liệu, hoạt hình, phim truyện.

Cụ thể, 8 bộ phim ngắn dự thi của Việt Nam gồm: “Cây ổi thiên đường”, “Đi về phía mặt trời”, “Giấc mơ làm du lịch của người bản địa Tây Nguyên”, “Linh ảnh”, “Nguồn cội”, “Người ơi, đừng khóc cuối đường”, “Nụ cười”, “Tẹo”.

Chương trình phim Việt Nam đương đại gồm 33 bộ phim, trong đó có 21 phim truyện; 6 phim tài liệu và 6 phim hoạt hình.

Cụ thể, 21 bộ phim truyện đặc sắc gồm: “Bà già đi bụi”, “Bên trong vỏ kén vàng” “Cám”, “Đào, phở và piano”, “Đóa hoa mong manh”, “Gặp lại chị bầu”, “Giải cứu anh ‘thầy’”, “Hoa táo nở”, “Hồng Hà nữ sĩ”, “Kẻ ẩn danh”, “Kẻ ăn hồn”, “Làm giàu với ma”, “Mai”, “Móng vuốt”, “Nhà bà Nữ”, “Những bức tường”, “Quỷ cẩu”, “Siêu lừa gặp siêu lầy”, “Tiểu đội hoa hồng”, “Trước giờ "Yêu"”, “Vầng trăng thơ ấu”.

6 bộ phim tài liệu trong chương trình phim Việt Nam đương đại gồm: “Khát vọng thiên thanh”, “Nắng nhuộm lụa vàng”, “Ngàn năm sênh phách”, “Tìm lại tuổi thơ qua trò chơi dân gian”, “Tội ác phía sau lòng tin”, “Thư gửi mẹ”.

6 bộ phim hoạt hình tham gia chương trình phim Việt Nam đương đại gồm: “Cá chép của ông Táo”, “Cá rô đi lạc”, “Cô bé tóc xù”, “Đội lân sư nhí nhố”, “Giấc mơ của con”, “Tái sinh”.

2(3).jpg
Cảnh trong phim "Ngày xưa có một chuyện tình".

Lần đầu tiên chiếu chương trình phim đặc sắc về Hà Nội

Trong khuôn khổ LHP, lần đầu tiên, Ban tổ chức có chương trình phim về Hà Nội với 9 tác phẩm điện ảnh ở nhiều thể loại, trong đó 4 phim truyện về Hà Nội gồm: “Em bé Hà Nội” (đạo diễn, NSND Hải Ninh), “Truyện cổ tích cho tuổi 17” (đạo diễn, NSƯT Nguyễn Xuân Sơn); “Hà Nội mùa đông 46” (đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh) và “Long Thành cầm giả ca” (đạo diễn, NSND Đào Bá Sơn).

Trong số này, phim “Em bé Hà Nội” - một trong 5 bộ phim của đạo diễn, NSND Hải Ninh được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (2007). Tại LHP Việt Nam lần 3 năm 1975, phim đoạt giải thưởng Bông Sen Vàng dành cho phim truyện xuất sắc nhất, cùng các giải thưởng Quay phim xuất sắc nhất, Thiết kế mỹ thuật xuất sắc nhất; Nữ diễn viên xuất sắc nhất.

Phim “Hà Nội mùa đông 46” là một trong 4 bộ phim của đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (2007). Phim cũng giành giải Bông Sen Bạc cho phim truyện xuất sắc nhất tại LHP Việt Nam lần thứ 12 (1999); đạo diễn Đặng Nhật Minh đoạt giải Đạo diễn xuất sắc nhất, ngoài ra là Giải quay phim xuất sắc nhất, Âm nhạc xuất sắc nhất.

Ngày xưa có một chuyện tình

Bộ phim duy nhất của điện ảnh Việt Nam dự thi hạng mục Phim dài là “Ngày xưa có một chuyện tình”. Bộ phim được chuyển thể từ truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, xuất bản lần đầu tiên vào năm 2016 và tái bản đến 20 lần. “Ngày xưa có một chuyện tình” cũng là bộ phim được chọn chiếu khai mạc tại Liên hoan phim lần này.

Phim xoay quanh câu chuyện tình bạn, tình yêu giữa hai chàng trai và một cô gái từ thuở ấu thơ cho đến khi trưởng thành, phải đối mặt với những thử thách của số phận. Ba nhân vật Vinh - Miền - Phúc đã cùng yêu, cùng bỡ ngỡ bước vào đời, va vấp và trải qua từng ngã rẽ trong cuộc đời.

Phim lấy bối cảnh năm 1992 - 1997, nhưng vẫn gần gũi với đời sống hiện đại bởi quan niệm khác biệt về tình yêu giữa 3 nhân vật chính, sự chấp nhận quá khứ và trân trọng hiện tại, tin tưởng vào điều tốt đẹp ở tương lai và cả giá trị của tình bạn, tình yêu, tình thân trong cuộc đời một con người…

Lúc nhỏ, Miền là cô bé tội nghiệp bị bạn bè xa lánh vì có người anh bạo lực và người cha nát rượu. Vinh thầm thương Miền, không dám thổ lộ vì quá nhút nhát nhưng luôn bênh vực mỗi khi cô bị bắt nạt.

Phúc là bạn thân nhất của Vinh, muốn vun vén cho tình yêu của bạn nhưng rồi lại bí mật quan tâm Miền từ lúc nào.

Một biến cố vào năm 18 tuổi đã khiến cuộc đời của cả ba rẽ nhánh. Tuổi thơ chấm dứt, để lại nhiều nỗi buồn. Một người phải rời làng quê. Nỗi buồn đó kéo dài đến tận nhiều năm sau với sự trở về của người đó.

Tên tác phẩm có chữ "chuyện tình" nhưng dấu ấn tình bạn đậm đà không kém tình yêu. Trong tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, đoạn Phúc hồi tưởng về Vinh có nói: "Hồi đó chúng tôi thật là hồn nhiên và trong đầu óc trong sáng của chúng tôi có lẽ không có gì trên đời đẹp hơn tình bạn". Khi lên phim, tình bạn giữa Vinh và Phúc được khắc họa cho thấy tình bạn cũng có thể lãng mạn không kém tình yêu.

Bộ phim gợi đến một phim khác cũng chuyển thể từ tác phẩm Nguyễn Nhật Ánh là Mắt biếc. Nhưng tình bạn cũng là điểm khác biệt lớn giữa Ngày xưa có một chuyện tình và Mắt biếc, dù cốt truyện có phần giống nhau với các yếu tố tình đơn phương, tình tay ba và nhân vật mang thai.

Trải nghiệm xem “bộ phim bí ẩn”

Lần đầu tiên, khán giả điện ảnh Việt có cơ hội trải nghiệm một hình thức xem phim hoàn toàn mới: xem phim mà không biết bất cứ thông tin nào về tác phẩm.

Trước giờ công chiếu, điều duy nhất mà khán giả biết về bộ phim mình chuẩn bị xem là dòng chữ: “Bộ phim bí ẩn” và dán nhãn T16 (phim được phổ biến đến người xem từ đủ 16 tuổi trở lên). Mọi thông tin còn lại đều được giữ kín, từ nội dung, đạo diễn, dàn diễn viên đến poster quảng bá.

Trước buổi công chiếu, ban tổ chức đề nghị khán giả sau khi xem phim vui lòng giữ kín mọi thông tin, nhằm đảm bảo sự bất ngờ và thú vị cho những suất chiếu sau đó, kéo dài cho đến ngày 15/11, thời điểm phim mới chính thức ra mắt.

Theo bà Ngô Thị Bích Hiền, đại diện của BHD - đơn vị phát hành phim, hình thức chiếu phim “bí ẩn” đã rất quen thuộc tại các LHP quốc tế lớn như Cannes (Pháp), Sundance (Mỹ), Busan (Hàn Quốc). “Cho tới nay, suất chiếu “bí ẩn”/suất chiếu “mù” vẫn là một hoạt động mang lại sự hấp dẫn và trải nghiệm thú vị của các LHP, thậm chí có cả các cuộc thi phỏng đoán tác phẩm nào sẽ được trình chiếu trong các suất chiếu đặc biệt này” – bà Hiền cho biết. Hoạt động này cũng nằm trong nỗ lực đồng hành, hỗ trợ các nhà làm phim trẻ. Được biết đây là tác phẩm điện ảnh đầu tay của một đạo diễn 9X.

Hình thức xem phim "bí ẩn" này mang đến một trải nghiệm điện ảnh hoàn toàn mới, không bị giới hạn bởi bất kỳ thông tin nào từ trước, không bị chi phối bởi những kỳ vọng hay định kiến về tác giả và đoàn phim.

MAI HÀ